(HNM) - Trước thềm năm học mới, UBND TP Hà Nội và Bộ GD-ĐT đã thông qua đề án thành lập Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Sư phạm Hà Nội.
Chủ động nguồn nhân lực
Trên địa bàn Thủ đô có nhiều trường ĐH nhưng cho đến nay vẫn chưa có một cơ sở đào tạo bậc đại học do Hà Nội trực tiếp quản lý để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về cán bộ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, những cử nhân am hiểu về lịch sử, địa lý, văn hóa … đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội. Trong lực lượng cán bộ này, đội ngũ giáo viên có vai trò đặc biệt quan trọng bởi phát triển giáo dục và đào tạo trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội được coi là "chìa khóa" làm nên thành công. Để thực hiện tốt vai trò quan trọng đó, đòi hỏi cấp thiết là phải nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, đủ về số lượng và loại hình, có nghiệp vụ sư phạm giỏi, phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp, đáp ứng những yêu cầu đổi mới về giáo dục đào tạo, trước hết là giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non, trong đó có đội ngũ giáo viên giảng dạy về đạo đức, pháp luật, giáo dục công dân, dạy song ngữ - những loại hình đang có nhu cầu rất lớn.
Thế hệ trẻ Thủ đô sẽ có cơ hội được học tập tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt |
Sự phát triển và mở rộng về địa giới hành chính cũng kéo theo nhu cầu cao hơn ở một số lĩnh vực như quản lý, quy hoạch đô thị, môi trường, bảo tồn văn hóa, văn minh, làng nghề… đòi hỏi phải có những ngành đào tạo với nội dung, trình độ chuyên môn được lựa chọn phù hợp với yêu cầu riêng của Thủ đô. Hà Nội cũng đang rất cần đội ngũ cán bộ quản lý các cấp có trình độ, năng lực phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn mới. Những đòi hỏi này đặt ra yêu cầu phải sớm có một trường đại học để nhanh chóng đào tạo, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, quản lý đô thị đối với nguồn nhân lực trong hiện tại và tương lai.
Với một trường đại học của riêng mình, Hà Nội có thể chủ động kế hoạch đào tạo giáo viên, cán bộ có trình độ đại học và trên đại học, theo yêu cầu về số lượng, trình độ, chuyên ngành, tiến độ, nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu; chủ động đào tạo những chuyên ngành, bộ môn mang bản sắc đặc trưng của văn hóa và con người Hà Nội (như văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội, môi trường, quản lý đô thị Hà Nội…) cũng như trong tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã, cán bộ các ngành. Trường ĐH Thủ đô Hà Nội sẽ là một cơ sở đại học chất lượng cao, xứng tầm với nền giáo dục phát triển, có thể làm đối tác tương xứng để phối hợp đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với Thủ đô và các nước trên thế giới; phù hợp với xu thế phát triển.
Sẵn sàng mọi điều kiện
Hơn 10 năm trước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII (năm 2001) đã đề ra chủ trương xây dựng một trường đại học có chất lượng cao, một cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Hà Nội nhằm đáp ứng những nhu cầu riêng, đủ tầm, phù hợp và tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của một Thủ đô văn minh, hiện đại. Đến Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XV - năm 2010, với quyết tâm xây dựng cho Thủ đô một đại học riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển của Hà Nội trong giai đoạn mới 2010-2020, Nghị quyết của Đại hội một lần nữa khẳng định việc xây dựng trường đại học của Thủ đô trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.
Nhận trọng trách và cũng là niềm vinh dự, từ năm 2010 đến đầu năm học 2012-2013, với chủ trương và chính sách hợp lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng chuẩn của một trường đại học. Hiện nay giảng viên cơ hữu của trường đã có 6 giáo sư và phó giáo sư, 28 tiến sĩ, 20 nghiên cứu sinh, 162 thạc sĩ, đạt tỷ lệ gần 80% giảng viên cơ hữu có trình độ trên đại học. Nhà trường đã và đang đào tạo 24 mã ngành, trong đó có 18 mã ngành sư phạm, 6 mã ngành ngoài sư phạm. Mối quan hệ, hợp tác đào tạo đại học và các trình độ khác với nhiều học viện, trường đại học lớn trong nước và quốc tế cũng được trường mở rộng, từng bước đưa hoạt động đào tạo hội nhập quốc tế. Trường cũng đã được thành phố đầu tư 6 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học, 3,5 tỷ đồng cho chương trình viết sách, giáo trình phục vụ đào tạo theo học chế tín chỉ. UBND TP Hà Nội cũng đã chấp thuận dành 20ha đất tại xã Dục Tú (huyện Đông Anh - Hà Nội) và ra quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết để xây dựng trường, đồng thời cam kết đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, địa điểm và nguồn vốn đầu tư theo chuẩn của một trường đại học để xây dựng trường đại học của Thủ đô.
Quyết tâm thành lập trường đại học của riêng mình của Hà Nội đến nay đã nhận được sự ủng hộ của Bộ GD-ĐT. Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo thành phố, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng đã cơ bản nhất trí với chủ trương, đồng thời đề nghị hoàn thiện đề án. Đây không chỉ là tin vui cho ngành giáo dục mà còn cho nhiều thế hệ công dân Thủ đô trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.