(HNM) - Cơ chế quỹ cho các hoạt động khoa học - công nghệ được kỳ vọng sẽ có cách thức hoạt động thông thoáng, không bị ràng buộc bởi các văn bản pháp luật liên quan đến việc sử dụng ngân sách.
Cơ chế quỹ cho hoạt động khoa học - công nghệ cần sự thay đổi về tư duy và phương pháp quản lý trong tình hình mới. Ảnh: Bá Hoạt |
Không theo kế hoạch năm tài chính
Quỹ đổi mới công nghệ hiện nay đang có một cơ chế rất thuận lợi cho các viện, trường học, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khoa học - công nghệ (KH-CN). Đó là các đề tài, dự án được cấp vốn sẽ được điều chuyển kinh phí sang các năm tiếp theo mà không cần tuân theo quy định kế hoạch năm tài chính. Đây là điều đáng mừng với những người làm khoa học trong bối cảnh ngân sách nhà nước cấp cho lĩnh vực KH-CN còn khiêm tốn. Cơ chế thuận lợi này giúp các nhà khoa học, doanh nghiệp tiếp cận một cách trực tiếp, kịp thời nguồn đầu tư của Nhà nước và các nguồn tài trợ khác, được hưởng thu nhập tương xứng với kết quả sáng tạo cùng tiến độ thực hiện hoạt động khoa học của mình.
Sự thành công được thừa nhận rộng rãi của Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia (NAFOSTED) thời gian qua đã chứng minh ưu thế trong cơ chế vận hành của quỹ so với phương thức cấp phát kinh phí theo kiểu kế hoạch truyền thống. Đây cũng chính là cơ sở để Bộ KH-CN thành lập thêm Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF). Bên cạnh đó, còn có Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, KH-CN - FIRST” do Ngân hàng Thế giới tài trợ lần đầu tiên về KH-CN. Từ năm 2015 tới nay, FIRST triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến tới các doanh nghiệp, đồng thời tiếp nhận 284 đề xuất, nguyện vọng của các doanh nghiệp, trong đó có 170 phiếu đề xuất đang được chính thức xem xét, 14 nhiệm vụ đã được ký hợp đồng thực hiện theo cơ chế quỹ.
Viện Nghiên cứu điện tử, tin học, tự động hóa thuộc Bộ Công Thương là một trong những đơn vị nhận được sự hỗ trợ của FIRST để thực hiện dự án nâng cao năng lực về thiết kế chế tạo các hệ thống điện tử tích hợp dùng cho ngành năng lượng, ngành khai thác khoáng sản hầm lò. Những thiết bị thuộc hệ thống điều khiển giám sát tập trung này có tên là thiết bị chuyển mạch mạng vòng, có nhiệm vụ đảm nhiệm trục truyền thông chính của hệ thống, là sản phẩm chuẩn bị được Viện bàn giao cho Công ty Than Uông Bí. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên được sản xuất bằng nguồn kinh phí do FIRST tài trợ.
Đổi mới từ cơ chế đến tư duy
Mặc dù các quỹ phát triển KH-CN hay các dự án hỗ trợ các nhà khoa học và doanh nghiệp như FIRST là nguồn vốn rất quan trọng cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, song sự lan tỏa tới doanh nghiệp vẫn chưa được rộng rãi.
Quỹ NATIF mới hỗ trợ được 14 nhiệm vụ trong vòng 3 năm kể từ khi thành lập đến nay. Đây là con số quá ít so với nhu cầu về vốn để thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ của cá nhân, doanh nghiệp trong thực tế. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Bình, Giám đốc Quỹ NATIF cho rằng: Đối với doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân, mặc dù có sự thuận lợi từ phía cơ chế, chính sách, song việc viết các dự án đăng ký tham gia dự án KH-CN là khá khó khăn, nhất là với các doanh nghiệp. Hơn nữa, quỹ chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tối đa là 30% tổng số vốn trong dự án KH-CN, 70% vốn còn lại là của doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu quy mô vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ nên việc đối ứng 70% là thực sự khó khăn.
Dự án FIRST, sau 5 năm thành lập, cũng mới hỗ trợ được 10 tổ chức hoạt động KH-CN công lập, triển khai được 17 đề xuất mời chuyên gia giỏi nước ngoài cho một số đơn vị nghiên cứu trong nước. Những con số này được cho là chưa đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay. Lý giải nguyên nhân, ông Lương Văn Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Dự án FIRST cho rằng: Khó khăn lớn nhất là phải hài hòa các quy định quản lý tài chính, quản lý đấu thầu theo chuẩn mực của Ngân hàng Thế giới, những quy định quản lý dòng vốn cho Việt Nam và quy định về đầu tư cho hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo.
Không chỉ gặp khó với chức năng hỗ trợ vốn, một số chức năng khác của quỹ như cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn… cũng gần như chưa thể triển khai. Nguyên nhân chủ yếu là do các ràng buộc từ văn bản pháp luật liên quan đến việc sử dụng ngân sách. Bên cạnh đó, về bản chất, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu triển khai là một dạng đầu tư mạo hiểm, khả năng thất bại cao. Nhưng Luật Ngân sách nhà nước hiện hành không cho phép đầu tư mạo hiểm vì đó là tiền của dân đóng góp. Với hành lang pháp lý hiện nay của Việt Nam, ban quản lý của những quỹ sử dụng tiền từ ngân sách khó có thể dám đầu tư, cho vay, bảo lãnh cho vay mà chỉ có thể tài trợ. Với quan điểm bảo toàn vốn, hoạt động tài trợ hay việc sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động KH-CN cũng chỉ có thể hướng tới những đề tài, dự án nghiên cứu an toàn, ít tính đột phá.
Như vậy, để bảo đảm thông thoáng, có bước chuyển mạnh mẽ, bên cạnh những sửa đổi về cơ chế, văn bản pháp luật, bức tranh đổi mới sáng tạo rất cần sự đổi mới về tư duy, đặc biệt là quan điểm đầu tư cho KH-CN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.