(HNM) - Trong bối cảnh căng thẳng giữa Tehran và các nước phương Tây gia tăng, một cuộc họp khẩn cấp của đại diện các quốc gia còn duy trì cam kết theo Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) vừa được triệu tập vào cuối tuần qua tại thủ đô Vienna (Áo). Cuộc họp nhằm tìm cách cứu vãn văn kiện được coi là thành tựu ngoại giao nổi bật của thế kỷ XXI.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút nước này khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1, đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại quốc gia Cộng hòa Hồi giáo, các bên còn lại đã nỗ lực duy trì các cam kết trong JCPOA và hối thúc xứ Cờ hoa trở lại văn kiện này. Song những biện pháp của châu Âu nhằm bảo vệ hoạt động thương mại với Tehran đến nay chưa mang lại kết quả cụ thể. Ý định ngừng tuân thủ một phần của cam kết đã được Iran công khai sau sự ra đi của Mỹ và nước này bắt đầu gây sức ép đối với các cường quốc còn lại trong JCPOA.
Cuộc gặp khẩn diễn ra sau khi Iran tuyên bố nước này đã vượt giới hạn dự trữ và làm giàu uranium được quy định trong thỏa thuận năm 2015. Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi cho biết, nước này đã làm giàu 24 tấn uranium kể từ khi tham gia thỏa thuận hạt nhân và hiện đã tái khởi động lò phản ứng nước nặng Arak như Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng tuyên bố. Nếu thông tin này là đúng, quốc gia vùng Vịnh đã sản xuất uranium làm giàu vượt nhiều lần so với giới hạn của JCPOA.
Đầu tháng này, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đã xác nhận việc Tehran sản xuất vượt giới hạn 300kg uranium làm giàu. Giới chức nước này không loại trừ khả năng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động làm giàu uranium nếu các bên không thể đưa ra sáng kiến bù đắp thiệt hại từ các biện pháp trừng phạt của Washington.
Như một điểm sáng giữa những diễn biến rối ren tại vùng Vịnh, các nhà ngoại giao Nhóm P4+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức) và Iran đều ghi nhận tín hiệu tích cực mang tính xây dựng sau cuộc đàm phán kéo dài gần 2 giờ tại thành phố Vienna.
Dù kết quả thảo luận không được công bố cụ thể, song Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho biết các bên đã đưa ra một số cam kết, trong đó có cả việc căng thẳng giữa nước này và Anh liên quan tới việc hai bên bắt giữ các tàu của nhau. Đáng chú ý, theo đại diện Trung Quốc tham dự cuộc họp, tất cả các bên đã cam kết bảo vệ JCPOA và tiếp tục thực hiện thỏa thuận này một cách cân bằng, đồng thời thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã đơn phương áp đặt lên Iran.
Tuy vậy, quan chức ngoại giao Iran vẫn nhấn mạnh rằng chừng nào các yêu cầu về việc bảo đảm lợi ích của Tehran chưa được đáp ứng, nước này sẽ tiếp tục giảm dần việc thực hiện các cam kết trong JCPOA sau khi đã vượt giới hạn dự trữ uranium. Các bên khác, đặc biệt là châu Âu khó lòng đưa ra một giải pháp hiệu quả bởi điều này có thể ảnh hưởng tới chính các doanh nghiệp của họ trong hoạt động làm ăn với quốc gia đồng minh truyền thống là Mỹ.
Một diễn biến bất lợi khác là việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Iran đã không chấp nhận lời đề nghị của ông về việc đến thăm Tehran để có cuộc thảo luận trực tiếp với giới chức quốc gia Cộng hòa Hồi giáo, đồng thời người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự bất bình trước quyết định này.
Các nước tham gia cuộc gặp tại Vienna đã đạt được sự nhất trí về việc sớm tổ chức một cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao, song thời gian cụ thể vẫn chưa được ấn định. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đưa ra một kết quả khả quan hơn là điều cần thiết để bảo vệ thành tựu quan trọng trong nỗ lực không phổ biến hạt nhân toàn cầu khỏi nguy cơ sụp đổ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.