(HNM) - Kết quả công tác thi hành án dân sự (THADS) 6 tháng đầu năm cho thấy, toàn ngành thi hành xong trên 148.000 vụ, đạt tỷ lệ hơn 54%. Tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt ở một số địa phương như Tây Ninh, Ninh Thuận, Hưng Yên... lượng án được thi hành rất hạn chế. Mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến sự thụt lùi này, nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết địa phương vẫn chưa được cấp đủ số cán bộ so với yêu cầu. Hiện cả nước có 61/63 đơn vị có cục trưởng THADS, 62 tỉnh, TP đã bổ nhiệm cấp phó với 113 người. So với số lượng cấp phó theo quy định thì toàn quốc thiếu 33 phó cục trưởng. Các vị trí như chánh, phó văn phòng, trưởng, phó các phòng nghiệp vụ, tổ chức cán bộ, kiểm tra khiếu nại, tố cáo cũng khuyết và thiếu nhiều. Đặc biệt, ở cấp chi cục, cả nước còn thiếu tới 272 phó chi cục trưởng. Riêng đối với đội ngũ chấp hành viên, hiện ta có hơn 3.000 chấp hành viên, tuy nhiên con số này vẫn rất thiếu so với yêu cầu. “Cơn khát” cán bộ đang không chỉ rơi vào những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa mà diễn ra ngay tại Hà Nội, ở nhiều quận trong nội thành do thiếu chấp hành viên nên số vụ việc được giao trên một người lớn (Ba Đình 173 việc/người/năm; Đống Đa 185 việc/người/năm; Hoàn Kiếm 166 việc/người/năm). Nguy nhất là Hải Phòng, mỗi năm toàn TP phải thụ lý 15-16.000 vụ án trong khi chỉ có 69 chấp hành viên. Tính ra, bình quân mỗi năm 1 chấp hành viên phải thi hành từ 230 đến 250 việc, cá biệt một số đơn vị từ 400 đến 500 việc.
Thiếu người nên bộ máy THA hoạt động ì ạch, nhiều nội dung quan trọng được triển khai rất chậm. Trong đó có đề án giảm án tồn đọng đến nay đã không kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba như dự kiến. Một số thông tư phục vụ trực tiếp công tác THA lẽ ra phải ban hành rồi cũng vẫn đang soạn thảo khiến tình trạng án tồn đọng từ năm cũ sang năm mới càng nhiều. Một số quy định của pháp luật có liên quan đến công tác THA (về chuyển nhượng đất đai, tài sản, công chứng, đấu giá tài sản...) chưa thống nhất, còn nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết việc THA, nhiều vụ việc phải kéo dài nhiều năm.
Đáng tiếc là vấn đề này chưa được Bộ Tư pháp quan tâm đúng mức nên tình trạng "thiếu quân, thiếu tướng" đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết thấu đáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.