Nhà thơ Cù Huy Cận sinh năm 31/5/1919 tại Hà Tĩnh. Sinh ra trên mảnh đất Xô Viết Nghệ Tĩnh, bên cạnh núi Hồng sông Lam nên cuộc đời ông gắn liền với cách mạng và thơ. Thơ ông tựa
![]()
Nhà thơ Cù Huy Cận sinh năm 31/5/1919 tại Hà Tĩnh. Sinh ra trên mảnh đất Xô Viết Nghệ Tĩnh, bên cạnh núi Hồng sông Lam nên cuộc đời ông gắn liền với cách mạng và thơ. Thơ ông tựa "
Lửa thiêng" làm xáo động tinh thần dân tộc của một thời ngún lửa. Tựa "
Tràng giang" - "không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" của nỗi lòng đau đáu tình yêu quê hương. Ông vừa hoàn thành 3 tập "
Hồi ký song đôi" viết về cuộc đời và văn chương của Huy Cận và Xuân Diệu.
Tập 3 của "Hồi ký song đôi" đã hoàn thành và sắp sửa in xong, ở tập này nhà thơ nói nhiều về giai đoạn nào của cuộc đời Huy Cận và Xuân Diệu?
Ở tập này tôi nói nhiều đến đời làm thơ của Xuân Diệu, đây là những bước đầu làm thơ của anh, anh học kỹ vốn thơ của cha ông, có thể coi đây là giai đoạn tìm đường thơ của Xuân Diệu. Tôi nhớ đến đến tình bạn 50 năm của chúng tôi, cũng như với những người bạn nước ngoài như Híc-mét, Nicolai Ghizen, Antaconxky,Viơgê, Chantan...
Kỷ niệm nào vui nhất và buồn nhất giữa Xuân Diệu và Huy Cận được nhắc đến trong tập hồi ký?
Kỷ niệm vui nhất là lần gặp đầu tiên vào tháng 9/1936, gặp nhau, đọc thơ cho nhau nghe và kết bạn với nhau ngay lập tức như là định mệnh. Kỷ niệm buồn và đau đớn nhất đó là ngày Xuân Diệu mất vào tháng 12/1985. Tôi ở nước ngoài và không về kịp đám tang mặc dầu đã đánh 10 bức điện cho Chính phủ, Hội nhà văn và gia đình nhưng vì đã cáo phó nên mọi việc không thể trì hoãn được. Tôi đã buồn và khóc rất lâu vì nhớ thương anh ấy.
Được biết trong tập hồi ký, nhà thơ còn nhắc nhiều đến những kỷ niệm tuổi nhỏ, kỷ niệm nào ông nhớ nhất trong số đó?
Có một lần tôi cùng bạn bè đi chăn trâu trên núi, chúng tôi đã "phát minh" một loại nhạc cụ gọi tên là cái trống đất tế trời. Chúng tôi đào một cái hố tròn có đường kính khoảng 40 phân, độ sâu cũng bằng khoảng ấy, căng dây ngang hố và lấy một khúc tre đánh vào dây, kêu tiếng "pinh- pinh". Đó là âm thanh đầu tiên tôi được nghe trong đời. Nó có ý nghĩa với thơ tôi sau này, thơ tôi hướng nhiều về thiên nhiên, cảnh vật. Cũng như khi đã ra làm việc tại Hà Nội, tôi có thói quen hay đi dạo trên con đường giữa Hồ Tây và sông Hồng - Sau này con đường đó được đặt tên là Xuân Diệu, nước lên, củi rều trôi đầy trên sông, đã gợi hứng cho tôi làm bài thơ "Tràng giang" với câu "Củi một cành khô lạc mấy dòng".
Ông có ý định sẽ cho người đọc biết nhiều thông tin hơn về cuộc đời của Huy Cận và Xuân Diệu ở tập 4 không?
Kỷ niệm giữa chúng tôi rất nhiều, cũng như có nhiều điều Xuân Diệu chưa kịp nói trước khi anh ra đi, nên tôi phải làm nhiệm vụ thay cho cả hai người. Nếu viết thì sẽ được một "thiên hồi ký" rất dài, nhưng tôi dừng lại ở tập 3. Phải để đôi điều bí ẩn cho người đọc thòm thèm chứ.
