(HNM) - Tiện lợi, tiết kiệm thời gian... là những ưu điểm không thể phủ nhận của hình thức mua bán hàng qua mạng. Tuy nhiên, tình trạng lừa đảo bán hàng kém chất lượng, hàng giả qua mạng hay người mua mất tiền mà không có hàng vẫn liên tiếp xảy ra.
Đội bán hàng và đưa hàng online của Fivimart.
Hình thức mua bán qua mạng đã phát triển ở nước ta từ nhiều năm nay. Ưu điểm của loại hình kinh doanh này là thông qua internet, người mua có thể xem hàng, đặt hàng, thanh toán, nhận hàng, mà không cần phải đến tận nơi bán, với giá rẻ hơn do người bán không mất chi phí cho việc thuê cửa hàng, điện, nước... Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề khiến NTD lo ngại là sự xuất hiện của nhiều website mua bán theo kiểu rao vặt không đủ tin cậy. Thông thường, trên các website người bán đưa lên mạng giới thiệu ảnh và thông tin về sản phẩm đang có hoặc sắp có, người mua thấy ưng ý thì đặt trước 30-50% giá tiền, khi nhận được hàng sẽ giao nốt số tiền còn lại. Nhiều trường hợp, NTD còn đưa trước 100%, nhưng khi nhận sản phẩm không như mong muốn. Lúc này, người mua chỉ có số điện thoại hoặc nickname của người giao hàng, nên không tìm được người bán để trả hoặc đổi hàng. Khách hàng cũng không có hóa đơn làm bằng chứng cho việc mua hàng để có thể khiếu nại với các ngành chức năng.
Được biết, quy trình đăng ký tài khoản để kinh doanh trên các trang mạng hiện khá đơn giản. Người bán chỉ cần đăng ký tạo "cửa hàng" bằng cách kê khai với nhà cung cấp mạng thông tin về người đứng tên kinh doanh, nơi bán, điện thoại cửa hàng, giấy tờ chứng minh sau 14 ngày đăng ký. Mặc dù, các nhà cung cấp mạng đều có nội dung quy định cụ thể với các thành viên đăng ký về chất lượng hàng hóa, kinh doanh hợp pháp. Nhưng, thực tế những quy định đó chỉ là hình thức khi nhiều website vẫn rao bán, giới thiệu về sản phẩm quá mức thực tế, nhưng lại giao cho khách hàng sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo. Thậm chí, thông tin về người rao hàng cũng không được kiểm định, dẫn đến tình trạng xuất hiện hàng loạt những website đăng thông tin ảo, lừa đảo khách hàng. Trong khi đó, với các ngành chức năng việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng các loại hàng hóa bán qua mạng thực sự là vấn đề nan giải. Theo các ngành chức năng, hình thức lừa bán hàng qua mạng không mới, đối tượng này vẫn có thể chịu trách nhiệm hình sự với các tội danh liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Song, để truy tố các đối tượng đó lại không đơn giản, vì chủ yếu là giao dịch bằng lòng tin không có hóa đơn. Hơn nữa, những quy định về hình thức kinh doanh này chưa rõ, nên NTD thường chịu thiệt...
Thông tư số 46 năm 2010 của Bộ Công thương đã có quy định về trách nhiệm của các DN, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, có quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa thương nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người mua hàng thông qua hợp đồng thỏa thuận. Nhưng, thông tư này lại chưa có quy định buộc chủ website phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tranh chấp. Thực tế, hiện nay nhiều diễn đàn chỉ làm khâu trung gian, chứ không kiểm soát được thông tin thật về chất lượng hàng hóa. Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển mạnh, NTD ngày càng ưa chuộng kênh mua sắm trực tuyến. Vì vậy, để tránh bị lừa qua mạng NTD cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm; thông tin và chính sách của người bán, hình thức vận chuyển, thanh toán. Đồng thời, thỏa thuận chính sách hoàn lại hàng nếu nhận được không đúng sản phẩm yêu cầu. NTD nên chọn sản phẩm trên những website uy tín có tích hợp cổng thanh toán trực tuyến trung gian để được bồi hoàn lại toàn bộ số tiền nếu giao dịch gặp rủi ro. Mặt khác, các ngành chức năng cần sớm hoàn thiện các quy chế, tăng cường quản lý hoạt động bán hàng qua mạng để bảo vệ quyền lợi NTD.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.