Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thống nhất về nhận thức và hành động để đạt hiệu quả cao

Võ Lâm thực hiện| 30/07/2017 07:00

(HNM) - Ngày 4-7-2017, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội” (Nghị quyết 15).

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo.


Trao đổi với Báo Hànộimới sau gần 1 tháng Nghị quyết 15 được ban hành, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, các cấp ủy đều đã có sự thống nhất cao về nhận thức và quyết tâm hành động nhằm đạt hiệu quả cao.

Vào cuộc với trách nhiệm cao

- Xin đồng chí cho biết việc triển khai Nghị quyết trong thời gian qua?


- Có thể nói, Nghị quyết 15 là sản phẩm của tinh thần và quyết tâm đổi mới phương thức và phong cách lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội. Xuất phát từ tình hình thực tiễn hết sức cấp bách, quá trình xây dựng cũng như ban hành, triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết đều trên tinh thần khoa học, bài bản và rất khẩn trương.

Một ngày sau khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết 15, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 51-KH/TU (Kế hoạch 51) phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, cấp, cơ quan, đơn vị và tổ chức trên tinh thần: Đây là nhiệm vụ chung đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với trách nhiệm cao. Ngày 11-7, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết; tiếp ngay sau đó, các cấp ủy địa phương đã và đang tổ chức hội nghị ở cấp mình nhằm thống nhất nhận thức cũng như hành động, trước hết là trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của địa phương. Các ban Đảng Thành ủy theo phân công cũng đã bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 15.

- Với tầm quan trọng, ý nghĩa cấp bách như vậy, sự vào cuộc của các cấp ủy địa phương có đáp ứng được yêu cầu không, thưa đồng chí?

- Ban Tổ chức Thành ủy là một trong những cơ quan được Thành ủy giao trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 15. Qua theo dõi bước đầu, chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc triển khai thực hiện Nghị quyết của các cấp ủy địa phương. Lãnh đạo cấp ủy các quận, huyện, thị xã đều cho thấy sự thống nhất cao về nhận thức và quyết tâm hành động. Nhiều đồng chí cho biết, Nghị quyết 15 đã đáp ứng sự mong mỏi của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, nên việc triển khai thực hiện chắc chắn sẽ diễn ra tích cực, thuận lợi. Tuy nhiên, không loại trừ vẫn còn cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa thật sự coi trọng việc thực hiện, vào cuộc chậm trễ, có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm. Trong quá trình theo dõi, kiểm tra, một mặt chúng tôi hướng dẫn, đôn đốc, mặt khác sẽ nghiêm túc báo cáo, kiến nghị Thành ủy nhắc nhở, thậm chí xử lý trách nhiệm những tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.

- Về phần mình, Ban Tổ chức Thành ủy đã triển khai thực hiện Nghị quyết 15 và Kế hoạch 51 như thế nào, thưa đồng chí?

- Ngay sau hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức ngày 11-7, Ban Tổ chức Thành ủy đã tích cực phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các cấp ủy địa phương tổ chức các hội nghị quán triệt triển khai Nghị quyết 15. Chúng tôi tiếp tục phối hợp với Ban Thường vụ quận, huyện, thị ủy bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình tổ chức cơ sở Đảng yếu kém và những tổ chức cơ sở Đảng xã, phường, thị trấn đang có vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện nhóm giải pháp về công tác tổ chức, cán bộ.

Ban Tổ chức Thành ủy cũng đã tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo thành phố về thực hiện Nghị quyết 15 do đồng chí Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban và một số đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố, giám đốc một số sở, ngành làm thành viên; thành lập 3 tổ công tác do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ trưởng để tập trung giải quyết một số vụ việc, địa bàn phức tạp.

Hiện nay, Ban Tổ chức Thành ủy đang gấp rút hoàn thành các đề tài, đề án, chuyên đề để tham mưu cụ thể các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, cũng như hệ thống chính trị các cấp thành phố. Ban cũng đã hoàn thành dự thảo “Quy định tạm thời đánh giá, phân loại chất lượng đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy Hà Nội” báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy cho ý kiến. Đây là cơ sở để đổi mới, khắc phục tính hình thức trong công tác đánh giá tổ chức Đảng và đảng viên. Đây cũng là lần đầu tiên thành phố thí điểm công tác này và là một trong số ít đảng bộ cấp tỉnh tiến hành đánh giá, phân loại chất lượng đảng bộ cấp trên cơ sở.

Kiên quyết xử lý, thay thế cán bộ yếu kém

- Xin đồng chí cho biết cơ sở để xác định 200 vụ việc phức tạp liên quan đến 164 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hà Nội. Việc xác định cụ thể như vậy có ý nghĩa như thế nào trong quá trình thực hiện Nghị quyết 15?