Gần đây có triển lãm một cuốn sách của Huy Cận và tranh minh hoạ của nữ hoạ sỹ Chantan tại Pháp. Hình như ông đã không sang tham dự được?
Đúng vậy. Mặc dù họ đã gửi vé máy bay khứ hồi song tôi đã phải từ chối vì sức khoẻ không cho phép. Nữ hoạ sỹ Chantan đã vẽ minh hoạ cho tập thơ của tôi, cách đây mấy ngày tôi nhận được thư của bà cho biết rằng thơ của tôi cũng như tranh của bà đã được đánh giá cao, cuộc triển lãm đã rất thành công ở Pháp họ đang in lại tập thơ (có bổ sung thêm) của tôi, dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm nay.
Dường như cốt cách phong tình của núi Hồng sông Lam in vẫn đậm trong tâm hồn "chàng Huy Cận", phải chăng vì thế mà ở tuổi "bách niên giai lão" chàng Huy Cận vẫn còn có ý định in một tập thơ tình trong năm 2004 này. Cảm hứng từ ngoại cảnh hay nội tâm vậy, thưa nhà thơ?
Tôi vẫn luôn mang theo tập "Thơ tình Huy Cận" trong túi áo, vậy là cô lý giải được rồi chứ? Cốt cách phong tình là một điều đáng quý trong mỗi nhà thơ. Ngày xưa tôi đã có nhiều mối tình rất đẹp nhưng rồi chẳng đến được với nhau. Cũng như bây giờ càng ngày càng có nhiều cô gái rất xinh đẹp. Đôi khi cũng làm mình thổn thức!
Gần đây ông làm thơ tứ tuyệt để tôn vinh các bạn cùng thời, ông đang có một ý tưởng gì độc đáo chăng?
Chỉ đơn giản là tôi muốn nhớ về họ theo cách của tôi, tôi tóm lược những điều đó trong một bài thơ ngắn ví dụ nhớ về anh Chế Lan Viên tôi viết
"Ma Hời ám ảnh bao năm/ Tháp Đôi Bình Định anh nằm mơ trăng/ Phù sa lớp lớp băng băng/ Bài ca từ thế cõi lòng còn đau". Tôi sẽ in thành tập thơ "
Tôn vinh các bạn cùng thời" trong năm nay.
Cho đến bây giờ ông hài lòng về chặng đường thơ của mình chứ?Văn chương đã gắn liền với từng đường đi nước bước của tôi. Thành quả gặt hái, cũng là một niềm vui chung, là tôi hơn tôi được bầu vào Viện Hàn lâm thơ thế giới, đó là một phần thưởng cao quý đối với những người làm nghệ thuật, cho đến bây giờ tôi rất mãn nguyện nhưng vẫn không ngừng nghỉ trên chặng đường sáng tác của mình.
Ông có nhận xét gì về thơ trẻ và có một vài lời khuyên cho họ với tư cách là vị "bô lão" xứ thơ?
Theo cách nhìn của tôi thơ sau những năm 1975 ngôn từ chải chuốt, luyến láy nhiều, có nhiều ý hay, phong phú nhưng họ nói quá nhiều quá về thân phận éo le, cuộc đời éo le, tình yêu éo le của cá nhân mà qua đó tôi không thấy thấp thoáng thân phận, vận mệnh con người trong thời đại mới. Tôi không phản đối cách nhìn nhận của họ, vì tôi cũng đã nói về điều đó, song trong thơ tôi có tâm hoài về vận mệnh con người. Tôi tâm đắc một câu châm ngôn Pháp và thường vận dụng cho tư tưởng sáng tác của mình "
Mỗi con người mang trong bản thân mình tấm vải hoàn chỉnh của số phận con người".
Rất hiếm những người ở tầm tuổi của nhà thơ mà lại có một sức khoẻ và sự minh mẫn đến từng chi tiết, ông đã có bí quyết gì vậy, thưa nhà thơ?
Đơn giản lắm, tôi tập thể dục dưỡng sinh đều đặn, ăn uống điều độ và uống nước chè xanh mỗi ngày.
Cảm ơn nhà thơ!
Trần Hoàng Thiên Kim(Thực hiện)