Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thơm hương hạt gạo Bối Khê

Đỗ Minh| 18/04/2020 07:07

(HNM) - Cây lúa qua bao thăng trầm vẫn gắn bó với người dân xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai) như một mạch ngầm chảy theo năm tháng. Với thổ nhưỡng do thiên nhiên ban tặng cùng sự cần cù, khéo léo của người dân nơi đây đã xây dựng và hình thành thương hiệu Gạo thơm Bối Khê nổi tiếng gần xa. Theo hương thơm lan tỏa, những hạt gạo của vùng đất này đã trở thành thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của nhiều gia đình Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Sản phẩm Gạo thơm Bối Khê được trưng bày và giới thiệu tại Hợp tác xã Kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai). Ảnh: Minh Phong

Vùng trồng lúa truyền thống

Về xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai) vào cuối tháng 3, nhiều người sẽ ấn tượng với cánh đồng lúa xanh mướt như tín hiệu tốt lành của một vụ bội thu đang đến với người nông dân nơi đây. 

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Hải, 87 tuổi ở thôn Song Khê lần hồi kể: “Cây lúa luôn gắn bó với người dân vùng đất này từ bao đời nay. Tôi vẫn nhớ những ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với phong trào thi đua sản xuất phục vụ tiền tuyến, người dân Tam Hưng không sợ bom đạn, ngày đêm cặm cụi với cây lúa vì mục tiêu "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"… Đến cả những năm gần đây, khi người dân ở nhiều địa phương khác chuyển đổi sang trồng cam Canh, bưởi Diễn thì các hộ nông dân ở xã Tam Hưng vẫn mặn mà với cây lúa”.

Người dân Tam Hưng gắn bó với cây lúa bởi nhiều lý do. Như lời của Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên nói: "Các cụ cao niên trong xã cho biết, từ xa xưa, đất Tam Hưng hợp nhất với cây lúa. Cùng một loại giống lúa nhưng trồng trên đất Tam Hưng thì cho chất lượng khác hẳn các vùng khác. Hạt gạo trồng trên đất của Tam Hưng có vị đậm, dẻo, khi nấu chín, hương thơm thoang thoảng. Sau này, khi chúng tôi chuyển đổi sang trồng các giống lúa chất lượng cao thì vẫn như vậy".  

Cũng theo ông Đỗ Văn Kiên, thời hoàng kim của cây lúa trên đất Tam Hưng cách đây khoảng nửa thế kỷ. Khi đó, cùng với phong trào đẩy mạnh tăng gia sản xuất để phục vụ cho tiền tuyến, lúa Tam Hưng luôn tốt nhất, sản lượng cao nhất huyện Thanh Oai. Người trong huyện nói với nhau: Muốn được mùa lúa, ăn gạo ngon thì về Tam Hưng. Gắn bó với cây lúa, người nông dân nơi đây không chỉ giỏi trồng lúa mà còn phơi, giã bằng cách riêng. Lúa phơi vừa nắng, khi giã thì cân đối độ nặng nhẹ để hạt gạo không vỡ, lúc nấu hạt gạo có màu trắng, tròn, không vụn… “Trước kia không có máy sấy, máy xay xát như hiện nay, nhưng người Tam Hưng vẫn làm ra loại gạo ngon nhất vùng”, ông Kiên tự hào nói. 

Thế nhưng cây lúa cũng có lúc thăng trầm, khoảng những năm 2006-2010, do đất cằn, giống thoái hóa nên năng suất, chất lượng thấp. Tại nhiều địa phương bạn, người nông dân bỏ lúa sang trồng các loại cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Thời điểm đó, nhiều người nơi đây chỉ mong sao có các giải pháp để giữ được cây lúa như một phần truyền thống văn hóa của đất Tam Hưng. 

