Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thời cơ thuận lợi để đưa kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường

Theo VGPNEWS| 10/07/2012 05:55

Đây là nhận định chung được đưa ra tại cuộc họp chiều ngày 9/7 kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.


Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ và Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các doanh nghiệp đầu mối nắm thị phần chi phối là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil).


Bước đầu hình thành thị trường kinh doanh xăng dầu cạnh tranh

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ khi Nghị định 84/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, kinh doanh xăng dầu về cơ bản đã vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, đáp ứng được nhu cầu xăng dầu của nền kinh tế.

Từ chỗ thị trường mang tính độc quyền, đến nay đã hình thành những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh thị phần.

Nếu như trước đây, thị phần của Petrolimex là chủ yếu (hơn 70%), thì đến nay chỉ còn khoảng 50%. Trong khi đó, PV Oil từ khoảng 13% (năm 2008) tăng lên khoảng 16,4%. Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ tăng thị phần từ khoảng 1,8% (năm 2008) lên khoảng 5,7% (năm 2011).

Bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp đầu mối bị giảm thị phần tiêu thụ xăng dầu nội địa, như Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội từ khoảng 5,8% giảm còn 2,2%, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam từ 1,2% giảm còn 0,3%.

Đã có thêm 3 doanh nghiệp ngoài thành phần nhà nước đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu và có thêm 1 doanh nghiệp cổ phần tham gia kinh doanh trong lĩnh vực nhiên liệu bay.

Giá cơ sở trở thành công cụ hữu hiệu, tạo ra sự minh bạch trong điều hành kinh doanh xăng dầu. Quỹ bình ổn giá xăng dầu góp phần ổn định giá trong thời kỳ khó khăn của nền kinh tế, giúp Chính phủ cân đối được các công cụ điều tiết vĩ mô, đảm bảo thực hiện các mục tiêu điều hành của nền kinh tế.

Tuy nhiên, do gặp phải những diễn biến bất lợi của kinh tế trong nước và thế giới, thực tế doanh nghiệp đầu mối kinh doanh giá xăng dầu chỉ được quyết định giá bán trong một thời gian ngắn từ khi Nghị định 84 có hiệu lực đến tháng 3/2010. Từ thời điểm đó đến nay, giá bán xăng dầu do Nhà nước (liên bộ Tài chính - Công Thương) quyết định.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành liên quan đều khẳng định việc Nhà nước giữ quyền quyết định giá bán xăng dầu là hoàn toàn tuân thủ các quy định của Nghị định 84.

Tuy nhiên, việc “tạm dừng” không đi theo các quy định của Nghị định 84 khiến việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường thay đổi chậm hơn biến động của giá thế giới, giá bán lẻ luôn thấp hơn giá cơ sở trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, chi phí định mức được tính toán dựa trên các yếu tố đầu vào từ năm 2009, đến nay đã không còn phù hợp dẫn đến việc tính toán, điều hành qua giá cơ sở không sát với thực tế diễn biến của giá thế giới.

Tiếp tục thực hiện Nghị định 84 một cách đầy đủ

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, việc thực hiện các quy định của Nghị định 84 thời gian qua mặc dù chưa thực sự triệt để nhưng đã đạt được những mục tiêu lớn như tạo ra môi trường, thị trường xăng dầu cạnh tranh, làm cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, và đặc biệt là thay đổi từng bước suy nghĩ của mỗi người dân và của toàn xã hội trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

“Đây cũng là mục tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và đại diện các Bộ, ngành tham dự cuộc họp đều thống nhất thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện đầy đủ các quy định của Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, đây là cơ hội rất thuận lợi để thực hiện Nghị định 84 dần dần, triệt để, do lạm phát đang theo hướng kiểm soát được đồng thời các cân đối vĩ mô được đảm bảo.

Trên cơ sở thống nhất nhận thức đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các Bộ: Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ sớm nghiên cứu, đánh giá quá trình thực hiện Nghị định 84 một cách căn cơ, kỹ lưỡng; làm rõ những điểm còn bất cập, hạn chế, chưa phù hợp để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị định 84 nhưng phải đánh giá toàn diện hơn, sâu sắc hơn. Nhân cơ hội này chúng ta thực hiện một cách đầy đủ tất cả những nội dung đã có, một thời gian sau sẽ rút kinh nghiệm để chỉnh sửa quy định cho phù hợp hơn.

Còn Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ: Các Bộ cần đánh giá kỹ hơn, khi đủ điều kiện thì tiến hành sửa đổi những điểm còn bất cập trong thời gian qua, như số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường, việc kiểm tra, giám sát chất lượng. Nghĩa là cần thiết phải có nghiên cứu một cách căn cơ để từ đó có những cơ chế khắc phục một cách đồng bộ.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng việc chuyển từ thị trường độc quyền, từ kiểm soát Nhà nước sang cơ chế thị trường nhất thiết phải có lộ trình, phải có cơ chế phù hợp. Xóa độc quyền của những lĩnh vực ảnh hưởng đến an ninh năng lượng phải được thực hiện một cách cẩn trọng, có lộ trình phù hợp.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ đánh giá lại và có quy hoạch về số lượng của đầu mối xuất – nhập khẩu xăng dầu để nhà nước khống chế được thị trường, nhưng vẫn đảm bảo tự do, minh bạch, dùng công cụ quy hoạch để kiểm soát thị trường.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị nếu biến động giá trong tỷ lệ cho phép thì doanh nghiệp được quyền quyết định về giá, Nhà nước sẽ hậu kiểm. Nếu doanh nghiệp định giá sai, Nhà nước sẽ có chế tài xử lý phù hợp. Làm được việc này chắc chắn người dân sẽ yên tâm.

Đối với vấn đề quản lý chất lượng, hai Phó Thủ tướng nhất trí cho rằng Bộ Khoa học và Công nghệ cần quy định rõ tiêu chuẩn để doanh nghiệp thực hiện theo.

Các yếu tố như mức thù lao, hoa hồng cho đại lý, nên nghiên cứu theo hướng có khống chế tối đa, sau đó giao doanh nghiệp có quyền chủ động điều chỉnh cho phù hợp với tình hình.

Về quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn, cần tiếp tục nghiên cứu sâu thêm để quỹ phát huy tối đa vai trò là công cụ giúp nhà nước bình ổn thị trường. Trước mắt thực hiện những quy định đã có trong Nghị định 84.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thời cơ thuận lợi để đưa kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.