(HNM) - Theo Cục Viễn thông (thuộc Bộ TT-TT), hiện còn khoảng 12 triệu bộ sim, kít đã được kích hoạt trước ngày 1-1-2013 nhưng chưa phát sinh cước.
Sở dĩ các sim này được kích hoạt trước là do các chủ đại lý kinh doanh sim, kít đã "lách" các văn bản quy định có hiệu lực từ ngày 1-1-2013. Để giải quyết lượng sim, kít lớn đã kích hoạt, nhưng chưa phát sinh cước kể trên đang là vấn đề đặt ra với cả cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp (DN), nhằm tránh tình trạng lãng phí kho số và ngăn chặn hệ lụy các đối tượng cá nhân, DN sử dụng sim này phát tán tin rác, lừa đảo.
Việc quản lý các đại lý sim, thẻ còn nhiều bất cập. Ảnh: Trần Hải |
Tại hội nghị sơ kết ngành thông tin - truyền thông mới đây, lãnh đạo Viettel đề xuất các DN nên cùng áp dụng biện pháp kỹ thuật là đưa các sim này về giá trị 0 đồng từ ngày 1-9. Tuy nhiên, một số DN lại không đồng tình. Chẳng hạn, đại diện MobiFone cho rằng, trong số sim chưa phát sinh cước này có không ít sim được người tiêu dùng sử dụng thực sự chứ không phải diện các đại lý "găm" hàng và nếu nhà mạng thực hiện ngắt tài khoản có thể sẽ gây ra phản ứng từ khách hàng…
Có ý kiến lại cho rằng, xử lý mạnh sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các đại lý sim, kít vì họ đang được quyền kinh doanh hợp pháp… Song, vấn đề đặt ra là nếu các nhà mạng làm tốt theo quy định hiện nay là sau 60 ngày khi kích hoạt tài khoản mà không phát sinh cước sẽ bị cắt một chiều, thêm 15 ngày nữa sẽ bị cắt hai chiều và tối đa 105 ngày sẽ bị cắt số thì không có chuyện đến nay vẫn còn tới 12 triệu sim đã kích hoạt nhưng chưa phát sinh cước. Mặt khác, cùng từ chuyện 12 triệu sim, kít đã kích hoạt mà chưa phát sinh cước cho thấy, có thể có tình trạng giả mạo đăng ký thông tin thuê bao để kích hoạt. Trách nhiệm ở đây thuộc về DN?! Được biết, mới đây lãnh đạo Bộ TT-TT đã chỉ đạo Cục Viễn thông, chậm nhất đến hết ngày 30-9-2013 yêu cầu các DN xóa tài khoản đưa về 0 đồng với những sim, kít đã kích hoạt trước ngày 1-1-2013 và báo cáo Bộ kết quả thực hiện xử lý những sim, kít chưa phát sinh cước này. Đồng thời, các DN cũng phải tuyên truyền để những khách hàng thực sự sở hữu sim phải thực hiện phát sinh cước; có biện pháp giải quyết nếu có tranh chấp xảy ra.
Như đã nói ở trên, theo quy định, nhà mạng hoàn toàn có quyền thu hồi sim nếu kích hoạt mà chưa phát sinh cước trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, các nhà mạng lại không thực hiện quyền của mình để rồi có một lượng sim lớn chưa phát sinh cước vẫn tồn tại và lại trở thành vấn đề, công việc buộc phải giải quyết trong 6 tháng cuối năm. Thực tế thì không ít khách hàng đã, đang dùng sim điện thoại sử dụng nhiều hơn 1 sim nếu không nạp tiền thuê bao, không thực hiện cuộc gọi, hoặc truy cập internet 3G như quy định đã bị mất luôn thuê bao. Tất nhiên, khi khách hàng thắc mắc, khiếu nại, sẽ nhận được câu trả lời là nhà mạng làm theo quy định. Song, với những thông tin được công bố rộng rãi tại các cuộc họp mà dư luận phản ánh thì nhà mạng chỉ mạnh tay với khách hàng còn với đại lý thì buông lỏng và điển hình là việc đến nay vẫn còn 12 triệu sim, kít chưa phát sinh cước. Tuy nhiên, với hầu hết khách hàng, việc Bộ TT-TT yêu cầu các DN phải xử lý triệt để tình trạng lãng phí tài nguyên kho số này là cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.