(HNM) - “Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh/Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Câu đối này là biểu tượng cho Tết cổ truyền Việt Nam. Bây giờ không ai dựng cây nêu, pháo cũng không còn và câu đối có rất ít nhà chơi…
Những câu đối hay
Câu đối Tết có xuất xứ từ Trung Quốc, tuy nhiên khi vào Việt Nam nó có những đổi thay. Ví dụ, ở Trung Quốc người ta chỉ viết câu đối bằng chữ Hán, trong khi Việt Nam ngoài chữ Hán câu đối còn được viết bằng chữ Nôm, chữ Quốc ngữ.
Chơi câu đối Tết, nét văn hóa truyền thống của người Việt. |
Tương truyền thuở hàn vi Nguyễn Công Trứ có câu đối Tết dành cho dân nghèo rất lạc quan mà không kém phần hài hước:
Chiều ba mươi, nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa.
Sáng mồng một, rượu say lúy túy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà.
Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương vẫn “đùa rai” và đầy hóm hỉnh khi viết câu đối:
Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt kẻo Ma Vương đưa quỷ tới.
Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang cho thiếu nữ rước xuân vào.
Còn cụ Tú Xương có câu đối Tết bằng chữ Nôm ngông ngạo:
Nực cười thay: nêu không, pháo không, vôi bột cũng không mà Tết.
Thôi cũng được: rượu có, nem có, bánh chưng cũng có thừa chơi.
Tam Nguyên Yên Đổ cáo quan về vườn, nhắm mắt, thờ ơ với Tết:
Đêm ba mươi, nghe pháo nổ “đùng” ờ ờ… Tết.
Sáng mồng một vấp nêu đánh cộc, á à … Xuân.
Đó chỉ là vài câu đối trong kho tàng câu đối Tết Việt Nam. Câu đối Tết là đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ, phải theo niêm luật chặt chẽ về cú pháp, nhịp điệu, thanh luật, từ loại… Đề tài phong phú, giọng điệu đa dạng và với một số nhà Nho, viết câu đối Tết chính là cơ hội lập ngôn, bày tỏ quan điểm về nhân tình thế thái.
Câu đối Tết ở Thăng Long - Hà Nội
Câu đối Tết không chỉ có ở Thăng Long - Hà Nội, vì phong tục thì vùng miền nào cũng có. Trước Tết, chủ nhà dán đôi câu đối bằng giấy hồng điều hai bên cửa, vừa có ý nghĩa trừ tà ma, vừa để khách chơi nhà thưởng lãm, bình bán bên chén rượu xuân. Song ở Thăng Long - Hà Nội, thú chơi câu đối thịnh hành hơn vì là nơi có nhiều quan lại, nhiều danh Nho, sĩ tử các nơi về học tại các trường đại tập quanh Văn Miếu nên đất này sẵn chữ.
Thế kỷ XV, câu đối Tết đã trở nên phổ biến khắp Kinh thành Thăng Long. Tương truyền, một năm, gần đến Giao thừa, vua Lê Thánh Tông vi hành quanh thành xem con dân của mình ăn Tết thế nào. Đến một nhà, ngài không thấy treo câu đối, hỏi mới biết đó là một người ở phường nhuộm vải góa vợ, con trai đi lính ở miền biên ải. Ngài bèn sai lấy giấy bút rồi tự tay mài mực và viết:
Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ.
Triều trung chu tử tổng ngô môn.
(Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ tạo ra
Đỏ tía chốn triều đình tất cả từ nhà ta ra).
Một giai thoại khác cũng gần Tết, vua Lê Thánh Tông giả dạng thường dân vi hành. Đi qua một nhà không thấy có câu đối treo cửa, hỏi thì chủ nhà trả lời do thân phận nghèo hèn nên không dám xin chữ ai cả. Gặng thêm, mới biết người này làm nghề hót phân, nghe vậy ngài sai lấy bút mực viết ngay đôi câu đối tặng chủ nhà:
Thân ý nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự.
Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm.
(Trên mình mặc chiếc áo trận, gánh vác hết việc khó trong nhân thế. Tay cầm thanh gươm dài thu nhận cả lòng người dưới cõi trời). Viết xong ngài cho dán hai bên cửa rồi cắt nghĩa, nghe giảng giải chủ nhà thấy tự hào cái nghề của mình và từ đó không còn mặc cảm nữa.
Cuối thế kỷ XIX, Hoàng Cao Khải là quan kinh lược của triều đình nhà Nguyễn ở Hà Nội. Là quan kinh lược nhưng vị quan này lại theo Pháp đánh nghĩa quân Bãi Sậy. Khi chính phủ bảo hội bãi chức kinh lược của ông ta thì đêm Ba mươi Tết, một sĩ phu từ Hưng Yên mang câu đối dán trên tường nhà:
Ông ra Bắc là may, chức kinh lược, tước quận công, bốn bể không nhà mà nhất nhỉ.
Ông về Tây cũng tiếc, trong triều đình, ngoài chính phủ một lòng với nước có hai đâu.
