Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thỏa thuận ngừng bắn Munich: Khó thay đổi cục diện Syria

Thanh Hà| 15/02/2016 16:39

(HNMO) - Những ngày qua, thỏa thuận ngừng bắn tạm thời tại Syria đã trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.  Tuy nhiên, đây cũng là một thỏa thuận làm dấy lên nhiều hoài nghi về tính khả thi.

Thỏa thuận được công bố bởi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov cuối ngày 11/2 sau hội nghị an ninh Munich đã nhen nhóm tia hy vọng chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu ở Syria. Tuy nhiên, đây cũng là một thỏa thuận làm dấy lên nhiều hoài nghi về tính khả thi.

Hai đề xuất


Trên thực tế, Nhóm ủng hộ Syria (ISSG), nhóm gồm 17 quốc gia bao gồm Nga, Mỹ, Ả Rập, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc không sử dụng thuật ngữ “ngừng bắn”, mà là “ngừng các hành động thù địch”, một mục tiêu ít tham vọng hơn.

Thỏa thuận nêu ra hai vấn đề. Thứ nhất, ISSG đề xuất “tăng cường trợ giúp nhân đạo tới tất cả những người cần được giúp đỡ trên toàn Syria, đặc biệt là tại những khu vực khó tiếp cận”. Thứ hai, thỏa thuận đề ra các bước tạm ngừng các hoạt động thù địch trên toàn lãnh thổ Syria trong vòng một tuần. Các hoạt động quân sự sẽ tạm ngừng ngoại trừ cuộc chiến chống IS, nhóm vũ trang thánh chiến Jabhat al-Nusra và các tổ chức khủng bố khác.

Hai đề xuất này được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho sự chuyển giao chính trị, có thể sẽ diễn ra trong vòng 6 tháng sau các cuộc đàm phán giữa chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phe đối lập.

Nhiều trở ngại


Những cam kết hỗ trợ nhân đạo và tạm ngừng các hoạt động thù địch đã đáp ứng yêu cầu của phe đối lập trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán với chính quyền Assad. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng đây là một thỏa thuận chỉ mang tính hình thức về chính trị.

Thỏa thuận Munich không có sự hiện diện của tất cả các lực lượng đang tham chiến tại Syria. Nó cũng không kèm theo các điều kiện được đề cập trong các cuộc thảo luận tại Geneva. Ngay cả khi lệnh ngừng bắn được áp dụng, vẫn có nhiều nhóm vũ trang và phe phái không cần tuân thủ theo thỏa thuận này. Điển hình là hai bên tham chiến chính ở Syria là Tổ chức Hồi giáo tự xưng (IS) và mặt trận Jabhat al-Nusra vẫn sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công trên lãnh thổ Syria và gây nhiều trở ngại cho bất kỳ ý định đàm phán nào giữa chính quyền Assad và phe đối lập.

Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục ném bom ở Tây Bắc và miền Nam Syria. Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định Nga sẽ không tạm ngừng không kích tại quốc gia này: “Thỏa thuận ngừng bắn không bao gồm cuộc chiến chống khủng bố. Các hoạt động quân sự chống khủng bố vẫn tiếp diễn”.

Khi được hỏi về khả năng thành công của thoả thuận ngừng bắn, ông Lavrov dự báo, tỷ lệ thành công chỉ là 49%.

Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria vấp phải nhiều trở ngại.


Cục diện Syria sau thỏa thuận Munich?

Thỏa thuận nhiều lỗ hổng này có thể sẽ bắt đầu trong tuần tới, cũng có thể không.Theo nhận định của tờ Guardian, tổ chức Hồi giáo tự xưng IS, nhân tố không được bao gồm trong thỏa thuận Munich sẽ có những động thái để phá vỡ thỏa thuận này bởi hòa bình cho Syria không phải là một mục tiêu của IS.

Cũng giống như IS, mặt trận al-Nusra cũng bị loại trừ khỏi thỏa thuận này. Tuy nhiên, Al-Nusra có thể sẽ tham gia các nhóm đối lập ôn hòa hơn, lợi dụng thỏa thuận ngừng bắn nhằm có thêm thời gian để xây dựng lại lực lượng.

Dù các nhóm này có động thái như thế nào thì tất cả các bên tham gia thỏa thuận đều nhất trí ở một điểm: Thỏa thuận trên giấy chỉ thành công nếu nó được tất cả các bên cùng tuân thủ trên chiến trường. Vậy ai sẽ là người có những bước đi đầu tiên để mang lại nền hòa bình cho Syria?

Không phải Tổng thống Assad. Ông Assad đã thề sẽ chiếm lại toàn lãnh thổ đất nước từ tay quân nổi dậy và các nhóm khủng bố cực đoan. Với tuyên bố này, một nền hòa bình cho Syria có vẻ như ngày càng xa vời.

Cũng không phải phiến quân. Các nhóm phiến quân vẫn tiếp tục nỗ lực lật đổ chính quyền Assad sau gần 5 năm chưa đạt được mục đích.

Cũng không phải người Nga. Nga vẫn sẽ tiếp tục ném bom trên không và chưa rõ bao giờ mới ngừng chiến dịch này. Một khi những đợt ném bom của Nga vẫn tiếp diễn, một hy vọng các phe đối lập hạ vũ khí và cùng ngồi vào bàn đàm phán dường như là điều không thể.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thỏa thuận ngừng bắn Munich: Khó thay đổi cục diện Syria

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.