Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thổ Quan - vùng đất giàu truyền thống

ANHTHU| 13/07/2005 07:22

Nói đến phố Khâm Thiên, hầu như người Việt Nam nào cũng biết bởi nó gắn liền với đêm 26-12-1972, bom B52 Mỹ đã hủy diệt đường phố này. Nhưng hỏi về phường Thổ Quan, có thể còn nhiều người đang sống trên đất Hà Nội chưa biết nó ở vị trí nào trong thành phố.

 Đình làng Thổ Quan, di tích đã được xếp hạng quốc gia Ảnh: Linh Tâm

Nói đến phố Khâm Thiên, hầu như người Việt Nam nào cũng biết bởi nó gắn liền với đêm 26-12-1972, bom B52 Mỹ đã hủy diệt đường phố này. Nhưng hỏi về phường Thổ Quan, có thể còn nhiều người đang sống trên đất Hà Nội chưa biết nó ở vị trí nào trong thành phố.

 Thổ Quan nằm ở nửa cuối phố Khâm Thiên - từ ngã ba vào ngõ Văn Chương đến ngã năm Ô Chợ Dừa. Hai ngàn năm trước, nơi đây không chỉ đã có cư dân người Lạc Việt, mà còn là chốn dựng chiến lũy, giương cao ngọn cờ khởi nghĩa của hai nữ kiệt Trung Vương, do ba anh em họ Nguyễn người xứ Thanh Hóa ra lập nghiệp ở bên dòng sông Lừ, chống lại quân Mã Viện sang tái chiếm nước ta. Còn đó những địa danh như Bãi Trận, Xốc Súng, ống Lệnh, Hồ Đồn nhắc nhở lại di chỉ quân sự của người xưa.

Văn bia đình Thổ Quan còn khắc trên đá những dòng: “Kinh qua trăm trận đại phá quân giặc, đến trận sông Hát, quân ít tướng cô, đành lui về giữ Thổ Quan, dựng ba đồn chống địch... Sau khi mất, dân làng nhớ công đức, dựng đình phụng thờ, các triều đại đều phong tặng, lời biểu dương sáng ngời...”.

Ba anh em được phong “Thượng đẳng phúc thần” với các bài vị đề: Hiển Hựu đại vương, Quý Minh đại vương, Phương Dung công chúa. Dân làng Thổ Quan gốc vẫn còn kiêng húy, gọi Hựu là Hạo, Minh là Miêng, Dung là Dang.

Đình Thổ Quan cùng với đình - đền Trung Tả, chùa Linh ứng là ba di tích đã được xếp hạng quốc gia ngày 21-6-1993, đều thuộc phường Thổ Quan.

Truyền thống anh hùng đánh giặc giữ nước ấy càng được tô thắm thêm trong thời kỳ thành lập Đảng, tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc. Đi trên đường phố Khâm Thiên hôm nay, những người trên 70 tuổi còn nhớ lại những ngôi nhà từng mang dấu lịch sử. Nhà số 300 này là nơi ra đời một người cộng sản lớp đầu tiên của Hà Nội, từng là Bí thư Thành ủy, đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ. Ngôi nhà 312 vốn là của một công nhân hỏa xa được giác ngộ cách mạng, đã thành cái nôi thành lập Đông Dương cộng sản Đảng ngày 17-6-1929, tổ chức tiếp nối mạch máu rực lửa đấu tranh của Việt Nam cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Đình làng Thổ Quan Ảnh: Linh Tâm

Cái ngõ cạnh số nhà 310, nay mang tên Tiến Bộ, còn lưu truyền bao câu chuyện về gia đình ông tổ ngành xiếc thú Việt Nam Tạ Duy Hiển. Ông nổi danh từ trước cách mạng và sau khi Thủ đô giải phóng đã đem cả gánh xiếc thú gia nhập Đoàn xiếc nhân dân trung ương, được Nhà nước giao cho làm trưởng đoàn, phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân...

Ngõ Thổ Quan ở gần rạp chiếu bóng Dân Chủ là ngõ to và sâu nhất của phường, ngày xưa gọi là ngõ Trại Khách. Có tên này là do vào khoảng thập kỷ thứ hai của thế kỷ trước, một nhà buôn người Hoa đã tậu 4 mẫu ruộng ở xóm Đình lập nên một biệt thự - trang trại có hồ nước, nhà thủy tạ vườn hoa cây cảnh bên trong, lại có chuồng nuôi thú...

