Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu tiện ích công cộng cho người khuyết tật

Nhóm phóng viên| 08/04/2023 06:22

(HNM) - Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ và thành phố Hà Nội đều đặt mục tiêu đến năm 2025 là 80% công trình xây mới và 30% công trình cũ là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, cơ sở chữa khám bệnh bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn thành phố cho thấy, số người khuyết tật tự tham gia các hoạt động giao thông công cộng vẫn hạn chế do những tiện ích chưa được đồng bộ.

Đa số các xe buýt của thành phố chỉ có bậc lên xuống, không có đường dành cho xe lăn của người khuyết tật. Ảnh: Trọng Hiếu

Nhiều bất cập

Khảo sát tại các tuyến đường phố có vạch dẫn hướng cho người khuyết tật cho thấy hầu hết bị xâm phạm, chiếm dụng gây cản trở đến việc đi lại của người khuyết tật. Trên phố Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân) có nhiều đoạn vạch dẫn hướng cho người khuyết tật bị vỡ nát, gạch đá lổn nhổn, gập ghềnh. Trong bối cảnh hè, đường ở đây thường xuyên bị chiếm dụng thì phần đường cho người khuyết tật cũng không là ngoại lệ. Trong khi đó, tuyến phố Vũ Trọng Phụng (phía gần đường Nguyễn Trãi) mới được chỉnh trang mở rộng với 2 làn đường dẫn hướng cho người khuyết tật, nhưng khu vực này luôn trở thành chỗ để xe của các cửa hàng, cửa hiệu ở mặt phố. Phần đường dành cho người khuyết tật trước số nhà 62 phố Vũ Trọng Phụng đâm thẳng vào trạm biến áp của công trình hạ ngầm, khiến người khuyết tật có nguy cơ vấp ngã, tai nạn.

Tương tự, ở những tuyến phố khác như phố Đại La, Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) có đoạn đường dẫn hướng của người khuyết tật bị cột điện án ngữ. Tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai, Văn Cao mới chỉnh trang gần đây đã khắc phục được tình trạng đường đi của người khuyết tật bị chướng ngại vật cản trở bằng cách tạo lối đi vòng qua các hố ga, trạm biến áp hạ ngầm... nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng bị các nhà hàng, quán ăn chiếm dụng (đoạn trước số nhà 91 đến 97 phố Văn Cao), bị phương tiện dừng, đỗ chắn lối. Đặc biệt, lối đi cho người khuyết tật bị ngắt quãng ở trước các tòa nhà cao tầng như Lotte, số 9-11 phố Liễu Giai, 29 phố Liễu Giai... do các tòa nhà này sử dụng gạch lát vỉa hè thiết kế riêng.

Lối đi cho người khuyết tật trên đường Nguyễn Chí Thanh bị chiếm dụng làm chỗ để xe. Ảnh: Ngân Thùy

Chị Lê Thị Bội Hương, một người khiếm thị ở phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân) cho biết: "Tuy nhiều tuyến đường đã có kẻ vạch cho người khiếm thị nhưng tôi chỉ dám đi bộ ở đoạn ngắn và quen thuộc, còn lại thường nhờ người thân, thuê "xe ôm" chở đi cho an toàn". Còn theo anh Nguyễn Mạnh Thắng (quận Ba Đình) nhiều tuyến vỉa hè khá rộng nhưng người dùng xe lăn không thể đi lên được vì nhiều lối mở không vừa chiều rộng xe lăn và bậc lên xuống khá cao, độ dốc lớn. Đáng buồn hơn, nhiều khu vực sân chơi, công viên, vườn hoa đặt thanh chắn để ngăn phương tiện giao thông đi vào nên cũng đồng thời ngăn cản cả xe lăn của người khuyết tật.

Chia sẻ về những bất cập này, Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân Nguyễn Tiến Thành cho biết, hiện tại nhiều công trình chưa có đường dành riêng cho người khuyết tật, xe buýt chỉ có bậc lên xuống mà không có đường cho xe lăn tiếp cận, hệ thống loa báo trên xe buýt hầu như bị tắt. Hầu hết cầu thang máy ở các tòa nhà cao tầng, chung cư chưa có loa, phím bấm tầng không có chữ nổi báo hiệu dành cho người khiếm thị...

Bảo đảm quyền của người khuyết tật

Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, công tác tiếp cận giao thông đối với người khuyết tật đã có những cải thiện trong thời gian qua như miễn, giảm giá vé; sửa chữa, bổ sung các hạng mục công trình giao thông, trang thiết bị cho người khuyết tật theo tiêu chuẩn quốc gia; tổ chức tập huấn người điều hành, lái xe, nhân viên phục vụ nâng cao chất lượng phục vụ người khuyết tật đi kèm với kiểm tra, xử phạt nghiêm minh. Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn soát xét quy chuẩn Việt Nam và ban hành quy chuẩn mới, đưa ra yêu cầu lối thoát nạn trong các công trình nhà ở và công trình công cộng phải bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận, sử dụng.

Để bảo đảm quyền của người khuyết tật được tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội, Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân Nguyễn Tiến Thành kiến nghị, các công trình khi xây dựng cần được giám sát và có sự tham vấn của tổ chức người khuyết tật để bảo đảm hiệu quả sử dụng cao.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam Nguyễn Văn Hồi cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện hiệu quả Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030; tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác truyền thông, phổ biến Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, chính sách, pháp luật về người khuyết tật; đồng thời triển khai các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người khuyết tật. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tổ chức kiểm tra hoạt động trợ giúp người khuyết tật tại một số bộ, ngành và địa phương; tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về việc thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình bảo đảm tiếp cận sử dụng của người khuyết tật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu tiện ích công cộng cho người khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.