(HNM) - Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quý của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử. Họ đã và đang có những đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, việc thu hút trí thức kiều bào tham gia hoạt động khoa học và công nghệ thời gian qua chưa thực sự tạo được sự đột phá về số lượng, chất lượng và hiệu quả.
Chính sách thu hút chưa đủ mạnh
Nhận thức được vai trò quan trọng của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và trí thức kiều bào nói riêng. Gần đây là Kết luận số 12-KL/TƯ của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Nhờ có những quyết sách đúng đắn đó mà các chuyên gia, trí thức, các nhà khoa học kiều bào có những đóng góp quan trọng, giúp chuyển giao những kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất vào Việt Nam; là cầu nối giúp tiếp xúc, vận động, kêu gọi và thu hút các nhà khoa học quốc tế có uy tín về nước tham dự các hội nghị, hội thảo, tạo cơ hội gặp gỡ giao lưu, hợp tác với giới khoa học Việt Nam. Đội ngũ trí thức kiều bào cũng đã kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức khoa học quốc tế, doanh nghiệp ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam phát triển khoa học và công nghệ. Số chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam duy trì ở mức khoảng 300 lượt người/năm.
Hiện tại, có nhiều chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài đang cộng tác, cố vấn, tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương và Chính phủ. Số trí thức, chuyên gia kiều bào về nước tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ, triển khai các dự án hợp tác trong giảng dạy, đào tạo nhân lực, nghiên cứu và phát triển (R&D), đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam... ngày một tăng.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần sớm được tháo gỡ để thu hút nhiều hơn các trí thức kiều bào góp sức cho đất nước. Ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, khoa học và công nghệ (Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao) cho rằng, các chính sách đã được ban hành chưa đủ mạnh, vẫn thiên về trọng đãi hơn là trọng dụng và nhiều chế độ ưu đãi hiện không còn hiệu quả.
Về tổ chức thực hiện chính sách, ở một số nơi, thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu là rào cản đối với sự nhiệt tình đóng góp của trí thức kiều bào cho đất nước. Do đó, nhiều trí thức còn băn khoăn, nghi ngại, chưa yên tâm về làm việc lâu dài ở Việt Nam, thậm chí có một số trường hợp đã về nước làm việc nhưng lại phải trở ra nước ngoài…
"Hiện thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về người Việt ở nước ngoài để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp có thể khai thác. Khi không có mạng lưới kết nối với nhau, các chuyên gia, trí thức Việt kiều không được cập nhật đầy đủ và kịp thời “đặt hàng” từ trong nước, thông tin về các nhiệm vụ đang triển khai cần có hoặc phù hợp với sự tham gia của họ. Các nhà khoa học cũng gặp khó khi muốn kết nối, trao đổi và chia sẻ những góp ý, sáng kiến..." - Ông Hùng nói thêm.
Cần xây dựng chính sách hiệu quả
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Phước, kiều bào không nhất thiết phải trở về nước hay làm việc ở trong nước mới là cống hiến được cho đất nước. Sự chia sẻ, đóng góp trí tuệ “từ xa” đã trở thành một xu hướng chung được đông đảo chuyên gia, trí thức kiều bào lựa chọn, vừa bảo đảm duy trì ổn định cuộc sống của kiều bào ở sở tại vừa có thể tạo ra những giá trị tích cực góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Ông cũng kiến nghị, sớm xây dựng cơ sở dữ liệu trí thức người Việt tại nước ngoài để nắm bắt và thu hút, tạo thuận lợi cho kiều bào có thể đóng góp “từ xa” và hỗ trợ tìm kiếm nhanh chuyên gia trí thức đầu ngành giỏi.
Trưởng ban Đối ngoại - Kiều bào (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) Từ Thành Huế đề xuất việc cho phép các nhà khoa học đầu ngành và chuyên gia cao cấp là trí thức kiều bào làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm dưới sự chủ trì của Nhà nước và các bộ, ban, ngành; giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với trách nhiệm và quyền lợi trực tiếp cho các trí thức kiều bào có tâm huyết và năng lực triển khai các dự án khoa học công nghệ tại Việt Nam...
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Mai Phan Dũng, hiện nay, nhiều chủ trương, chính sách về đại đoàn kết dân tộc, về trí thức, về khoa học và công nghệ... đã và đang được tổng kết, đánh giá làm cơ sở xây dựng nghị quyết mới, chính sách mới theo hướng đồng bộ, nhất quán, minh bạch, đơn giản và hướng tới hiệu quả hơn; qua đó, tạo xung lực mới cho việc thu hút nguồn lực quý báu là chuyên gia, nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.