Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thời của những đứa trẻ "hàng hiệu"

Theo Vietnamnet| 13/04/2011 14:45

Nhiều đứa trẻ sành điệu từ đầu đến chân tốn tiền triệu hay chục triệu đồng đang dấy lên những lo ngại của nhiều phụ huynh có con học cùng. Ngay từ cấp một đã có sự phân biệt con nhà giàu, nhà nghèo vì những gì chúng mang trên người.


Tủ quần áo trăm triệu


Bé Vân Ánh, năm nay học lớp 3, là con một đại gia chuyên kinh doanh các căn hộ cao cấp. Bé chỉ theo cha mẹ đi mua sắm ở các trung tâm lớn như Parkson, Diamon Plaza hay Vincom. Đó là chưa kể, mỗi khi có dịp sang Hong Kong hay Singapore, bé đều mang về những bộ quần áo của các thương hiệu lớn trên thế giới.

Người giúp việc của nhà bé than phiền: có những bộ đồ không được dùng máy giặt, mà toàn phải giặt bằng tay. "Tiếc đứt ruột là khi bé lớn, quần áo chất đống trong nhà, không ai mặc thừa được, cứ như là vứt đi một đống của", bà xót xa.

Những bộ quần áo, giày dép của Vân Ánh có giá từ một triệu đến vài triệu. Một món đồ váy hay quần áo, giày dép hiệu Espirit giá từ hơn một triệu đến vài triệu là "chuyện nhỏ". Những món đồ thường ngày của bé trong căn phòng xa xỉ của căn hộ cao cấp như Lego hay búp bê Barbie đều không dưới 1 triệu đồng.

Ước tính, tổng số tiền quần áo, giày dép, đồ chơi của bé lên đến con số trăm triệu. Ngồi nói chuyện với bé, có thể thấy bé kể vanh vách những thương hiệu nào nổi tiếng, đặc điểm của chúng, giá cả. Những đồ sản xuất trong nước hay hàng hiệu nhái bị bé chê là màu sắc và chất liệu tầm thường, "quê mùa".

Một chị có con học tại một trường THCS có tiếng ở TP. HCM cho biết: Thật may mắn con chị đã thi đậu bằng thực lực vào ngôi trường danh tiếng này. Tuy nhiên, lớp con chị phân chia giàu nghèo rõ rệt. Chỉ mới lớp 6, các nhóm "con nhà giàu" thể hiện "đẳng cấp": từ cái cặp sách giá trăm đô-la, đến quần áo hiệu D&G vài triệu/bộ, điện thoại iPhone..

Trong lớp phân biệt rõ hai phe: nhóm con nhà nghèo - học giỏi và nhóm con nhà giàu "sành điệu" . Chị phụ huynh than thở: mỗi khi cần đóng tiền đi tham quan đến khổ, vì nhà nghèo chỉ muốn chơi những chỗ ít tiền, còn trẻ nhà giàu thì thích đi chơi... nước ngoài mới thú vị.

Cha mẹ giàu, cha mẹ nghèo cũng săn "hàng hiệu"?

Chị Nguyệt Mai thường mua một vài bộ đồ hiệu cho con để chưng diện khi cần thiết, bình thường, chị chọn hàng "Made in Vietnam". Chị cho biết: Có hai dạng phụ huynh "nhà giàu": một coi hàng hiệu là phương tiện cần thiết, hai là quá sính đồ hiệu đến mức cuồng nhiệt, điều này ảnh hưởng đến những đứa trẻ trong gia đình.

Nhóm nhà giàu thứ nhất, bởi vì... giàu nên đương nhiên phải chi tiêu theo "đẳng cấp" của mình. Với thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng thì họ hoàn toàn có thể chi vài chục triệu quần áo cho con. Những sản phẩm mà họ hướng tới thường là các sản phẩm nổi tiếng thế giới và có mức giá "trên trời" so với mặt bằng chung trong nước.

Nhóm thứ hai là những phụ huynh cũng mê "đồ hiệu" - nhưng thường là các hãng bình dân của nước ngoài, được gia công ở Việt Nam.

Đối với anh Tùng - nghiên cứu sinh từng học ở Pháp, “hàng hiệu” ở Việt Nam được hiểu phổ thông là hàng hóa được sản xuất bởi các hãng lớn trên thế giới và đã được khẳng định về chất lượng và thẩm mỹ như: Levis, Espirit, Nike...

Ở các nước phát triển như Tây Âu, Úc, Pháp, Canada... các thương hiệu này thuộc dòng bình dân, bất kỳ ai cũng có thể dùng được cho dù đó là một công nhân bình thường, sinh viên hay công chức. Mỗi năm ở các nước đó có 2 mùa sale vào tháng 1 và tháng 7, tất cả các mặt hàng đó được giảm giá từ 20% đến 80% nên người người, nhà nhà đều đổ xô mua sắm để dùng cho các tháng tiếp.

