Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu liên kết, nghèo sản phẩm

Minh Ngọc| 24/06/2012 06:43

(HNM) - Như Hànộimới đã đưa tin, Thành ủy Hà Nội và Thành ủy Hải Phòng, hai địa phương có thế mạnh phát triển du lịch khu vực Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) vừa họp bàn phối hợp tổ chức Năm Du lịch quốc gia khu vực ĐBSH 2013 - diễn ra tại Hải Phòng.

Làm thế nào để cung ứng được ngày càng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn ra thị trường, làm thế nào để tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong việc khai thác tiềm năng du lịch là những vấn đề được hai địa phương bàn thảo nhiều nhất. Đây cũng là nỗi băn khoăn của đoàn công tác thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam sau chuyến khảo sát tại một số tỉnh, thành phố khu vực ĐBSH vừa qua.

Hà Nội chú trọng khai thác các giá trị truyền thống, nhằm phát triển du lịch văn hóa, thu hút khách. Ảnh: Gia Hiếu


Vẫn rõ tính manh mún, mùa vụ

Khu vực ĐBSH có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, từ du lịch biển đảo, văn hóa, tâm linh, ẩm thực, làng nghề cho tới du lịch cộng đồng, sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện. Thế nhưng, các tỉnh, thành phố trong khu vực này vẫn chưa khai thác được những thế mạnh này để phát triển du lịch.

Ngay Thủ đô Hà Nội, địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nhất trong khu vực thì sản phẩm du lịch vẫn nghèo nàn, trùng lắp, nhiều điểm du lịch làng nghề cả năm chỉ đón vài chục lượt khách tham quan. Khu du lịch sinh thái Ba Vì với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa phong phú, có thể khai thác phục vụ du lịch quanh năm cũng rơi vào tình trạng phát triển mùa vụ, tự phát. Theo thống kê, khách đến Ba Vì chi tiêu chưa đến 100.000 đồng/người/lượt… Tại buổi làm việc giữa Hà Nội và Hải Phòng, ông Đoàn Duy Linh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hải Phòng cho biết: "Hải Phòng mới phát triển du lịch bình dân, chưa có sản phẩm sâu về du lịch, chưa tự kết nối được các tour, hầu hết các tour kết nối đều phải qua Hà Nội".

Là quê hương quan họ, cận kề Thủ đô Hà Nội, mỗi năm Bắc Ninh chỉ đón vài trăm nghìn lượt khách, doanh thu từ du lịch khoảng hơn 100 tỷ đồng (năm 2011 đón 196.000 lượt khách, doanh thu 125 tỷ đồng). Ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở VH, TT&DL Bắc Ninh nói: "Khách đến Bắc Ninh theo mùa vụ, tập trung vào hội Lim, hội đền Bà Chúa Kho dịp đầu xuân, thời gian còn lại hầu như không có".

Không riêng gì Bắc Ninh, lượng khách đến Nam Định, Hà Nam, Thái Bình cũng chủ yếu tập trung vào dịp lễ hội đầu xuân trong khi các tỉnh này còn có thế mạnh về du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng, ẩm thực. Theo ông Lê Văn Minh, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các địa phương mới chỉ khai thác tiềm năng sẵn có ở quy mô hạn chế, thiếu sự gắn kết du lịch vùng ĐBSH với các khu vực khác. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm du lịch tại một số địa phương chưa cao, chưa phù hợp từng loại đối tượng du khách; lực lượng kinh doanh lữ hành còn ít về số lượng, nhỏ về quy mô, yếu về nghiệp vụ nên không đủ khả năng thu hút khách trực tiếp đến với địa phương.


Khu du lịch sinh thái Vân Long (Ninh Bình) thu hút khách tham quan. Ảnh: Yến Ngọc


Liên kết để tạo sự đa dạng, hấp dẫn

Trên cơ sở phân tích đặc điểm tài nguyên du lịch vùng ĐBSH, ông Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch cho rằng: "Để du lịch khu vực ĐBSH phát triển bền vững thì sản phẩm du lịch là một trong những yếu tố quyết định". Nhóm sản phẩm du lịch đặc thù của vùng cần phát triển là du lịch văn hóa, trong đó chú trọng khai thác các giá trị văn hóa đã được thế giới tôn vinh như dân ca quan họ, ca trù, Di tích Hoàng thành Thăng Long… Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa truyền thống làng quê Việt, cái nôi văn minh lúa nước ĐBSH cũng cần được chú trọng bởi điều này sẽ tạo nên sự khác biệt về sản phẩm du lịch giữa vùng ĐBSH với các vùng khác.

Với mong muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều địa phương khu vực ĐBSH đã và đang đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hoàn thiện hạ tầng du lịch, phát triển hệ thống dịch vụ để hút khách tham quan. Tỉnh Hà Nam đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch hồ Ba Hang, Tam Chúc - Ba Sao, đền Trần Thương, đền Lảnh Giang; điểm du lịch nhân văn Nam Cao… với kinh phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ninh Bình chú trọng xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên, phấn đấu đến năm 2015 có 20 khách sạn từ 3 đến 5 sao với 2.500 phòng; đầu tư phát triển du lịch làng nghề, du lịch homestay; hoàn thiện mô hình quản lý quần thể danh thắng Tràng An, Bái Đính, khu du lịch sinh thái Vân Long. Nam Định sẽ triển khai thực hiện một số dự án phát triển các khu du lịch biển như Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Bắc Ninh phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như: Khu du lịch Miền Quan họ, khu du lịch Đền Đầm, khu du lịch Làng quê Việt Vạn Ninh…

Với vai trò "anh cả", Thủ đô Hà Nội ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa cùng với việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung vào Công viên lịch sử văn hóa Hoàng thành Thăng Long; phát triển không gian du lịch đặc thù tại khu phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, khu du lịch văn hóa lễ hội và thắng cảnh Hương Sơn, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí phức hợp ở sườn tây núi Ba Vì…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam, "Hà Nội, Hải Phòng cùng các tỉnh trong khu vực liên kết khai thác tiềm năng, thế mạnh một cách có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trùng lắp về loại hình, dịch vụ, sản phẩm; phấn đấu đưa du lịch trong khu vực phát triển bền vững vào năm 2020". Chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia, trước mắt Hà Nội sẽ phối hợp với Hải Phòng và các tỉnh bạn quảng bá tiềm năng du lịch, tìm bạn hàng, hoàn thiện chương trình tour, kết nối tour, trao đổi và cung cấp sản phẩm làng nghề...

Đánh giá cao tinh thần chủ động của các tỉnh, thành phố, song ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, ngành du lịch khu vực ĐBSH phải tạo sự liên kết chặt chẽ hơn nữa, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội chợ thương mại... Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý du lịch, nâng cao chất lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các điểm đến.

Năm Du lịch quốc gia khu vực ĐBSH 2013 đang đến gần, là cơ hội để các địa phương trong khu vực quảng bá tiềm năng, giới thiệu bản sắc và liên kết phát triển du lịch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu liên kết, nghèo sản phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.