Đầu thế kỷ XX, cô đầu không chỉ là đề tài cho các nhà văn, nhà thơ viết ra nhiều tác phẩm về thân phận con người. Tản Đà còn có câu đối Tết tặng cô đầu phố Khâm Thiên:
Ai đẻ mãi ra xuân, xuân ấy đi, xuân khác về, năm nay, năm ngoái xuân hơn, kém.
Nhà lại sắp có khách, khách quen vào, khách lạ đến, năm ngoái năm nay khách vắng, đông.
Nếu ở các tỉnh, tại phiên chợ Tết có rất ít thầy đồ ngồi viết câu đối thì Thăng Long - Hà Nội có hẳn phố viết câu đối và bán giấy mực, đó là phố Hàng Bồ. Các nhà buôn chuyên bán giấy của Kẻ Bưởi, nghiên mực làm bằng đá của vùng đá vôi Hà Nam và mực làm ở Hưng Yên cùng các loại giấy và mực nhập từ Trung Hoa. Cạnh cửa hàng này, các ông đồ trải chiếu bán câu đối, hay chữ đã viết sẵn trên giấy hồng điều. Ngay cả nhà có tang cũng không thể thiếu câu đối, chỉ có điều giấy viết có màu vàng hay màu xanh lục. Một bài báo đăng trên “Tương lai Bắc Kỳ” năm 1889 mô tả: “Phố Hàng Trống nhà còn thưa, vào áp Tết, ngoài bán tranh, người ta còn bán cả chữ Hán”. Chữ Hán mà bài báo nói đến chính là câu đối, nghĩa là ở Hàng Trống từng bán cả câu đối Tết.
Nguyễn Phan Lãng là một nhà Nho quê ở huyện Từ Liêm, ông tích cực tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Năm 1908, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án rồi đày ra Côn Đảo, sau 15 năm ngồi tù, mãn hạn ông về phố Thuốc Nam (nay là phố Hàng Da) viết chữ, câu đối Tết kiếm ăn. Khi chữ quốc ngữ, chữ Pháp được sử dụng phổ biến trong xã hội, người xin chữ và viết câu đối Tết ở Hà Nội thưa dần, ông đã làm bài thơ về sự sa sút của Nho học. Tuy nhiên bài “Ông đồ” của nhà giáo Vũ Đình Liên đăng trên báo “Tinh Hoa” năm 1936, không chỉ là tiếc nuối cho một thứ chữ mà lớn hơn, tác giả lo lắng văn hóa truyền thống Việt Nam đang bị mai một. Chữ Nho không còn thì câu đối Tết cũng không còn.
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Mang mực Tầu giấy dó
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”
… Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Sau 1954 và hôm nay
Do quan niệm chưa đúng nên sau năm 1954, phố Hàng Bồ không còn người ngồi viết chữ hay câu đối bằng chữ Hán, chữ Nôm. Để duy trì thú chơi cũng là nét văn hóa, ngành văn hóa thời đó đã mời một số người sáng tác câu đối bằng chữ quốc ngữ rồi cho in hàng loạt bày bán tại các hiệu sách và cả phố Hàng Mã. Vì thế nhiều người gọi là câu đối quốc doanh.
Cũng có nhiều câu đối rất hay. Song vì làm bằng chữ quốc ngữ nên niêm luật cũng không chặt chẽ như chữ Hán, chữ Nôm và nhiều chữ rất khó luận khi người ta viết thành hình tròn. Báo Tết cũng in câu đối với nhiều chủ đề mang tính thời sự: phê phán phe phẩy, lười nhác sản xuất… Báo Tết Hà Nội mới năm 1973 có nhiều câu đối mang chủ đề kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Lung linh én bạc phanh thây pháo đài bay ung dung đón Tết.
Rực rỡ rồng vàng xé xác bê năm hai đĩnh đạc vào Xuân.
Hay:
Cả nước tưng bừng sử mới thêm trang đánh Mỹ.
Hai miền tấp nập cầu xưa nối nhịp mừng xuân.
Cùng với câu đối Tết chính thống còn có câu đối lưu truyền trong dân gian. Họ nhại câu đối của Nguyễn Công Trứ, ví dụ:
Chiều ba mươi Tết lợn kêu eng éc inh tai bố.
Sáng mồng một pháo nổ đì đùng điếc gáy thầy.
Về chuyện xếp hàng mua tiêu chuẩn Tết có câu:
Tí mỡ, tí miến, tí mì chính, bán bìa số 9, chen bẹp ruột.
Lít dầu, yến củi, yến mùn cưa bán ô số 3, xô lòi gan.
Dăm bảy năm trở lại đây, Hà Nội xuất hiện phố ông đồ, ngoài viết chữ quốc ngữ, các ông đồ già có, trẻ có, quần áo, mũ mão chỉnh tề còn viết cả câu đối bằng chữ Hán, Nôm. Dù không được như xưa nhưng cũng tiếp nối nét văn hóa tao nhã trong ngày xuân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.