Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông qua 5 nghị quyết, thảo luận nhiều nội dung quan trọng

Hương Ly| 20/06/2017 06:32

(HNM) - Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ ba, sáng 19-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi)...


Cụ thể, về phân loại rừng, đa số ý kiến đồng tình với quy định phân chia thành ba loại rừng, gồm: Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Tuy nhiên, đại biểu Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) cho rằng, dự luật mới đề cập phân loại rừng theo mục đích sử dụng rừng thuần túy về kỹ thuật của ngành Lâm nghiệp, chưa rõ tính chất sử dụng đặc thù của rừng gắn với chủ thể, chủ rừng là cộng đồng dân cư các dân tộc như rừng tâm linh, tín ngưỡng, rừng bảo vệ nguồn nước, rừng biên giới... Đại biểu Nguyễn Văn Man (Đoàn Quảng Bình) đề nghị chỉ nên phân thành hai loại gồm rừng bảo vệ (rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) và rừng kinh tế (rừng trồng, sản xuất).

Nhấn mạnh vấn đề cuộc sống của người dân gắn chặt với rừng, đại biểu Mùa A Vảng (Đoàn Điện Biên) cho rằng: “Nhà nước nên có chính sách khuyến khích các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bảo vệ rừng, tái sinh rừng tự nhiên, đồng thời giao Chính phủ quy định chính sách đặc thù cho vùng, miền để bảo vệ tốt rừng, khu vực xung yếu, biên giới và khu vực cung cấp các nguồn nước chính cho các thủy điện lớn”. Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) đề nghị bổ sung những nội dung như, ưu tiên đầu tư, khuyến khích chính sách khoa học công nghệ, chính sách đào tạo bồi dưỡng, đặc biệt là chính sách đối với đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số là những người gắn bó mật thiết với rừng...

Giải trình ý kiến của các đại biểu về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, mục đích phân loại rừng là tạo khung pháp lý cho công tác quy hoạch, hoạch định chính sách quản lý rừng có hiệu quả, phù hợp với chức năng cơ bản của các khu rừng, đồng thời bảo đảm tính thống nhất trong các quy định của hệ thống pháp luật, nhất là chế định về phân loại đất tại Luật Đất đai.

Việc thay đổi phân loại rừng chắc chắn sẽ gây xáo trộn về cơ chế quản lý, đòi hỏi phải sửa đổi nhiều văn bản pháp luật liên quan... Một số khu rừng phòng hộ chuyển thành rừng bảo vệ sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân vì lý do bảo vệ, bảo tồn rừng. Bộ trưởng khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để bổ sung, hoàn thiện luật.

Cũng trong sáng 19-6, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về việc bổ nhiệm 2 thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, với 83,1% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành. Kết quả bỏ phiếu, ông Lê Hồng Quang, sinh năm 1968, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang được 78,81% đại biểu có mặt tán thành. Ông Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1966, Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội được 85,74% đại biểu có mặt tán thành bổ nhiệm.

* Với 454/461 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiều 19-6, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 với bội chi ngân sách ở mức 6,28%. Nghị quyết có nội dung giao Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước và báo cáo cụ thể với Quốc hội danh sách, mức độ, xử lý sai phạm.

Quốc hội cũng biểu quyết thông qua: Nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Thủy lợi; Luật Du lịch (sửa đổi).

Tiếp đó, Quốc hội họp riêng, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thông qua 5 nghị quyết, thảo luận nhiều nội dung quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.