Thời gian qua, có nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đầu tư vào các sàn chứng khoán, tiền ảo, làm việc trên sàn thương mại điện tử... Lợi dụng tình trạng này, nhiều đối tượng đã lập tài khoản giả mạo luật sư, công an… đăng trên các nền tảng mạng xã hội với nội dung hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo.
Với thủ đoạn tinh vi nên nhiều người không xác định được đúng sai, nhẹ dạ cả tin nghe theo nên tiếp tục mất tiền lần hai, dẫn đến “thiệt đơn thiệt kép”.
Thủ đoạn tinh vi
Thủ đoạn nhận trợ giúp người bị lừa đảo qua mạng lấy lại tiền điển hình là giả mạo các văn phòng luật sư để gài “bẫy” nạn nhân. Các công ty luật như: Khải Hoàn Tâm, Phúc Khánh Hưng, Trí Minh, Bảo Tín, Phạm Hồng Hải, Việt An… là những đơn vị các đối tượng nhắm đến. Theo đó, hình ảnh, tên công ty được các đối tượng gán ghép vào tài khoản giả mạo để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Tìm bằng chứng cho việc này, phóng viên Báo Hànộimới gõ cụm từ “Hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo”, trên mạng xã hội Facebook có hàng chục tài khoản công ty luật hiện lên. Trong đó có tài khoản đăng thông tin giật gân, táo bạo: “Từ ngày 31-12-2023, Công ty Luật Việt An đã được Bộ Công an ký kết và ủy quyền cho công ty về việc hỗ trợ và tư vấn về thu hồi tiền treo trực tuyến (online) và làm nhiệm vụ: Thu hồi tiền kẹt trong các ứng dụng công nghệ (app), sàn Shopee, Lazada, thu hồi tiền đã chuyển trên không gian mạng”… Không chỉ hoạt động bằng tài khoản riêng lẻ, các đối tượng tham gia vào nhiều hội nhóm trên Facebook, Zalo, TikTok… để thực hiện hành vi lừa đảo.
Với thủ đoạn này, nhiều người đã bị lừa. Trên nhóm “Lấy lại tiền bị lừa đảo trên mạng xã hội nhanh nhất - không ứng phí”, tài khoản Hồng Ngọc đăng chia sẻ về việc mình đã bị lừa lần 2. Cụ thể, do bị lừa 8 triệu đồng qua lời mời gọi làm việc online, chị Ngọc đã lên mạng tìm hiểu và được tài khoản “Luật sư lấy lại tiền lừa” tư vấn lấy lại tiền. Từ nhiều tin nhắn dẫn dụ, chị Ngọc thực hiện nhắn mã OTP cho đối tượng và tiền trong tài khoản đã “không cánh mà bay”...
Một nạn nhân khác là chị L., trú tại quận Ba Đình. Tháng 2-2024, Công an phường Giảng Võ (quận Ba Đình) tiếp nhận trình báo của chị L. vì chị bị lừa liên tiếp 2 lần. Trước đó, chị bị lừa 200 triệu đồng trên mạng nên đã nhờ tài khoản “Công ty Luật hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo” trên Facebook trợ giúp. Công ty luật này thông báo với chị L. đã kết nối với an ninh mạng và nạn nhân phải đóng phí để thu hồi tiền lừa đảo. Chị L. đã chuyển 125 triệu đồng cho các đối tượng do nôn nóng muốn lấy tiền ngay nhưng sau đó chị đã bị lừa thêm lần nữa vì đối tượng “lặn mất tăm”.
Một địa chỉ khác mà các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng để giả mạo là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an). Mới đây, Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Lê Nguyên Giáp (ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đối tượng “nổ” là quen biết cán bộ làm việc tại Bộ Công an và có khả năng lấy lại tiền ảo đã thua lỗ; rồi giả làm cán bộ công an gọi điện và trao đổi phương án lấy lại tiền. Nạn nhân tin tưởng và chuyển 3 lần cho đối tượng với tổng số tiền 100 triệu đồng.
Người dân cần tỉnh táo
Cung cấp thông tin cho phóng viên Báo Hànộimới, luật sư Đào Ngọc Lý, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, 6 tháng qua, đơn vị nhận được đơn đề nghị hỗ trợ, tố giác của 12 tổ chức hành nghề luật sư và luật sư phản ánh việc một số đối tượng đã mạo danh họ trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo hay một số website..., để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước thực tế này, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã chuyển đơn tới Công an thành phố Hà Nội đề nghị xem xét và xử lý theo quy định. Cho đến nay, các cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh các đơn tố giác và sẽ thông báo khi có kết luận điều tra.
Về hành vi lừa đảo của các đối tượng, luật sư Đào Ngọc Lý cho hay, hành vi nêu trên có thể bị xử lý theo Điều 290 Bộ luật Hình sự, tội “Sử dụng mạng máy tính thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, hình phạt nặng nhất có thể là từ 12 đến 20 năm tù tùy mức độ vi phạm.
Về vấn đề này, theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thực tế có website giả mạo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) với tên miền https://policeonline.club, đưa ra các quảng cáo hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền bị lừa đảo với tỷ lệ thành công 99,9%. Do đó, người dân cần cẩn trọng, tuyệt đối không truy cập vào đường dẫn trên để tránh bị lừa đảo.
Về việc giả danh cơ quan an ninh mạng và cơ quan công an để lừa đảo, Cục An toàn thông tin cho biết thêm, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) không có trang thông tin chính thức - website hoặc fanpage. Cục An toàn thông tin đã, đang rà soát, xác minh, truy tìm đối tượng có hoạt động mạo danh để đấu tranh, xử lý theo quy định; đồng thời tiếp tục tiến hành chặn, lọc, vô hiệu hóa các đường link, tài khoản giả mạo trên không gian mạng.
Bộ Công an đã từng cảnh báo các trang mạng lấy tên cơ quan công an hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo đều là mạo danh và có dấu hiệu lừa đảo. Dù vậy, vẫn có nhiều người bị sập bẫy bởi chiêu trò của các đối tượng không mới nhưng vẫn đủ tinh vi, thao túng tâm lý nạn nhân. Do vậy, người dân phải tỉnh táo, tự trang bị kiến thức để không bị mất tiền oan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.