(HNM) - Để khẳng định vị trí của một trường đại học (ĐH) nghiên cứu trong phân tầng giáo dục ĐH theo xu hướng hiện nay, nguồn lực các nhà khoa học trẻ là yếu tố vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, những chính sách khuyến khích, thu hút lực lượng này còn đang ở những bước đi đầu tiên.
Khởi đầu khó khăn
Xương sống của đội ngũ những người làm khoa học trẻ chính là những sinh viên tài năng tốt nghiệp từ các trường ĐH trong và ngoài nước. Thế nhưng, con số thống kê gần đây cho thấy có tới 70% du học sinh muốn ở lại nước ngoài làm việc sau khi tốt nghiệp. Điều này, theo một chuyên gia giáo dục ĐH, là do chúng ta thực hiện chiến lược phát triển người tài chưa mang tính xuyên suốt từ đào tạo cho tới sử dụng. Chuyên gia này cho rằng, những biện pháp đã áp dụng trong việc sử dụng nhân tài lâu nay đều chưa xứng tầm chiến lược quốc gia, mà chỉ có tính thời vụ, manh mún. Việc tặng thưởng hay trao học bổng chỉ mang tính khuyến khích, vấn đề là khi sinh viên tốt nghiệp, về nước, nếu không được trọng dụng thì họ sẽ lại ra đi. Nói như người xưa rằng "thiếu rừng thì hổ sẽ đi".
Ngay cả khi các trường thu hút được các tài năng trẻ, thì việc phát huy một cách hiệu quả khả năng, chất xám của họ cũng là một vấn đề lớn. Một thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2006-2010 chỉ có 8 cán bộ giảng dạy dưới 45 tuổi thuộc các trường ĐH tham gia chủ trì các đề tài, dự án thuộc các chương trình trọng điểm (chiếm tỷ lệ dưới 0,25%). Rất ít nhiệm vụ KH&CN có người chủ trì là cán bộ giảng dạy. Trong khi đó, ở các trường ĐH lớn, số lượng cán bộ giảng dạy trẻ, dưới 45 tuổi không ngừng tăng lên. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có số cán bộ khoa học dưới 37 tuổi chiếm 52%. Số cán bộ khoa học dưới 35 tuổi ở Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) chiếm 39%... Là cái nôi đào tạo nhân tài, tỷ lệ các nhà khoa học trẻ ở các trường ĐH không phải là nhỏ, song còn thiếu tính kế thừa từ các thế hệ đi trước, ít được tôi luyện trong nghiên cứu.
Theo TS Ngô Đức Thế (ĐH Quốc gia Singapore), bên cạnh những rào cản về cơ chế, các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam luôn gặp nhiều khó khăn khi bắt tay vào xây dựng nhóm nghiên cứu. Họ phải có biên chế chính thức tại trường, sau đó mới có được các đề tài. Việc xin được các khoản kinh phí đầu tư lớn đối với các nhà khoa học trẻ mới bắt đầu sự nghiệp để xây dựng một nhóm nghiên cứu ở Việt Nam là rất khó. Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia chỉ có thể trang trải một phần kinh phí cho đề tài trong một thời gian chỉ khoảng 2-3 năm. Họ cũng phải tận dụng trang thiết bị, cơ sở vật chất có sẵn cho nghiên cứu của mình thay vì xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ.
Cần tạo dựng môi trường bình đẳng
Từ góc nhìn của một nhà khoa học, TS Ngô Đức Thế đưa ra một số giải pháp cụ thể trong việc đầu tư khoa học với kỳ vọng có thể hút được nguồn chất xám chất lượng cao đang làm việc ở nước ngoài cũng như khích lệ các nhà khoa học trẻ trong nước đang gặp nhiều khó khăn. Theo đó, quy trình đánh giá lý lịch khoa học và kế hoạch nghiên cứu của ứng viên nên được đánh giá bởi các chuyên gia độc lập thay vì sử dụng hội đồng ngành toàn quyền chấm điểm như từ trước tới nay. Lứa tuổi ứng viên chỉ nên dưới 40. Khi được trường ĐH bảo trợ cho kế hoạch này, nhà khoa học sẽ được toàn quyền chọn cộng sự cho hướng nghiên cứu, được cấp kinh phí 1-2 triệu USD cho mỗi chương trình trong vòng 5-6 năm. Để có thể làm như vậy, trước hết cần minh bạch hóa các khâu xét duyệt, chuyên nghiệp hóa các khâu phản biện xét duyệt đề tài, đồng thời cải cách thủ tục nộp hồ sơ.
Đánh giá cao việc chính sách khuyến khích tài năng trẻ đang dần đi vào cuộc sống nhưng nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh tới tính bình đẳng trong hoạt động nghiên cứu khoa học. TS Tạ Hải Tùng, Giám đốc Trung tâm Navis, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thẳng thắn: "Gần đây, người ta hay nói nhiều đến việc trọng dụng/ưu tiên các nhà khoa học trẻ. Về mặt cá nhân, tôi không thích dùng những từ này". Theo TS Tạ Hải Tùng, ngoài việc quan trọng hàng đầu là phải tạo điều kiện để các nhà khoa học có thể sống được bằng nghiên cứu, cần phải đối xử với tất cả các nhà khoa học một cách bình đẳng. Sự công bằng, bình đẳng đó, trước hết nên bắt đầu bằng việc xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học; thay vì phụ thuộc vào học hàm, học vị, hội đồng cần đánh giá năng lực dựa trên chất lượng các nghiên cứu và sản phẩm của họ trước đó. Việc xét duyệt phải diễn ra một cách công khai, minh bạch, với vai trò của các phản biện độc lập đến từ nhiều thành phần gồm nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý, ở trong nước hoặc từ nước ngoài.
Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, TS Hà Thanh Toàn: ĐH Cần Thơ có khoảng 400 cán bộ nghiên cứu không có biên chế. Họ ký hợp đồng thực hiện các đề tài, dự án, làm việc 2-3 năm rồi được cử đi học tiến sĩ ở nước ngoài. Khi trở về, các tiến sĩ được nhà trường tiếp nhận vào biên chế, được ưu tiên làm một đề tài cấp trường trong 2 năm để làm quen lại với môi trường nghiên cứu khoa học trong nước. Họ được tạo điều kiện làm việc ban đầu với một chiếc laptop và một căn nhà đàng hoàng. Hiện nay, ĐH Cần Thơ đầu tư cho mỗi cán bộ nghiên cứu 7 triệu đồng/người/năm với kinh phí 8,5 tỷ đồng cho các đề tài. Mô hình này tỏ ra hiệu quả hơn hẳn chính sách "trải thảm đỏ" của các địa phương. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.