- Đây là con số được tổng hợp, thống kê từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Báo cáo của 30 quận, huyện, thị xã; tổng hợp của Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Thành ủy và một số ngành; kết quả theo dõi địa bàn của Ban Tổ chức Thành ủy. Nói như vậy để thấy rằng, đây là con số hoàn toàn khách quan, chính xác. 200 vụ việc được thống kê đều phức tạp, nhưng ở mức độ khác nhau về phạm vi ảnh hưởng đối với tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của thành phố và từng địa bàn dân cư. Chúng tôi đã phân tích và dự báo có 17 vụ việc có nguy cơ tiềm ẩn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết.

Có thể nói, lần đầu tiên chúng ta có con số thống kê tổng hợp chi tiết, cụ thể như vậy. Nhờ đó, một mặt có cơ sở khoa học để thiết lập các giải pháp xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém gắn với giải quyết từng vụ việc phức tạp ở xã, phường, thị trấn. Mặt khác, đây là căn cứ để xác định trách nhiệm của từng quận, huyện, thị xã trong thực hiện Nghị quyết 15.

- Từ thực tiễn này, thời gian tới, Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu với Thành ủy giải pháp gì để bảo đảm cùng với việc giải quyết các vụ việc phức tạp, tổ chức cơ sở Đảng ở những địa bàn này được củng cố vững chắc?

- Nghị quyết 15 đòi hỏi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đồng bộ; triển khai thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực. Đối với ngành Tổ chức xây dựng Đảng của Đảng bộ thành phố, chúng tôi sẽ chủ động tham mưu với Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy những giải pháp tổng thể và phối hợp với cấp ủy địa phương để đề ra những giải pháp cụ thể cho từng địa bàn, từng vụ việc. Trọng tâm công tác thời gian tới của Ban Tổ chức Thành ủy là xây dựng kế hoạch củng cố những tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, khắc phục tình trạng hình thức trong đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá cán bộ.

Đối với những địa bàn có vụ việc phức tạp, qua phân tích, đánh giá, nếu do cán bộ yếu kém về bản lĩnh chính trị, năng lực và phẩm chất đạo đức, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ phối hợp với các ban Đảng Thành ủy, với cấp ủy địa phương để có giải pháp kiên quyết xử lý, thay thế. Những địa bàn dự kiến triển khai các nhiệm vụ chính trị quan trọng, Ban sẽ tham mưu để lựa chọn, bố trí cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức để tránh phát sinh thêm những vấn đề phức tạp. Tinh thần là, công tác cán bộ cũng phải đi trước một bước.

Với những địa bàn đặc biệt phức tạp, Ban sẽ tham mưu giải pháp tập trung về công tác cán bộ theo hướng tăng cường luân chuyển, từng bước thực hiện chủ trương cán bộ chủ chốt đứng đầu cấp ủy, chính quyền không phải là người địa phương. Ngoài ra, Ban cũng xác định phải tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị “Về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, tăng cường đổi mới công tác tổ chức cán bộ; nghiên cứu từng bước thực hiện mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn...

- Với các giải pháp đặt ra và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, theo đồng chí, đến cuối năm 2017, khoảng bao nhiêu vụ việc phức tạp sẽ được xử lý, không còn nằm trong danh sách 200 vụ việc đã thống kê?

- Còn sớm để nói về kết quả thực hiện Nghị quyết 15, vì đây vừa là nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, nhưng cũng là nhiệm vụ, giải pháp có tính chất lâu dài. 200 vụ việc đã thống kê, có thể ngày mai không còn đúng nữa. Ở một thành phố lớn như Hà Nội, có thể hôm nay thành phố vừa giải quyết xong 1-2 vụ việc, nhưng cũng có thể phát sinh thêm vụ việc mới. Chính vì vậy, Ban Tổ chức Thành ủy có nhiệm vụ cùng với cấp ủy địa phương nắm chắc tình hình tổ chức cơ sở Đảng yếu kém và những tổ chức cơ sở Đảng xã, phường, thị trấn có vấn đề phức tạp an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời rà soát, đánh giá để báo cáo, cập nhật danh sách những vụ việc phức tạp làm căn cứ để tham mưu kịp thời các giải pháp xử lý.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là với quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, sự vào cuộc trách nhiệm của các quận, huyện, thị xã, chắc chắn từ nay đến cuối năm 2017, việc thực hiện Nghị quyết 15 sẽ đạt kết quả cụ thể, nhiều vụ việc sẽ được giải quyết dứt điểm. Để có hiệu quả thì ngay từ bây giờ, theo tôi, các cấp ủy, nhất là 14 quận, huyện, thị xã có vụ việc tiềm ẩn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phải ráo riết vào cuộc thực hiện Nghị quyết 15, coi đây là nhiệm vụ cấp bách như “nước sôi, lửa bỏng” để xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể và tổ chức thực hiện.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thống nhất về nhận thức và hành động để đạt hiệu quả cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.