(HNM) - Chị Hoa có cậu con trai học lớp 4 tại một trường
- Hôm nay có bài tập gì không? Sắp thi học kỳ rồi, có gì khó hiểu, cứ hỏi mẹ?
Nghe mẹ hỏi, bé Quân hớn hở:
- Không ạ, con chỉ phải học thuộc 4 bài văn thôi. Chiều nay ngồi trong lớp con học thuộc làu rồi, đọc cho mẹ kiểm tra lại nhé...
Nói rồi, bé Quân đưa cho mẹ cuốn vở chính tả, miệng liến thoắng đọc lại từng câu, từng chữ.
Chị Hoa ngạc nhiên:
- Đó là những bài văn mẹ hướng dẫn làm từ mấy hôm trước kia mà, sao lại phải học thuộc?
- Vâng, cô giáo bảo mai sẽ kiểm tra, ai không thuộc sẽ bị phạt.
Gặng hỏi một hồi, chị Hoa mới vỡ lẽ: Mấy ngày tới, trường của bé Quân tổ chức cho học sinh thi học kỳ I. Để chuẩn bị cho kỳ thi, các cô có "sáng kiến" giao trước cho học sinh 4 đề văn, sau khi các em làm xong, cô giáo chỉnh sửa cẩn thận, rồi yêu cầu học sinh học thuộc lòng từng dấu chấm, dấu phẩy. Đến hôm thi, các trò chỉ việc ngồi... chép văn ra giấy!
Kể lại chuyện này với một vài người bạn, chị Hoa mới hay, không chỉ riêng trường con chị mà không ít trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng cách dạy trẻ học văn kiểu... học thuộc. Viết thư gửi NXD, chị Hoa không giấu nổi lo lắng: Trong lúc toàn xã hội đang đấu tranh với "căn bệnh" thành tích trong giáo dục, thì ở nhiều trường tiểu học tại Hà Nội vẫn đang duy trì lối học đối phó trên. Với cách dạy và học văn như vậy, học sinh chẳng khác gì là... thợ chép!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.