Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu văn hóa kinh doanh, không thể ra biển lớn

Cù Xuân Trường| 12/10/2015 06:08

(HNM) - Ngày 13-10-1945, hơn một tháng sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam mới, nước Việt Nam của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho giới công thương nước nhà.

(HNM) - Ngày 13-10-1945, hơn một tháng sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam mới, nước Việt Nam của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho giới công thương nước nhà. Người viết: "...Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Vậy, tôi mong giới công thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập công thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân...". Và Người nhấn mạnh: "Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này...". Từ năm 2004, ngày 13-10 được chọn làm ngày Doanh nhân Việt Nam.

1. Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống đã mở đường cho hàng nghìn doanh nghiệp ra đời trong sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn xã hội. Thay vì những định kiến "con buôn", "gian thương" của một thời "ngăn sông, cấm chợ", "giới công thương" đã nhận được cái nhìn tích cực của xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã trở thành trụ cột của nền kinh tế, "là lực lượng chủ lực đi đầu thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...". Vấn đề đặt ra lúc này là: Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có thật sự xứng đáng với vai trò trụ cột trong công cuộc kiến tạo đất nước như kỳ vọng của toàn xã hội hay không? Đâu là động lực để doanh nghiệp nước nhà tiên phong ra "biển lớn"?...

Trước hết: Vì sao Việt Nam chưa có những thương hiệu được "định vị" toàn cầu như Toyota, Sony (Nhật Bản) hay Samsung (Hàn Quốc)...? Thẳng thắn mà nói, bên cạnh sự yếu kém về tiềm lực, chúng ta không có nhiều doanh nhân Việt Nam có tư duy chinh phục. Phần nhiều doanh nghiệp nước nhà không coi việc mang thương hiệu Việt Nam đi chinh phục thị trường thế giới là một sự thúc bách nội lực và lòng tự tôn dân tộc. Doanh nhân, doanh nghiệp được "nuôi dưỡng" quá lâu với tư duy bao cấp nên đa số thiếu tầm nhìn xa, không dám chịu trách nhiệm, không dám mạo hiểm trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, công nghệ... Do vậy, nếu ai đó nói rằng: Doanh nghiệp Việt Nam ra "biển lớn" bằng phi đội thuyền nan, thì "giới công thương" cũng chỉ có thể chạnh lòng.

Thực tế từ "đời sống" doanh nghiệp cho thấy, thay vì làm ăn lớn với mục tiêu kinh doanh lâu dài, không ít doanh nghiệp (nếu không muốn nói rất nhiều) đã và vẫn tư duy kiểu "đếm cua trong lỗ", kinh doanh theo kiểu "bóc ngắn, cắn dài". Nhiều doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận từ các khoản đầu cơ như chứng khoán, bất động sản, vàng bạc; lợi dụng sơ hở trong cơ chế chính sách của Nhà nước để "lách luật" kiếm chác hay lợi dụng các quan hệ cá nhân để "nhờ vả", "chạy chọt". Nhiều doanh nghiệp cạnh tranh bằng đủ thứ "mánh mung", sử dụng thủ đoạn tàn tệ để triệt hạ lẫn nhau. Khi có đồng ra, đồng vào, không ít thương nhân, "đại gia" vung mua giải thưởng, thuê mướn truyền thông đánh bóng tên tuổi..., rồi sắm xe sang trọng, cặp với "chân dài"... Khái niệm đạo đức kinh doanh, trách nhiệm doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh... không được mấy người quan tâm. Trong khi đó, những hành vi phi đạo đức, phản văn hóa trong kinh doanh chưa bị xử lý nghiêm khắc, chưa bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ. Thế nên sau vụ Vedan nhiều công ty vẫn ngang nhiên xả nước thải làm ô nhiễm môi trường, sau vụ nước tương xuất khẩu bị phát hiện có chất 3 - MCPD gây ung thư, người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với sự khủng khiếp của nạn thực phẩm bẩn...

Kinh doanh nhằm mục đích lợi nhuận, không ai bỏ vốn mà không tính tới lợi nhuận, nhưng kinh doanh cũng là khai thác nhu cầu của con người, phục vụ nhu cầu con người, kinh doanh theo kiểu "chụp giật", không từ bất kỳ thủ đoạn nào, sẵn sàng chà đạp lên mọi giá trị là thứ kinh doanh thiếu trách nhiệm, thiếu văn hóa. Vấn đề đáng nói là lối kinh doanh này vẫn tồn tại bởi vẫn có rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp coi mục đích kiếm tiền lớn hơn danh dự. Và ở một khía cạnh khác, kiểu láu cá vặt, vô trách nhiệm, tư duy tiểu nông chính là rào cản lớn nhất trên con đường phát triển của mỗi doanh nghiệp. Với những "khuyết tật" như vậy, doanh nghiệp Việt Nam không hội tụ được sức mạnh để cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường ngày càng nhiều sóng gió.

2. Làm thế nào để các doanh nghiệp nước nhà có chỗ đứng trong cuộc chiến thương trường đầy khốc liệt khi Việt Nam phải mở cửa thị trường và chấp nhận các "luật chơi" quốc tế? Chúng ta phải làm gì để cộng đồng doanh nghiệp thể hiện vai trò chủ lực, đi đầu trong công cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước? "Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế" và "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc..." (Nghị quyết số 33-NQ/TƯ). Đó là câu trả lời rõ ràng nhất và cũng là vấn đề cốt lõi cho "bài toán hội nhập".

