(HNM) - Cùng với việc chọn quận Thanh Xuân làm điểm xử lý công trình nhà siêu mỏng, siêu méo, UBND TP Hà Nội đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành thống kê số lượng công trình, lập phương án xử lý triệt để.
Chọn Thanh Xuân làm điểm
Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Hoàng Công Hồng cho biết, trên địa bàn quận có 81 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo. Trong đó, có 73 trường hợp phát sinh sau năm 2005. Hầu hết nhà dạng này tập trung dọc theo các tuyến phố và một số nút giao thông mới mở như nút giao Thanh Xuân, Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến... Tới nay, quận đã thống kê, rà soát và xử lý bước đầu 30 kiốt tại khu vực Trường Trung học Cảnh sát 1, phường Thanh Xuân Bắc (hình thành sau GPMB đường Vành đai 3) bằng cách cho xây dựng tường rào cao 2,5m. Khu vực nút giao Thanh Xuân, quận đã vận động 21 trường hợp tự hợp khối, cưỡng chế 1 trường hợp xây dựng không phép (diện tích 14,8m2), còn lại 19 trường hợp chưa xử lý. Trong đó, đường Lê Văn Lương kéo dài có 5 trường hợp; đường Khuất Duy Tiến 1 trường hợp; đường Nguyễn Xiển 3 trường hợp; dọc sông Tô Lịch 7 trường hợp; nút giao Thanh Xuân 1 trường hợp và đường Khương Đình 2 trường hợp. Đây là những trường hợp đặc biệt khó như trên đường Lê Văn Lương có thửa đất chỉ rộng 2,52m2, hoặc trường hợp trên phố Nguyễn Xiển chỉ rộng 1m2, song có giá trị tăng rất cao sau mở đường nên người dân không thỏa thuận hợp khối được. Thêm vào đó chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư GPMB những trường hợp này chưa được hướng dẫn cụ thể, thỏa đáng.
Một căn nhà siêu mỏng trên tuyến đường mới Lê Văn Lương.
Ngoài giá cả, thực tế việc hợp khối còn nhiều vướng mắc ở lĩnh vực pháp lý. Thực chất hợp khối là chuyển nhượng, mua bán nên hai bên phải ra công chứng. Song cơ quan công chứng thường không nhận hồ sơ vì đa số đất mỏng, méo thiếu giấy tờ pháp lý. Mặt khác, nếu thu hồi, giá bồi thường sẽ áp dụng hình thức nào? Giá đất do UBND TP Hà Nội ban hành hằng năm hay quận, huyện thành lập hội đồng tư vấn định giá? Giá đất mặt đường Khuất Duy Tiến, theo ban hành chỉ khoảng 40 triệu đồng/m2, sẽ rất khó GPMB vì người dân không chấp nhận giá đó. Nhưng ngược lại, nếu định giá cao hơn sẽ ảnh hưởng lớn tới công tác GPMB chung; hơn nữa sẽ gây mất công bằng với các hộ dân đã GPMB trước đó. Vấn đề này, Sở Tài chính Hà Nội cho rằng cùng một vị trí, vừa bồi thường giá do thành phố quy định, giờ nếu đặt giá khác là không thể được. Ngoài ra, chi phí bồi thường không nhỏ. Chẳng hạn, với hơn 40 trường hợp tại quận Ba Đình, tính với giá thành phố quy định, ngân sách đã phải chi khoảng 46 tỷ đồng?
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình yêu cầu quận Thanh Xuân trình thành phố phương án cụ thể đối với từng trường hợp nhà mỏng, méo còn tồn tại. Thành phố chọn làm "điểm" ở Thanh Xuân, từ đó triển khai tiếp ở các quận, huyện khác. Nhưng cùng lúc, các quận, huyện phải khẩn trương rà soát, thống kê, chủ động lên phương án. Thành phố sẽ về làm việc với từng địa bàn.
Cuối tháng 3 có phương án cụ thể
Thiếu phương án quy hoạch kiến trúc hai bên đường nên thành phố phải bỏ kinh phí rất lớn để GPMB, nhưng không có được tuyến đường đẹp như mong muốn. Do vậy, ngoài yêu cầu phương án quy hoạch kiến trúc, thành phố cũng khẳng định lại các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, đất không đủ điều kiện xây dựng phát sinh sau khi Quyết định số 26/2005/QĐ-UB có hiệu lực (tháng 2-2005), đã phân định trách nhiệm cụ thể và có biện pháp xử lý rõ ràng. Trước hết, UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm vận động, tuyên truyền người dân tự hợp khối. Nếu người dân không tự hợp khối, các quận, huyện, thị xã lập phương án thu hồi, GPMB và chủ động quản lý, sử dụng, chống tái lấn chiếm trước ngày 30-3. Sở Xây dựng Hà Nội được thành phố giao chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành kiểm tra đôn đốc UBND quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ, báo cáo tình hình triển khai về UBND TP trước ngày 5-4. Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn các quận, huyện phương án kiến trúc đối với phần đất thu hồi.
Đối với trường hợp phát sinh trước thời điểm Quyết định 26 có hiệu lực, UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì nghiên cứu, soạn thảo văn bản quy định thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục, biện pháp xử lý triệt để; lấy ý kiến các địa phương, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định trước ngày 30-3. Theo Phó Chủ tịch Phí Thái Bình, nên áp dụng giá đất do thành phố quy định nhân với hệ số để hỗ trợ người dân. Trường hợp vướng mắc khi hợp khối, các quận, huyện lập hội đồng xem xét, đề xuất thành phố giải quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.