(HNM) - Ấn phẩm văn hóa đặc biệt chào mừng 59 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 của Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội mang tựa đề
"Hà Nội mãi trong ta" (NXB Âm nhạc - 2013) là một tập hợp ca khúc viết về Hà Nội mà từ đó, bạn đọc yêu nhạc không tìm thấy gì khác hơn là tình yêu Hà Nội, một tình yêu thiết tha bắt nguồn từ những gì rất đỗi thân thuộc, bình dị.
Tập ca khúc "Hà Nội mãi trong ta". |
Vẫn là cảnh ấy, vẫn là những con người đáng yêu, vẫn là vùng đất ngàn năm văn vật ngày ngày đón bao người qua, bao tâm hồn rung động, bao kỷ niệm ùa về mà không phải ai cũng có thể diễn tả đủ đầy cảm xúc. Chỉ có nhạc sĩ, với sự nhạy cảm riêng mới có thể nói hộ lòng người trên khuông nhạc. Ấy là tâm trạng nao nao khi nhìn "Nắng đã phai màu. Gió đã heo may. Lá đã lạnh gần. Đường rộn ràng mà tựa hồ rêu phủ…" của những người thưởng thức cà phê vào một chiều Yên Phụ (Tây Hồ) trong ca khúc "Cà phê chiều Yên Phụ" (tác giả Lê Mây). Ấy là nỗi "Nhớ thu chiều Hà Nội sương bay. Dáng em chiều Hà Nội thơ ngây" khi "Đi qua mùa gió" (tác giả Phạm Chỉnh).
Mùa thu Hà Nội đẹp, sâu lắng và mộng mơ, không chỉ khiến những người đang sống ở Hà Nội muốn "Gửi em chút mùa thu Hà Nội. Giản dị vậy thôi khi ngày mới quen nhau. Chút mơ mộng mà lòng ta đắm đuối" (Chút mùa thu Hà Nội - tác giả Khánh Vũ) mà ngay cả những người đi xa "Dù ở đâu vẫn nhớ về Thủ đô, nhớ phố phường chia sẻ buồn vui. Nhớ em yêu bên lộc vừng thắp lửa, mắt em cười thu đọng nở trên môi" (Em trẻ mãi với sắc thu Hà Nội - tác giả Thế Đạt).
Ngoài những sắc thái riêng, một Hà Nội giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, bất khuất, kiên cường mãi là niềm tự hào của nhiều thế hệ người Việt Nam. Niềm tự hào ấy được nhạc sĩ Nguyễn Phúc Ân phản ánh trong ca khúc "Hát về Thăng Long ngàn năm" với tiết tấu rộn ràng: "Em yêu quê hương em có chuyện xưa ông Gióng đánh tan giặc ngoại xâm. Em yêu quê hương em có chuyện xưa Phù Đổng còn nguyên những khóm tre ngà…", hay "Kinh kỳ sáng mãi tấm gương người xưa. Oai hùng chí dũng xứng danh Thủ đô. Soi đường dẫn lối muôn đời cháu con, cùng chung ý chí dựng xây nước nhà" (Hà Nội ca - tác giả Ánh Minh). Trong ca khúc "Hành trang người chiến sĩ Thủ đô", nhạc sĩ Linh Dũng đã cho thế hệ sau biết hành trang của người chiến sĩ giải phóng Thủ đô năm xưa "… khẩu súng với hoa hồng, mang cả nghìn năm đất Thăng Long. Hành trang trong tim tình yêu nước dâng tràn, sức trẻ ngại gì bước gian nan", để đến hôm nay "Tuổi thơ em trong dòng sữa ngọt ngào. Chiếc nôi êm và lời ru chín mọng" (Của tôi Hà Nội - tác giả Nguyễn Giang), "Người làng tôi náo nức được vụ chiêm lúa vàng rực, gánh gồng ngổn ngang. Đường thôn phố trong làng" (Phố trong làng - tác giả Trương Ngọc Ninh)…
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội rộng hơn, văn hóa Hà Nội thêm đậm đà bản sắc. Những sáng tác mới về Hà Nội đã không bỏ qua đề tài mới lạ này. Chúng ta có "Hoàng Mai ngày mới" với giai điệu tha thiết, tự hào "Quê hương danh nhân đất làng khoa bảng, qua đền Lư Giang ngào ngạt hương đưa…" (tác giả Triệu Minh Ngọc), có thể cảm nhận "Mênh mang chiều sông Hồng" (nhạc và lời Bùi Sơn) với hình ảnh "Xa mờ xa mờ, bời bời sóng vỗ… Xa mờ xa mờ, chiều xuống mênh mang". Trong dòng cảm xúc đan xen, vùng cổ tích xứ Đoài hiện ra, "Này em men men con hào nhỏ, ta đi vào trong thành cổ. Rêu phong từ muôn thuở, trăng treo từ ngàn xưa" (Sơn Tây thành cổ - tác giả Lê Thăng) hay "Thạch Thất bình minh lên. Nắng vàng gọi gió thông reo. Bình minh thông xanh núi Nứa. Tây Phương linh thiêng cổ tự" (Bình minh trên quê hương Thạch Thất - tác giả Nguyễn Hà Hải)…
Nói về tập ca khúc "Hà Nội mãi trong ta", Giám đốc Trung tâm văn hóa thành phố Dương Minh Châu khẳng định: "Ngoài những ca khúc hay, giá trị mà ấn phẩm mang lại chính là thông điệp về tình yêu Hà Nội, qua đó góp phần bồi đắp, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng Thủ đô trong thời kỳ đổi mới".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.