Vậy văn hóa doanh nghiệp là gì, văn hóa doanh nhân là gì? Nên hiểu thế nào về văn hóa kinh doanh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay? Có rất nhiều điểm nhìn khác nhau đối với văn hóa doanh nghiệp, do vậy, cũng có rất nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm này. Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng để phát triển doanh nghiệp, được cấu thành bởi mục đích kinh doanh và phương pháp kinh doanh; là tổng hòa các quan niệm về giá trị được tạo ra từ đạo đức, ý tưởng kinh doanh, triết lý kinh doanh, mục đích kinh doanh, phương pháp kinh doanh... Văn hóa doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp của các quốc gia khác trên thế giới. Theo cách hiểu của nhiều người Việt Nam, văn hóa kinh doanh là cách ứng xử có văn hóa của doanh nhân, doanh nghiệp, là đạo lý, đạo đức của người kinh doanh... Và ở một khía cạnh khác, có thể nhìn nhận văn hóa kinh doanh là loại tài sản vô hình, là nguồn động lực, nếu biết phát huy, doanh nghiệp sẽ làm ăn phát đạt, nếu đánh mất nó, doanh nghiệp sẽ "thất bát", phá sản.

Hoạt động kinh doanh xuất hiện cùng với hoạt động kinh tế và văn hóa. Do vậy, khi văn hóa dân tộc hội nhập trong xu thế toàn cầu hóa thì văn hóa kinh doanh cũng không thể tách rời sự hội nhập đó. Để một quốc gia, một dân tộc không bị "hòa tan" trong một "thế giới phẳng", quốc gia đó, dân tộc đó phải xây dựng được tiềm lực kinh tế và phải bảo vệ được bản sắc văn hóa. Tương tự như vậy, để không bị "xóa tên" trên thị trường rộng mở với sự cạnh tranh khốc liệt của các công ty đa quốc gia, xuyên quốc gia, doanh nghiệp phải hội tụ được nguồn lực và có một nền tảng văn hóa kinh doanh. Khi đã ra "biển lớn", doanh nghiệp Việt Nam đương nhiên phải tuân thủ "luật chơi" khắt khe và thích ứng với những thông lệ quốc tế (được xem là tài sản chung và là một bộ phận cấu thành văn hóa kinh doanh của nhân loại) nhưng điều này không dễ đối với những doanh nhân quá nặng tư duy tiểu nông, làm việc thiếu chuyên nghiệp...

Mặt khác, khát vọng làm giàu của doanh nhân, doanh nghiệp hoàn toàn chính đáng và cần được trân trọng. Xã hội trân trọng, khuyến khích, cổ vũ những doanh nhân, doanh nghiệp làm giàu một cách chính đáng. Với doanh nhân, doanh nghiệp, chữ "tín" phải được đưa lên hàng đầu, phải trở thành triết lý tự thân trong quá trình hoạt động. Doanh nhân, doanh nghiệp phải coi văn hóa kinh doanh và trách nhiệm đối với xã hội là nền tảng cho phát triển bền vững. Thay vì cái lợi trước mắt, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cần phát huy niềm tự tôn dân tộc với khát khao làm giàu cho cộng đồng, cho Tổ quốc. Bởi lẽ "... việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng...".

3. Nếu coi doanh nghiệp như con tàu thì doanh nhân là thuyền trưởng, nếu thuyền trưởng không có tầm nhìn, không có kinh nghiệm, con tàu không thể vượt qua phong ba bão táp. Trên đường ra "biển lớn" không ít doanh nhân đã khẳng định tài năng, uy tín trong cộng đồng, không ít doanh nghiệp đã xây dựng được triết lý kinh doanh, trụ vững trên thương trường. Thế nhưng cũng có không ít doanh nhân thân bại danh liệt, vướng vòng lao lý; không ít doanh nghiệp chồng chất nợ nần hoặc đóng cửa, phá sản. Thương trường như chiến trường! Thương trường càng rộng, chiến trường càng khốc liệt. Nếu "đơn thương độc mã" doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ thúc thủ trước những thế lực kinh doanh xuyên quốc gia, giàu quyền lực.

Đồng hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình đổi mới để phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thực tế môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, giữa mong muốn của doanh nhân, doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn một khoảng cách khá xa, vẫn còn những câu chuyện "biết rồi, khổ lắm" như tư duy xin - cho, nạn "lót tay" hay sự thiếu minh bạch... Tóm lại là vẫn thiếu sự "tận tâm" từ những "công bộc". Có thể hiểu cách khác là tư duy công vụ, tư duy phục vụ chưa thể thay thế tư duy "ban ơn" cố hữu trong đội ngũ "công bộc". Môi trường kinh doanh tốt hay xấu, lạc hậu hay phát triển... tác động trực tiếp đến văn hóa kinh doanh. Để xây dựng một môi trường kinh doanh thực sự là động lực phát triển, doanh nhân, doanh nghiệp đặt hy vọng vào sự "tận tâm" của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển; xây dựng hệ thống pháp luật, cơ sở hạ tầng; mở rộng quan hệ ngoại giao, thúc đẩy kinh tế đối ngoại...

Kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay vào thời điểm chúng ta vừa hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Cơ hội đang mở ra cùng sức ép. Cơ hội không thể biến thành lợi ích, biến thành sức mạnh thị trường, nhưng sức ép cạnh tranh có thể trở thành động lực phát triển. Vấn đề đối với "giới công thương" lúc này là nhìn thẳng vào đội ngũ, nhận diện đúng thế mạnh để phát huy, "khuyết tật" để loại bỏ. Cùng với những dự báo chính xác về thị trường và những quyết định đầu tư ở tầm cao trí tuệ, việc xây dựng văn hóa kinh doanh (trên cơ sở giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và chủ động thích ứng với văn hóa thế giới) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện để hội nhập kinh tế quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu văn hóa kinh doanh, không thể ra biển lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.