Thời 8 năm bị Pháp tạm chiếm, ngõ Trại Khách dù ở sát nách bốt Tây đen Việt Hương (số 201) vẫn là nơi nuôi giấu, che chở cán bộ nằm vùng hoạt động trong lòng địch. Còn đó ngôi nhà Đỏ mang số 73 có tầng hầm rất rộng chia làm nhiều ngăn, mở cửa tò vò thông sang nhau, đã nhiều năm là cơ sở của cán bộ quân sự quận V và các đơn vị vũ trang tuyên truyền đi về. Các đồng chí Tiến Đức, Trần Nam, Tư Koóng, Chu Duy Kính, Lê Tám... thường lấy những căn hầm ở nhà Đỏ, nhà 41C vốn của gia đình họa sĩ Tô Ngọc Vân trước kia và ngôi mộ giả làm hầm trong nghĩa địa Tàu (nay là khu vực nhà hộ sinh Đống Đa) làm nơi ẩn náu, tá túc nhiều năm tháng, để chỉ đạo phong trào kháng chiến nội thành...

Thổ Quan vốn là một vùng đất nghèo, bùn lầy nước đọng. Dân sống bằng nghề trồng rau, thả cá và bao nghề lam lũ: từ phu xe kéo, phu khuân vác, thợ nề, cắt tóc, đến tẩm quất... Đã có cả một xóm tụ tập những người hành khất gọi là “Xóm ăn mày” (ở cuối ngõ Đoàn Kết bây giờ).

Trải qua bao thăng trầm, lúc là chốn ăn chơi trác táng với cô đầu, gái điếm, sàn nhảy...; lúc là phố thợ may được giới thời trang một thời quan tâm; lúc là phố thợ băm dũa, cắt răng cưa, của các tổ đan len, tổ “cơm nồi - nước sôi”... Rồi sau những ngày bị dội bom B52, từng dãy nhà đổ sập, những cây bàng xanh của tết trồng cây bị bom đốn ngã... Thổ Quan lại gan dạ đứng lên làm lại cuộc đời với bao tấm lòng chia xẻ giúp đỡ của đồng bào Thủ đô và các tỉnh bạn.

Thổ Quan đã cùng nhân dân Thủ đô thực hiện được Di chúc của Bác xây dựng đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Từ nửa cuối phố Khâm Thiên cho đến vào sâu trong 18 ngõ lớn, nhỏ thuộc địa bàn phường, khó tìm ra ngôi nhà nào cũ kỹ của thời Pháp thuộc xưa hoặc các túp tranh cơ cực một thời. Sự nghiệp đổi mới đã thay đổi bộ mặt của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này đến ngỡ ngàng.

Có một Việt kiều từ nước Pháp trở lại thăm nơi “chôn nhau cắt rốn” sau 60 năm, đã chẳng thể nào nhớ lại ngôi nhà xưa của mình ở khúc ngoặt nào trong ngõ Thổ Quan. Cụ đã ôm mặt khóc rưng rức vì nhớ lại quãng đời tuổi thơ đói nghèo của mình và mừng cho bà con, họ hàng, mừng cho Thủ đô đất nước đã bước sang trang mới no ấm, tự hào, đầy tình làng nghĩa phố của khu dân cư đang xây dựng đời sống văn hóa - đường phố trật tự văn minh.

Trước thềm kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Đảng bộ và nhân dân Thổ Quan đang nhìn lại mình, tìm ra mặt mạnh, mặt yếu, để phấn đấu vươn lên trên chặng đường mới còn nhiều thử thách nhưng cũng rất vẻ vang. Cuốn sử “Truyền thống cách mạng phường Thổ Quan 1930-2000” do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành trong “Tủ sách Thăng Long” còn thơm mùi giấy mực kia, sẽ là món quà tinh thần có ý nghĩa chào mừng Đại hội Đảng bộ phường Thổ Quan lần thứ X vào những ngày sắp tới.

Không chỉ gần 400 đảng viên trong 17 chi bộ thuộc Đảng bộ Thổ Quan mới sôi nổi trao đổi, tranh luận, góp ý kiến vào sự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ sẽ trình trước Đại hội, mà nhiều người dân trong Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng đã được mời tham gia, xây dựng bản báo cáo sao cho trung thực, không tô hồng thành tích, cũng như đánh giá đúng khách quan những gì còn tồn tại phải khắc phục.

Đảng bộ Thổ Quan liên tục 24 năm qua được công nhận là cơ sở Đảng vững mạnh, đó là thành quả không gì mua được mà bao thế hệ đảng viên và nhân dân Thổ Quan đã tạo nên bằng mồ hôi, xương máu, bằng trí sáng tạo và ý chí kiên cường của mảnh đất mang bao dấu tích cách mạng.

Những người Thổ Quan hôm nay, dù là dân gốc quê các làng Quan Thổ, Quan Trạm, Trung Tả, hay một góc Xã Đàn xưa, hoặc là đồng bào khắp nơi đất nước tụ về nơi “đất lành chim đậu”, đều thấy mình có trách nhiệm chung lưng, góp sức xây dựng Thổ Quan mãi mãi giữ vững và phát huy truyền thống của ông cha, xứng đáng là mảnh đất “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

HNM

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thổ Quan - vùng đất giàu truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.