Và rồi tất cả cùng bắt tay vào chuyển đổi giống lúa, cải tạo đất đai, áp dụng kỹ thuật canh tác mới… Năm 2012, niềm hy vọng đã đến khi Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng được chọn tham gia Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của thành phố, được ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ giống, kỹ thuật sản xuất… Đất không phụ công người, các giống lúa thơm được trồng trên đất Tam Hưng liên tiếp cho những mùa vàng, chất lượng gạo được đánh giá cao. 

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Hoàng Thị Hòa nói: "Khi lựa chọn địa điểm để triển khai Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của thành phố, ngành Nông nghiệp tập trung vào những vùng trồng lúa có truyền thống, có thổ nhưỡng phù hợp và Tam Hưng đã hội tụ được các yếu tố đó. Qua những vụ trồng điểm cùng một giống lúa Bắc thơm số 7, nhưng chất lượng gạo và năng suất lúa tại Tam Hưng luôn cao hơn so với những vùng khác...". 

Hương gạo bay xa 

Từ thành công của mô hình điểm, người Tam Hưng đã biến mảnh đất này thành vùng lúa hàng hóa chất lượng cao đầu tiên của thành phố. Đây cũng là cơ hội để người nông dân Tam Hưng vừa giữ được cây lúa gắn bó bao đời với làng quê vừa cải thiện cuộc sống. 

Năm 2015 sản phẩm gạo của Tam Hưng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể với tên gọi Gạo thơm Bối Khê. Đây cũng là thương hiệu gạo đầu tiên của Hà Nội. “Sở dĩ chọn tên này bởi xã Tam Hưng có ngôi chùa Bối Khê được dựng cách nay hơn 700 năm, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân”, Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên chia sẻ.

Ở Tam Hưng hiện nay, 100% diện tích đất nông nghiệp đều trồng lúa. Toàn xã có gần 730ha trồng lúa chất lượng cao, trong đó có 250ha trồng nếp cái hoa vàng, còn lại là giống Bắc thơm số 7 và một số giống lúa khác, mỗi năm cung ứng từ 1.000 đến 1.400 tấn gạo chất lượng cao cho thị trường. Năm 2017, sản phẩm Gạo thơm Bối Khê được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chứng nhận Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

Bà Hoàng Thị Lý, thôn Văn Khê (xã Tam Hưng) phấn khởi nói: "Giờ đây thì người nông dân Tam Hưng đã yên tâm với nghề trồng lúa. Với giống lúa và công nghệ gieo cấy mới, bình quân giá trị sản xuất từ lúa đạt 150-180 triệu đồng/ha/năm. Thu hoạch đến đâu gạo được tiêu thụ đến đó…".

Để cây lúa trên đất Tam Hưng đáp ứng được yêu cầu, xu hướng mới của thời hội nhập, nông dân nơi đây quyết tâm trồng lúa sạch, làm gạo sạch, cung ứng cho thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Năm 2018, Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng đã triển khai xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo. Cùng với đó, hợp tác xã đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất và chế biến như: Hệ thống xay xát lúa gạo liên hoàn, lọc tạp chất, cân đóng bao bì tự động, máy hút chân không...

“Trong bối cảnh dịch, bệnh và biến đổi khí hậu hiện nay, người nông dân cần bảo vệ môi trường sống của mình bằng những mô hình sản xuất sạch và có trách nhiệm với xã hội bằng việc sản xuất, cung ứng những sản phẩm sạch. Bền vững với mục tiêu đó, vụ xuân năm 2020, Tam Hưng đã mở rộng được gần 50% diện tích lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Chúng tôi dự kiến cung ứng cho các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của Hà Nội từ 700 đến 1.000 tấn gạo, số còn lại phục vụ tiêu dùng của người dân địa phương”, Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng Đỗ Văn Kiên nói.

Rời Tam Hưng chúng tôi tin rằng, với sự năng động, cần cù, chịu khó của người dân nơi đây, hương gạo thơm Bối Khê sẽ tiếp tục lan tỏa đến với người tiêu dùng, giúp địa phương phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thơm hương hạt gạo Bối Khê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.