Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu sự phối hợp ba bên

Thanh Hiền| 04/06/2014 06:49

Cuộc vận động (CVĐ)


Hàng giả, hàng nhái tràn lan

Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công thương) cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái nhập lậu vào Việt Nam ngày càng nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến CVĐ nói chung, đến nhà sản xuất và NTD trong nước nói riêng. Riêng quý I-2014, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra gần 40.000 trường hợp, xử lý hơn 25.000 vụ, với tổng số tiền phạt lên đến 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhận định, con số này vẫn quá nhỏ so với thực tế đang diễn ra, cho thấy mức độ nghiêm trọng của nạn hàng giả, hàng nhái.

Hàng Việt Nam đã chiếm lĩnh được thị trường trong nước nhưng có nhiều nguy cơ bị làm nhái, làm giả.Ảnh: Bá Hoạt



Một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu quả của công tác chống hàng giả, hàng nhái thời gian qua là do nhiều DN chưa quan tâm đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình. Thậm chí, nhiều DN mặc dù biết mình bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng lại không hợp tác với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn do e ngại việc tố cáo hàng giả, hàng nhái sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín và doanh thu từ sản phẩm của mình khi NTD chưa thực sự phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Trong khi đó, theo quy định, để xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, dứt khoát phải có sự tham gia của các DN có quyền sở hữu, vì DN mới có đủ căn cứ pháp lý bảo hộ quyền của mình, có đủ căn cứ xác định vi phạm quyền và đề nghị xử lý vi phạm, xác nhận hàng hóa xâm phạm khi cơ quan chức năng bắt giữ.

Ngoài ra, những năm gần đây do tốc độ đô thị hóa nhanh, sản xuất nông nghiệp không mang lại giá trị cao nên đã xuất hiện nhiều làng nghề làm hàng giả. Đã có một số địa bàn làm thuốc chữa bệnh giả bằng cách bóc nhãn thuốc nội và dán nhãn thuốc ngoại vào tiêu thụ, thu lợi nhuận bất chính rất lớn… Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương còn lợi dụng CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để lấy hàng Trung Quốc rồi gắn mác của các DN uy tín trong nước nhằm đánh lừa người mua. Ngoài những lý do trên, còn do sự kết hợp giữa cơ quan kiểm định và DN chưa chặt chẽ khiến một lượng lớn hàng giả, hàng nhái bị bỏ lọt trong thời gian qua. Nhiều DN phản ánh, một số vụ việc được phát hiện, song cơ quan kiểm định chất lượng đã không thực hiện kiểm định được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Trong khi theo quy định nếu không kiểm định được thì khó có thể quy đó là hàng giả, hàng nhái.

DN cần chủ động thông tin cho lực lượng chức năng

Biện pháp chống hàng giả phổ biến của các DN hiện nay là sử dụng tem chống giả gắn trên sản phẩm và sử dụng mã số, mã vạch in trên tem nhãn sản phẩm; thông tin tuyên truyền về phân biệt hàng thật - hàng giả cho NTD; phối hợp với lực lượng chức năng để kiểm tra và xử lý những DN làm giả… Tuy nhiên, sự phối hợp chưa đồng bộ nên vẫn có một lượng tem giả tung ra thị trường, khiến hàng giả vẫn có đất sống. Nhiều DN chưa quan tâm chống hàng giả, thậm chí có DN còn chậm trễ hoặc không muốn làm việc với cơ quan chức năng khi được thông báo là hàng hóa của họ bị vi phạm bản quyền. Hiện nhiều DN Việt Nam chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Số lượng sản phẩm đăng ký bảo hộ thương hiệu của Việt Nam tại nước ngoài rất ít, chỉ có khoảng 490 nhãn hiệu. Trong khi đó, có tới hơn 30.000 nhãn hiệu từ các nước đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Theo đại diện Ban An ninh và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Unilever Việt Nam, một số sản phẩm của Unilever như kem đánh răng PS, bột giặt OMO… đã bị làm giả. Trước tình hình đó, Unilever đã chủ động phối hợp với lực lượng QLTT để cung cấp thông tin về tình trạng hàng của DN bị làm giả và cách nhận biết hàng thật, hàng giả.

Để nâng cao công tác chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu, bên cạnh việc tăng cường năng lực của các cơ quan phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu như QLTT, hải quan, công an, thanh tra chuyên ngành các cơ quan có liên quan… thì cần phải đẩy mạnh hơn hoạt động chống tiêu cực trong các cơ quan này. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hàng tiêu dùng được sản xuất trong nước, nâng cao nhận thức của NTD về sự phá hoại nền sản xuất, kìm hãm sự phát triển kinh tế đất nước của hàng giả, hàng nhái; xây dựng các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn hàng hóa chất lượng thấp, hàng giá rẻ từ bên kia biên giới tràn vào Việt Nam. Về phía DN, trước hết DN cần cung cấp cho lực lượng QLTT các thông tin về sở hữu trí tuệ, mặt hàng sai phạm… Đồng thời, chủ động bảo vệ mình bằng cách nghiêm túc thực hiện các quy định về công bố chất lượng sản phẩm hàng hóa, phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn và xử lý tận gốc hàng giả, hàng nhái. Mặt khác, bản thân các DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh về giá cả, mẫu mã hàng hóa, chủ động cung cấp thông tin để khách hàng phân biệt được hàng thật với hàng giả, hàng nhái; phát triển hệ thống bảo hành, bảo dưỡng sản phẩm và chăm sóc khách hàng. Nếu ưu tiên dùng hàng Việt là biểu hiện thái độ yêu nước của NTD, thì sản xuất ra hàng Việt có chất lượng, phù hợp với thị hiếu và thu nhập của người dân cũng là thể hiện tinh thần yêu nước của DN và doanh nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu sự phối hợp ba bên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.