Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Thơ mình được nhớ là vui rồi!”

Hải Giang| 16/12/2012 07:09

(HNM) - Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vừa ra mắt



- Thưa nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, vì sao lại có Tuyển tập Phan Thị Thanh Nhàn vào thời điểm này?

- Cứ nghĩ giờ sách in ra đâu có ai đọc, lại tốn tiền của Nhà nước, ngại quá! Các em tôi cũng vẫn bảo "Chị in đi, bọn em tài trợ", nhưng thú thực là tôi nhiều tuổi rồi, cũng lười biếng lắm! Nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư bên NXB Hội Nhà văn có lần phát cáu, rồi bảo "NXB làm hết, chỉ đưa bài vở đến thôi, không phải làm gì đâu bà già ạ!".

Thế là sách ra, mà tôi gộp hết cả thơ - văn xuôi - tản văn - chân dung văn học - viết cho thiếu nhi… vào một cuốn. Làm tuyển tập xong, thấy bạn bè và các nhà báo quan tâm, tôi lại muốn in tập truyện ngắn và tập thơ văn cho thiếu nhi nữa mới chết chứ. Nói thế thôi chứ chả biết khi nào mới bắt tay làm…

- Tuyển tập cho bạn đọc thấy lại những câu thơ, bài thơ vốn rất quen thuộc, nhưng lại hay bị nhầm thành ra của tác giả khác. Có gì mâu thuẫn trong cảm xúc của bà không khi thơ mình có lúc được nhớ nhiều hơn tên mình ?

- Về chuyện thơ tôi bị nhầm là thơ của người khác, thì đã có hơi nhiều. Vừa rồi, PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha cũng nhầm một chút trong phát biểu tại hội thảo đấy thôi và chị Kha cũng rất chu đáo, nhận lỗi ngay. Nhưng có một Đài truyền hình địa phương thì khác. Khi tôi phát hiện bài thơ về chị Võ Thị Sáu "Người con gái trẻ măng - giặc đem ra bãi bắn…" là của tôi chứ không phải của nhà thơ Tố Hữu như họ nói trên đài, thì họ bảo họ đã biết sai, nhưng không thể đính chính, vì thế thì… còn gì uy tín!

Còn bài thơ "Làm anh" của tôi, đã đưa vào sách giáo khoa, rất nhiều học sinh thuộc lòng, nhưng khi đưa vào đĩa, trong thành phố Hồ Chí Minh họ ghi là thơ của Trần Đăng Khoa... Tôi nhớ một câu thơ của nhà thơ Tế Hanh: "Người ta có thể thuộc thơ mà không cần nhớ tên nhà thơ". Nói chung, tôi không lấy gì làm quan trọng lắm, thơ mình được nhiều người thuộc là rất vui rồi.

- "Hương thầm" của Phan Thị Thanh Nhàn thì chắc không ai nhầm với người khác. Bài thơ nằm trong chùm thơ được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT này đã ra đời như thế nào ạ?

- Tôi viết "Hương thầm" năm 1969 khi em trai tôi là Phan Hữu Khải cùng hàng đoàn thanh niên Hà Nội và cả nước rùng rùng ra trận. Bài thơ cùng chùm thơ 3 bài của tôi được Báo Văn Nghệ trao giải nhì cuộc thi thơ năm 1969-1970. Sau đó, năm 1975, anh rể tôi lúc đó là nhạc sĩ Thanh Phúc đã phổ nhạc, đến năm 1984, nhạc sĩ Vũ Hoàng trong thành phố Hồ Chí Minh mà tôi chưa hề quen biết cũng phổ nhạc bài này. Ca sĩ Bảo Yến là người đầu tiên hát bài hát của Vũ Hoàng và đã rất được yêu thích. Nhân đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các nhạc sĩ và ca sĩ đã đưa bài thơ của tôi đến với đông đảo người nghe trong và ngoài nước.

- Bà từng là phóng viên Báo Hànộimới. Có nhiều bài thơ của bà ra đời trong quá trình tác nghiệp của bà không? Xin nhà thơ chia sẻ với bạn đọc một kỷ niệm đáng nhớ nhất về chuyện làm báo - làm thơ thời ấy?

- Những năm chiến tranh, tôi là phóng viên của Báo Hànộimới. Tất cả chúng tôi lúc ấy gần như suốt ngày đêm có mặt ở cơ quan, cứ giặc ném bom ở đâu thì chia nhau đến ngay để làm tin, viết bài cho số báo hôm sau. Là phóng viên nên tôi thường được báo cử đi công tác xa, ví dụ sang Đức Giang khi kho xăng bị ném bom, lên Lạng Sơn khi cuộc chiến biên giới năm 1979 nổ ra… Nhưng tôi nhớ nhất chuyến đi thăm bộ đội Đường 9 do Chủ tịch thành phố Trần Duy Hưng dẫn đầu năm 1971. Đó là chuyến đi đầy kỷ niệm, rất xúc động và tràn ngập niềm tin chiến thắng. Trong chuyến đi này, tôi đã viết được một vài bài thơ như: "Ghi chép ở sân bay Ái Tử", "Gương mặt sư đoàn", "Quà tặng", "Mùa gặt Triệu Phong"… Tất cả đều có mặt trong tuyển tập này.

- Thơ Phan Thị Thanh Nhàn trước đến nay vẫn vẹn nguyên một nét giản dị như "Hương thầm". Bây giờ người ta cách tân thơ nhiều, đổi mới thơ nhiều, bà có sốt ruột không?

- Bây giờ các bạn trẻ đang đua nhau cách tân thơ và rất năng động trong tất cả mọi việc. Bạn hỏi tôi có sốt ruột không? Không, không một chút nào. Tôi nghĩ, thời của mình đã qua rồi. Tôi nể phục và ngưỡng mộ tuổi trẻ, sự năng động, sáng tạo và rất hết mình của các bạn trẻ hôm nay. Đây là thời cơ để các bạn bứt phá và sẽ thành công.

- Xin chân thành cảm ơn nhà thơ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thơ mình được nhớ là vui rồi!”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.