Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Nhóm phóng viên| 06/12/2022 06:19

(HNM) - Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục lên tiếng cảnh báo về tình trạng mạo danh cán bộ công an, tư pháp gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng thời gian qua vẫn có rất nhiều người tiếp tục mắc bẫy. Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng đang vào cuộc quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, thủ đoạn cũ vẫn khiến nạn nhân mới gia tăng là lời cảnh tỉnh sâu sắc đến người dân.

Công an quận Hà Đông hướng dẫn người dân cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo.

Nhiều nạn nhân “sập bẫy“

Ngày 26-11 vừa qua, Công an phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) nhận đơn trình báo của bà L. (sinh năm 1959, trú ở phường Dịch Vọng) về việc nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Viện Kiểm sát, thông báo bà có liên quan đến một vụ án ma túy. Bà L. bị đối tượng hướng dẫn chuyển tiền vào một tài khoản để phong tỏa, phục vụ điều tra, nếu không liên quan sẽ trả lại. Bà L. đã chuyển 4,25 tỷ đồng theo yêu cầu của các đối tượng...

Còn gia đình bà D. (sinh năm 1953, ở quận Long Biên) thì đến nay vẫn phải cắt cử người trông nom vì bà đang có suy nghĩ tiêu cực, đòi tự tử. Nguyên nhân là ngày 7-11-2022, một người tự xưng là đại tá công an điện thoại thông báo bà D. liên quan đến đường dây tội phạm ma túy và yêu cầu bà phải cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra... Sau đó, bà D. phát hiện tài khoản bị mất gần 6 tỷ đồng. Bị lừa số tiền lớn khiến bà suy sụp.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Q. (quận Hà Đông) cũng mất trắng số tiền 2 tỷ đồng sau khi nhận điện thoại của đối tượng xưng là công an, thông báo bà liên quan đến một vụ án rất lớn. Bà bị dọa dẫm nếu không chuyển tiền để phục vụ điều tra thì số tiền bà gửi tiết kiệm sẽ bị tịch thu...

Gần đây, còn xuất hiện kiểu lừa đảo giả mạo cán bộ lực lượng phòng cháy, chữa cháy gọi điện cho người dân yêu cầu tham gia lớp tập huấn an toàn phòng, chống cháy nổ, kèm theo đó là yêu cầu đóng tiền học và mua tài liệu khiến nhiều người bị mất tiền oan.

Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, thời gian qua lực lượng chức năng phát hiện gần 400 trang mạng, tài khoản mạng xã hội giả mạo, sử dụng tên, hình ảnh, ký hiệu, biểu tượng của lực lượng Công an nhân dân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Dán thông tin cảnh báo thủ đoạn lừa đảo ở phường Phúc Xá (quận Ba Đình).

Cần nâng cao cảnh giác

Để đối phó với loại tội phạm trên, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, đơn vị đã chủ động làm việc với tất cả chi nhánh ngân hàng trên địa bàn, tập huấn cho cán bộ tiếp dân khi thấy người dân đến thực hiện giao dịch có biểu hiện hoang mang, lo lắng, không bình thường thì báo ngay cho cơ quan công an để phối hợp giải quyết. Nhờ đó, Công an quận Hà Đông đã kịp thời ngăn chặn được nhiều vụ việc lừa đảo giả mạo cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát...

Theo Trung tá Nguyễn Minh Hiếu, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an huyện Hoài Đức, đơn vị thường xuyên cảnh báo hành vi giả danh cán bộ phòng cháy, chữa cháy để lừa yêu cầu đóng tiền học kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và mua tài liệu, đặc biệt tại khu vực có nhiều làng nghề để người dân nắm rõ thủ đoạn lừa đảo, nâng cao cảnh giác. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa lưu động của lực lượng công an xã về thủ đoạn này để người dân nắm rõ.

Nhằm đấu tranh với loại tội phạm trên, Công an thành phố Hà Nội liên tục cảnh báo người dân không đăng nhập vào các đường link yêu cầu mã OTP gửi về qua điện thoại, không cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc. Đồng thời, không công khai tài khoản ngân hàng trên các trang mạng xã hội. Nếu buộc phải công khai để phục vụ mục đích kinh doanh thì hạn chế thấp nhất số tiền trong tài khoản; thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập trên các nền tảng xã hội, đặt mật khẩu có tính bảo mật cao để tránh bị các đối tượng chiếm quyền kiểm soát tài khoản.

Để không trở thành nạn nhân của các tình huống lừa đảo như trên hoặc tương tự, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) lưu ý, người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi thông báo vi phạm. Các cơ quan chức năng khi liên hệ đến làm việc đều gửi văn bản hoặc giấy mời, không làm việc thông qua điện thoại với bất kỳ trường hợp vi phạm nào. Người dân có thể nâng cao kiến thức và mức độ nhận diện để tránh trở thành nạn nhân bằng việc xem các video mà Cục An toàn thông tin phối hợp với các đơn vị chức năng dựng lại những tình huống dựa trên câu chuyện có thật.

Dù thủ đoạn lừa đảo trên không còn xa lạ, đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhưng nhiều người dân vẫn bị "sập bẫy". Do vậy, để góp phần cùng các cơ quan chức năng ngăn chặn loại tội phạm này, mỗi người dân cần cảnh giác, tỉnh táo với các cuộc điện thoại đe dọa và vu khống vô cớ, đồng thời thông báo ngay đến lực lượng chức năng nơi gần nhất để được kịp thời hướng dẫn xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.