Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Gỡ rào cản về quỹ đất, nguồn vốn

Đỗ Minh| 18/11/2019 07:22

(HNM) - Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV ngày 6-11 vừa qua, trả lời đại biểu về vấn đề tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh của ngành… Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, trước hết cần gỡ những rào cản về quỹ đất, nguồn vốn, khơi thông nguồn lực từ doanh nghiệp.

Dự án trồng rau nhà kính VinEco Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco. Ảnh: Minh Đỗ

Đâu là rào cản doanh nghiệp?

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp đã tăng hơn 3 lần, từ 3.000 lên hơn 11.000 doanh nghiệp, góp phần tích cực nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mới chiếm 8% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Đáng chú ý, số doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ chiếm gần 80%.

“Quỹ đất, nguồn vốn, cơ chế chính sách, sự đồng hành của các địa phương… đang là những rào cản khiến doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, quy mô còn nhỏ...” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Cụ thể tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường, khó khăn lớn nhất là quỹ đất sạch cho doanh nghiệp. Để triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thành phố đã có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cần quỹ đất từ 100 đến 150ha - điều này rất khó với Hà Nội. Không có quỹ đất thì doanh nghiệp không thể đầu tư lớn, nên quy mô chủ yếu là nhỏ từ vài héc ta đến 10ha. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương trong cả nước.

Bên cạnh đó, nguồn vốn cũng là vấn đề nan giải với nhiều doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Phương Liên, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên (Hà Nội), để có nguồn vốn đầu tư vào khâu chế biến các sản phẩm từ cây ổi, công ty cần từ 10 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng, song các thủ tục xác nhận, chứng minh tài sản… tiếp tục cản trở việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, có một thực tế khác nữa là một số địa phương chưa quyết liệt triển khai các chính sách về thu hút đầu tư. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống dẫn chứng: Theo Điều 19, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ngày 17-4-2018 của Chính phủ, các địa phương phải ban hành 5 cơ chế, chính sách để thực hiện.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay chỉ có 20/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách đặc thù; chưa tỉnh, thành phố nào ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai và chỉ 3/63 tỉnh, thành phố ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích đầu tư…

Gỡ khó để thu hút đầu tư

Nhằm từng bước tháo gỡ những nút thắt, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ngày 17-7-2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.

Ông Đinh Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp - nông thôn. Nghị quyết cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh chính sách thuế nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, bảo đảm ổn định chính sách vĩ mô…

Về vấn đề tích tụ đất đai, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp; thiết lập cơ chế thuận lợi để hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp tiếp cận đất đai, hình thành các vùng sản xuất, chế biến tập trung. Cùng với đó là việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp thí điểm trong tích tụ, tập trung đất đai và trình Chính phủ trong tháng 11-2019.

Về phía ngành Nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ NN&PTNT tiếp tục cùng các địa phương quy hoạch vùng sản xuất; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp…

Tuy nhiên, cùng với hỗ trợ của Nhà nước cũng như các bộ, ngành thì vấn đề quan trọng nhất là các địa phương phải nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trên cơ sở lợi thế tự nhiên để đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để tạo sức hút với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh nguồn cung cấp tín dụng và cải thiện các điều kiện cung cấp tín dụng. Thành phố sẽ dành tỷ lệ ngân sách từ 2% đến 5% hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Đặc biệt, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thành phố sẽ khảo sát phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Hoài Đức với quy mô từ 200 đến 1.000ha, tại huyện Mê Linh từ 400 đến 500ha; tại huyện Phú Xuyên từ 100 đến 200ha… Đây sẽ là nguồn quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Với những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới, những rào cản về nguồn vốn, quỹ đất… sẽ được gỡ bỏ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội, điều kiện để đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Gỡ rào cản về quỹ đất, nguồn vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.