(HNM) - Theo các chuyên gia y tế về tai mũi họng, điếc đột ngột thường được hiểu là một bệnh cảnh điếc thần kinh giác quan xảy ra một cách đột ngột trên những bệnh nhân không có tiền sử suy giảm sức nghe. Phát hiện sớm đúng thời điểm bệnh điếc đột ngột để điều trị kịp thời là rất quan trọng.
Có nhiều tác nhân dẫn đến tình trạng điếc đột ngột được chỉ ra như: Tiếp xúc nhiều với tiếng ồn quá lớn, thường xuyên uống rượu, luôn trong trạng thái căng thẳng thần kinh, stress, mệt mỏi, bị bệnh đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tuổi cao... Điếc đột ngột cũng có thể do tác nhân siêu vi trùng quai bị, sởi, vi rút cúm, các adenovirus... gây viêm mê nhĩ, viêm mê nhĩ sũng nước... Các nguyên nhân mạch máu thường gặp như co thắt mạch máu, huyết khối, xuất huyết tai trong... cũng dẫn đến điếc đột ngột.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Huy, Trưởng khoa Tai (Bệnh viện Tai mũi họng trung ương), điếc đột ngột là bệnh cấp cứu nội khoa cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điếc đột ngột có thể ở mức độ điếc từ nhẹ đến cấp độ nặng như điếc hoàn toàn. Thường xảy ra ở một bên tai, nhưng cũng có thể xảy ra ở 2 tai và người bệnh thường phát hiện lúc sáng sớm khi tỉnh dậy. Thông thường bệnh nhân không thấy triệu chứng nào ngoài dấu hiệu giảm sức nghe, vì vậy đã có không ít người chủ quan cho rằng sau đó tai sẽ phục hồi bình thường. Ngoài ra, các dấu hiệu ù tai, chóng mặt, đau đầu nhẹ cũng là một dấu hiệu của điếc đột ngột. Khi phát hiện bị điếc đột ngột, bệnh nhân cần đến các cơ sở chuyên khoa càng sớm càng tốt, tốt nhất là đến trước 7 ngày. Thống kê cho thấy, có tới 85,19% người bị điếc đột ngột phục hồi được chức năng nghe khi đến viện trước 7 ngày. Những bệnh nhân đến sau 7 ngày, tỷ lệ thành công chỉ là 7,14%, còn đa số bị di chứng điếc vĩnh viễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.