Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017

Võ Lâm| 12/11/2016 07:30

(HNM) - Ngày 11-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại tổ, thảo luận về các dự án: Luật Đường sắt (sửa đổi), Luật Chuyển giao công nghệ - CGCN (sửa đổi); thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi).


Với sự đồng thuận cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Quy định chặt chẽ về trách nhiệm thẩm định

Thảo luận dự án Luật CGCN (sửa đổi), các ĐBQH đã chỉ ra một số hạn chế cần được hoàn thiện. Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc (Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật còn nhiều quy định chung chung.

Quốc hội dành 2,5 ngày chất vấn 4 nhóm vấn đề

(HNM) - Ngày 11-11, trả lời báo chí về nội dung chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngày 10-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến các ĐBQH và lựa chọn 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ... để đưa ra chất vấn tại kỳ họp lần này.

Bốn bộ trưởng tương ứng với các lĩnh vực trên sẽ đăng đàn trả lời chất vấn. Sau khi các bộ trưởng trả lời, các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách từng lĩnh vực cũng sẽ trả lời làm rõ thêm các nội dung liên quan. Cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời những nhóm vấn đề lớn mà các ĐBQH quan tâm.

Chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (từ ngày 
15-11 đến ngày 17-11). Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, đây là lần đầu tiên thành viên Chính phủ trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ mới.

Điểm mới của cuộc chất vấn lần này là các ĐBQH có thể giơ biển tranh luận khi thấy nội dung trả lời của người trả lời chất vấn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đáng chú ý, các ĐBQH có thời gian 2 phút để đặt câu hỏi chất vấn, do đó các nội dung chất vấn phải đi thẳng vào vấn đề, đặt câu hỏi cụ thể vào nội dung trọng tâm.

Quốc Bình ghi


Thực tế, muốn CGCN thì phải có cơ sở vật chất, cần phải hỗ trợ từ đầu những lĩnh vực cần đầu tư, còn nếu đợi đủ điều kiện mới thực hiện sẽ rất mất thời gian. Luật cần đưa ra chính sách cụ thể về ưu tiên, hỗ trợ cá nhân, tổ chức CGCN mới có thể thúc đẩy hoạt động này. Đặc biệt cần nêu rõ doanh nghiệp nào được hỗ trợ CGCN; quy định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức khi CGCN không đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí ra sao.

Đồng quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) đề nghị, phải quy định chặt chẽ, không để sơ hở về việc thẩm định CGCN. Trong đó, phải quy định rõ thành phần, tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định công nghệ cũng như trách nhiệm của những hội đồng thẩm định khi xảy ra sai sót. Đại biểu cho rằng, không thể để xảy ra tình trạng thẩm định vô can trong những trường hợp nhập khẩu công nghệ tiền tỷ mà không sử dụng được.

Thảo luận về dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao Ban soạn thảo đã bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật Đường sắt năm 2005. Tại tổ 1 (Đoàn Hà Nội), một số đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ và đầy đủ hơn hướng ưu tiên phát triển của Ngành Đường sắt. Đại biểu Nguyễn Doãn Anh (Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) nhấn mạnh, đường sắt cũng như các loại hình giao thông khác đều đứng trên 4 trụ cột cơ bản: Thể chế, con người, kết cấu hạ tầng và phương tiện. Trong đó, thể chế và con người giữ vai trò quyết định. Vì vậy, sửa đổi luật lần này phải giải quyết điểm nghẽn về thể chế và chất lượng nguồn nhân lực cho Ngành Đường sắt.

Bội chi ngân sách ở mức 3,5% GDP

Với trên 81% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017. Theo đó, tổng số thu cân đối NSNN là 1.212.180 tỷ đồng; tổng số chi cân đối NSNN là 1.390.480 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 178.300 tỷ đồng, tương đương 3,5% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Tổng mức vay của NSNN, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của NSNN là 340.157 tỷ đồng.

Quốc hội giao Chính phủ thực hiện 14 nhóm nhiệm vụ để bảo đảm thực hiện dự toán ngân sách nêu trên. Đáng chú ý, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1-7-2017. Chính phủ hướng dẫn các địa phương đưa nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết vào cân đối thu ngân sách địa phương và sử dụng toàn bộ nguồn thu này cho đầu tư phát triển do HĐND cấp tỉnh quyết định, trong đó cần ưu tiên để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, chương trình xây dựng nông thôn mới và ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2017, phát hành 50.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ để đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Chiều cùng ngày, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi), các đại biểu đồng tình về sự cần thiết xây dựng và ban hành luật; cần hướng tới mục tiêu phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ. Một số ý kiến đề nghị, phải xác định rõ hơn phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước để bảo đảm tính bao quát, thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Hiến pháp cũng như bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Một số đại biểu đề nghị quy định rõ để việc bồi thường, xin lỗi cá nhân, tổ chức bị oan sai thật thỏa đáng, không qua loa, chiếu lệ.

Không miễn thuế đất nông nghiệp cho tổ chức được giao mà không sử dụng

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, Quốc hội quyết nghị, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho các đối tượng như hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp; hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định; hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có quyền sử dụng đất nông nghiệp góp đất của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. 

Quốc hội cũng quyết nghị miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho quản lý nhưng tổ chức, cơ quan, đơn vị không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai; trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được thực hiện từ ngày 1-1-2017 đến hết ngày 31-12-2020.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.