(HNMO) - Thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một trong 5 “mũi giáp công” để phục hồi nền kinh tế. Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón “làn sóng” chuyển dịch của các chuỗi cung ứng thế giới. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về việc chuẩn bị, sẵn sàng đón dòng vốn, tận dụng kênh cấp vốn này cho mục tiêu kích đẩy quá trình hồi phục, tăng trưởng kinh tế.
- Xin ông cho biết diễn biến, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay?
- Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,33 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, đó chỉ là sự so sánh thuần túy về con số. Nếu xét trong hoàn cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 mới thấy hết tiềm năng, sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế. Thực tế, nhiều quốc gia cũng mong muốn và tham gia cuộc đua cạnh tranh thu hút đầu tư, nhưng chưa đạt kết quả như vậy khi các nhà đầu tư lớn đều tạm dừng, điều chỉnh việc triển khai dự án, mục đích kinh doanh trên phạm vi toàn cầu.
Hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang tiếp tục chuyển biến tích cực, thể hiện qua một số động thái. Trước hết, riêng tháng 4 vừa qua, Việt Nam đã thu hút thêm 3,78 tỷ USD vốn mới, tức xấp xỉ kết quả của cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng tới hơn 81% so với tháng 3 và đó là dấu hiệu cho thấy sự hồi phục nhanh chóng trong lĩnh vực quan trọng này. Tiếp theo, xét về cơ cấu vốn mới thu hút thì lượng vốn điều chỉnh lại tăng 45,6% so với cùng kỳ năm 2019, vốn đăng ký mới cũng tăng 26,9%, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.
Vốn giải ngân của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 4 tháng qua đạt 5,15 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là kết quả đáng ghi nhận, bởi được thực hiện trong bối cảnh đứt gãy nguồn cung quốc tế, đình trệ hoặc gián đoạn sản xuất trên diện rộng.
- Chính phủ, các tổ chức trong và ngoài nước đều đánh giá Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thu hút đầu tư nước ngoài. Xin ông cho biết quan điểm cá nhân về nhận định này?
- Tôi rất đồng thuận với nhận định trên. Mọi việc đều có căn nguyên của nó. Không phải ngẫu nhiên mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra báo cáo với đánh giá lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2020.
Việt Nam luôn cầu thị và đã quyết liệt trong việc liên tục cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời, vừa qua được đánh giá cao về kết quả phòng, chống dịch Covid-19, từ đó tạo thêm niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài, khiến họ an tâm đầu tư - kinh doanh lâu dài. Việt Nam cũng được dự báo sẽ vượt qua cơn bão này một cách nhanh chóng, ít tổn thất.
Đáng lưu ý, hiện đã xuất hiện làn sóng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, trong đó Việt Nam nổi lên là điểm đến tin cậy. Đến nay, nhiều dấu hiệu cho thấy, các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nhà đầu tư lớn của Mỹ, châu Âu đang quan tâm đến thị trường Việt Nam nhờ lợi thế về ổn định chính trị, thị trường lớn, cơ cấu dân số trẻ, hội nhập sâu, kinh tế tăng trưởng ổn định, chi phí hợp lý, cạnh tranh, có vị trí thuận lợi cho giao thương quốc tế, cộng với vừa qua chúng ta xử lý tốt việc chống dịch Covid-19. Cơ hội mở ra, nhưng chúng ta sẽ thu hút FDI có chọn lọc theo đúng tinh thần Nghị quyết 50-NQ/TƯ ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
- Có nghĩa là điều kiện sẽ khá thuận lợi và giới đầu tư nước ngoài sẽ tăng cường hiện diện tại Việt Nam, thưa ông?
- Không hoàn toàn như vậy, bởi quyền đầu tư là của mỗi doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế. Họ chỉ đầu tư khi có điều kiện tổng hợp đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, các nước khác cũng tập trung cải thiện môi trường đầu tư, cạnh tranh quyết liệt trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài nên Việt Nam càng cần chủ động làm tốt công tác này.
Chính phủ, cơ quan chức năng đang nỗ lực cải thiện chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Chúng ta sẽ đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về điện, nước, diện tích mặt bằng sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp. Một số tỉnh còn tiềm năng để thỏa mãn nhu cầu mặt bằng tại khu công nghiệp, phù hợp với nhà đầu tư, như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam. Ngoài ra, việc phát triển công nghiệp phụ trợ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng cần được chú trọng, thúc đẩy để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Cơ hội rất lớn, đang đến gần và chúng ta nên hành động nhanh, quyết liệt để nắm bắt và khai thác hiệu quả. Nếu không sẵn sàng để đón nhận thì cơ hội vẫn chỉ là cơ hội mà thôi.
- Theo ông, dịch Covid-19 để lại bài học gì và có tác động thế nào đến hoạt động đầu tư nước ngoài?
- Dịch Covid-19 gây hệ lụy to lớn đối với đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu và để lại bài học đáng giá, đến nay đã đủ “ngấm” đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đó là, nếu phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung thì khi gặp sự cố sẽ không kịp ứng phó, không thể có phương án thay thế trong một sớm một chiều. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng thiệt hại vì nguyên nhân này. Nhưng cũng vì vậy mà giới đầu tư quốc tế đang quyết tâm tái cơ cấu, điều chỉnh lại mạng lưới sản xuất và cung ứng trên phạm vi toàn cầu, và Việt Nam là ứng viên sáng giá như nói ở trên.
Trong tình hình mới, chúng ta vừa tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vừa chủ động bảo vệ doanh nghiệp trong nước, tránh tình trạng doanh nghiệp bị thôn tính một cách bất hợp lý. Chúng ta nên tạo điều kiện để một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của ta dồn lực mua lại doanh nghiệp nước ngoài thuộc những lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao để tiến tới làm chủ công nghệ, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.