Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Bổ sung cơ chế xử lý cơ quan nhà nước cản trở cạnh tranh

Bảo Hân| 12/06/2018 09:28

(HNMO) - Với 95,28% đại biểu biểu quyết tán thành, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã được Quốc hội chính thức thông qua trong sáng 12-6.

Trong tuần làm việc cuối cùng tại Kỳ họp, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự thảo Luật quan trọng. Ảnh: Như Ý


Dự thảo Luật được thông qua gồm 10 chương, 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật, các đại biểu biểu quyết riêng thông qua 2 điều, gồm Điều 8 về "các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan đến cạnh tranh" (tỷ lệ đạt 96,71%) và Điều 46 về "Ủy ban cạnh tranh quốc gia" (tỷ lệ đạt 93,63%).

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cơ chế xử lý trong trường hợp cơ quan nhà nước thực hiện những hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung quy định tại Khoản 1 Điều 113 của dự thảo Luật với nội dung cụ thể: "Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả. Cơ quan nhà nước được yêu cầu phải chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật".

Điều 46 quy định, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương gồm chủ tịch, các phó chủ tịch và các thành viên. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và các đơn vị chức năng khác là bộ máy giúp việc của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh; tiến hành tố tụng cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế; quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; giải quyết khiếu nại đối với các quyết định liên quan đến vụ việc cạnh tranh và các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này và quy định của luật khác có liên quan.

Chính phủ quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2019.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Bổ sung cơ chế xử lý cơ quan nhà nước cản trở cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.