Vì thế, các thương hiệu này không được coi là “hàng hiệu” ở các nước này. Tuy nhiên khi về đến Việt Nam lại khác, giá các sản phẩm thường bị đẩy lên cao hơn so với thực tế. Bên cạnh đó, các tay buôn dựa vào tâm lý này để trục lợi, như bán hàng nhái, hàng "outlet" (lỗi mốt), hàng bị lỗi... với giá cắt cổ.

"Tôi vẫn thích dùng các sản phẩm này cho bản thân và con cái, vì chất lượng rất tốt và thiết kế rất đẹp. Người tiêu dùng có thể tin tưởng hoàn toàn vào sản phẩm của họ. Mặc dù nó hơi đắt so với hàng sản xuất trong nước, nhưng thời gian sử dụng lâu hơn, giữ dáng và màu sắc không bị xuống mã. Ví dụ 1 cái quần jean Levis 501 có giá tầm 100usd, nhưng có thể sử dụng hơn 5 năm vẫn đẹp và không lỗi mốt. Trong khi đó hàng nội địa chỉ dùng được trong vòng 1 năm thì đã cũ. Nên tính ra vẫn “kinh tế” hơn khi dùng hàng chất lượng kém. Tôi hay nói đùa với bạn bè: nhà nghèo thì nên dùng “hàng hiệu” - anh Tùng nhấn mạnh.

Chị Thanh Thảo bộc bạch: Để tránh mua phải "hàng hiệu rởm" trong nước, nếu có dịp đi nước ngoài hay có bạn bè người thân về, chị thường mua số lượng lớn dùng cho gia đình trong vòng vài năm. "Nếu không tìm thấy nơi nào bán “hàng hiệu” trong nước đúng giá, đúng sản phẩm, tôi sẽ chọn các thương hiệu uy tín trong nước để thay thế, tiêu chí cuối cùng vẫn là chất lượng và thẩm mỹ, chứ không phải là cái thương hiệu gắn trên món đồ" - chị Thảo kết luận.

Tiêu dùng "hàng hiệu" trong mắt một người Mỹ


Một người Mỹ, Robert Dewitt trả lời trên VnExpress rằng: Công bằng mà nói thì không phải ngẫu nhiên, trẻ con thời nay lại sớm quan tâm đến thế giới xa xỉ đến thế. Điều kiện kinh tế khấm khá hơn trước cùng cơ hội tiếp cận với hàng hóa chất lượng cao đã khiến không ít bậc phụ huynh tìm mua những món hàng thuộc hiệu này, hiệu nọ đã như một thói quen.

Và, con trẻ, từ chỗ được thụ động hưởng thụ đã nhanh chóng "bắt kịp đà" và lập tức tạo lập cho mình một thói quen mới. Không thể cứng nhắc chỉ trích người lớn hay con trẻ, nhưng rõ ràng, cũng không thể khuyến khích tư duy tiêu dùng này.

Ông Robert cho biết: Hàng hiệu đối với một số người Việt như một cách giúp làm thay đổi giá trị con người. Họ sẵn sàng chi gấp hai, gấp ba thậm chí gấp mười lần bình thường cho một sản phẩm hàng hiệu chỉ để người khác nhìn họ một cách trầm trồ, nể phục.

"Ở Mỹ, chúng tôi không đặt quá nhiều ý nghĩa vào hàng hiệu. Một người mua áo hàng hiệu vì thích sản phẩm đó, trung thành với nhãn hiệu đó. Mua một cái xe hơi như phương tiện di chuyển, trả thêm chút tiền vì tính năng tiết kiệm nhiên liệu hơn cái mác. Nếu một người bạn của tôi dùng hàng hiệu thì tôi cũng chẳng quan tâm lắm. Bạn bè quý mến tính cách nhau thì chơi với nhau thôi.

Nếu ai kết bạn với bạn vì những thứ đồ hiệu bạn mang trên người thì đó không phải là tình bạn thật sự", ông nhấn mạnh.

"Mỹ được xem là một nước giàu có nhưng chúng tôi không chi tiêu bừa bãi, mà vẫn xem chất lượng là trên hết. Khi mua một đôi xăngđan, điều tôi quan tâm nhất là vừa vặn, thoải mái và có thể mang bền vài năm. Sự thật là ở nước tôi, siêu thị Wal-Mart nổi tiếng với những món hàng rẻ chất lượng tốt lại được nhiều người ưa chuộng nhất", ông Robert nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thời của những đứa trẻ "hàng hiệu"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.