Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Thời xa vắng ” xem phim sau một giấc ngủ sâu

ANHTHU| 27/03/2005 08:39

Sau khi đoạt giải EMILE GUIMET tại LH phim điện ảnh Á châu ở Vesoul (Pháp) do Viện Bảo tàng quốc gia Pháp dành cho những bộ phim, ngoài chất lượng điện ảnh còn thể hiện văn hóa Á châu một cách rõ nét, “Thời xa vắng” vừa đoạt giải cao nhất dành cho thể loại phim truyện nhựa tại Giải Cánh diều Vàng Hội Điện ảnh VN 2005.

Cảnh trong phim "Thời xa vắng"

Sau khi đoạt giải EMILE GUIMET tại LH phim điện ảnh Á châu ở Vesoul (Pháp) do Viện Bảo tàng quốc gia Pháp dành cho những bộ phim, ngoài chất lượng điện ảnh còn thể hiện văn hóa Á châu một cách rõ nét, “Thời xa vắng” (Kịch bản và đạo diễn Hồ Quang Minh, chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Lê Lựu) vừa đoạt giải cao nhất dành cho thể loại phim truyện nhựa tại Giải Cánh diều Vàng Hội Điện ảnh VN 2005.

Đậm đặc không khí làng quê

Trong không khí dường như cô đặc của làng quê Việt Nam những năm 50 của thế kỷ trước, hiện lên những số phận, những kiếp người bị trói buộc bởi những định kiến, nền nếp cổ xưa và bởi... chính bản thân mình. Cu Sài lên 10 cưới cô vợ 13 tuổi về đỡ đần cha mẹ. Nhà Tuyết cũng vì thanh thế gia phong nhà ông đồ Khang mà muốn con gái được chốn nương thân... Câu chuyện ở làng Hạ Vị giống như biết bao buồn vui của người Việt ở nông thôn Bắc Bộ nay đã đi vào “xa vắng”.

Ngôi nhà của ông đồ Khang trong phim được dựng tại thôn Thanh Cù, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động (Hưng Yên). Nếp nhà tranh với chiếc cổng gỗ lợp ngói mũi nhuốm màu cổ xưa có những hình chạm khắc cũ kỹ. Ngoài sân là bể nước đã mẻ, hòn non bộ và góc sân là chiếc giếng xây rêu phong, có giàn mướp phía trên. Xa xa là ao nhà với tấm ván bạc phếch bắc lưng chừng để vo gạo, rồi giếng nước, khoảng sân... Những không gian sống của người Việt được dựng lại, và những câu chuyện không kém phần quan trọng diễn ra ở đây.

Bức tranh làng quê Việt Nam được tái hiện chân thật và sống động: cảnh nông dân khoác áo tơi ra đồng, cảnh chợ người lúc nửa đêm, cảnh đánh trống hộ đê lúc nước lên, cảnh vợ lên đơn vị thăm chồng; cảnh giã ngô bằng cối chày tay...; tập tục cưới xin, đình đám; nếp sinh hoạt trong một gia đình ông đồ, họp làng, sinh hoạt đội thiếu niên... Tất cả tạo nên không khí đặc sệt chất quê, những hình ảnh rất đỗi thân thương của làng quê, của một thời đã sống dậy... Phim như một chuyến hành hương đưa người xem trở về cái thời xa vắng ấy.

Và trong trẻo đến... bất ngờ

Không hề có các cảnh ướt át, những pha “giường chiếu” mùi mẫn hay những tuyên ngôn “đao to búa lớn”. Câu chuyện, cách kể chuyện, lời thoại và cả cảnh trí hiện lên đều hết sức giản dị, khiêm nhường. Nỗi đau của nhiều nhân vật trong phim rồi cuối cùng cũng hóa thành nụ cười xen lẫn giọt nước mắt. Cách kể chuyện hóm hỉnh và thông minh, để rồi cảm giác buồn man mác đọng lại cùng với cảm xúc ngọt ngào.

Một số cảnh trong tiểu thuyết được miêu tả kỹ, thả sức gợi trí tưởng tượng của người đọc, như cảnh Sài gặp Hương ở trên chiếc lô cốt sau trận lụt, thì trong phim hiện lên hết sức nhẹ nhàng. Điều ngạc nhiên nữa, bởi chính trong kịch bản phân cảnh, cũng như lúc quay, các cảnh này đều khá trung thành với truyện, nhưng rồi lúc dựng phim, như đạo diễn tâm sự, ông đã cắt đi để cho hợp với “tông” phim. Chính vì thế, cảm giác trong trẻo càng thấm đẫm trong mỗi khuôn hình... rồi ùa vào tâm hồn người xem lúc nào không biết.

Bộ phim kết ở cảnh đám cưới của con gái Sài và Tuyết. Nhà văn Lê Lựu tâm sự: xem cảnh Tuyết (Hồ Phương Dung đóng) cười trong những giọt nước mắt nóng hổi lăn trên gò má khi chụp ảnh chung cả gia đình, ông không cầm được nước mắt... Hai diễn viên lần đầu đóng phim: Ngô Thế Quân (vai Sài) và Nguyễn Thị Huyền (vai Hương) đều gây ấn tượng bởi khả năng diễn xuất tự nhiên và dung dị.

“Xem những bộ phim như “Thời xa vắng”, trước đó phải ngủ một giấc thật sâu để đầu óc trong trẻo, để tâm hồn thật thư thái bước vào thế giới của hình ảnh, của âm thanh...”, một khán giả tóc đã ngả màu, “thổ lộ” sau khi xem phim.

Khá lâu rồi mới có cảnh người xem chen nhau mua vé xem một bộ phim mang danh “nghệ thuật” như khi “Thời xa vắng” công chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) trong tuần đầu tiên. Số người háo hức đi xem vì có Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền đóng phim không phải ít, nhưng lần trở về “Thời xa vắng” khiến người ta không phải hối tiếc... ở vào thời điểm này, “Thời xa vắng” thu hút được nhiều khán giả là một khích lệ với môi trường điện ảnh VN, khi mà nhiều người trong cuộc thường không tin vẫn còn không ít khán giả đến thưởng thức những bộ phim nghệ thuật !

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thời xa vắng ” xem phim sau một giấc ngủ sâu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.