(HNM) - “Sự hình thành hàng loạt khu dân cư, nhà máy bám dọc theo các tuyến quốc lộ, nhưng lại thiếu sự kiểm soát trong quản lý quy hoạch, xây dựng đã hình thành nhiều điểm mở qua đường tạo xung đột giao thông. Trong khi đó, ý thức của người điều khiển phương tiện còn hạn chế là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới nhiều vụ tai nạn giao thông trong thời gian qua”.
Đó là quan điểm được ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới chiều 24-7.
- Những ngày qua, trên một số tuyến quốc lộ đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, ông có thể cho biết rõ về vấn đề này?
- Trong những ngày gần đây, tại một số tuyến quốc lộ đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như khiến nhiều người lo ngại. Cụ thể, chỉ trong ngày 23-7, trên tuyến quốc lộ 5 đoạn thuộc địa phận huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông, làm chết tổng cộng 7 người và 2 người bị thương. Trong đó, vụ xe tải chở nước mang biển kiểm soát 29H-150.97 bị lật làm 5 người chết gây chấn động xã hội, bởi đây là vụ có số người qua đường tử vong lớn nhất từ trước đến nay.
Cũng trong ngày 23-7, trên tuyến quốc lộ 2 thuộc địa phận huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) cũng xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa ô tô khách mang biển kiểm soát 15B-027.92 và ô tô đầu kéo mang biển kiểm soát 29C-907.95 kéo theo rơ moóc 29R-076.81 làm 2 người chết và nhiều người khác bị thương.
Qua phân tích các vụ tai nạn cho thấy, với 3 vụ ở Hải Dương, các lái xe đều không vi phạm về tốc độ, không có nồng độ cồn, ma túy, phương tiện còn hạn kiểm định. Vụ ở Tuyên Quang cũng vậy. Có thông tin cho rằng, có yếu tố xe lấn làn, tuy nhiên còn chờ kết luận chính thức từ cơ quan điều tra. Song, các vụ tai nạn nói trên đều có nguyên nhân lái xe thiếu chú ý quan sát, đặc biệt là vụ lật xe làm chết 5 người ở Hải Dương.
Kết luận ban đầu cho thấy, tài xế đã đi vào khu vực có lực lượng chức năng đang chỉ huy, điều tiết giao thông để bảo vệ hiện trường của vụ tai nạn trước đó, nhưng thiếu tập trung đã gây ra tai nạn.
- Ngoài các nguyên nhân trên, phải chăng tình trạng các khu dân cư bám dọc các tuyến quốc lộ cũng là một trong những lý do khiến gia tăng tai nạn giao thông, thưa ông?
- Lái xe thiếu quan sát là một nguyên nhân, song tôi cho rằng nguyên nhân chính là sự phát triển thiếu kiểm soát trong quản lý quy hoạch, xây dựng của các khu dân cư ven đường. Sau khi mở rộng, nâng cấp quốc lộ 5 lên thành 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ thì hình thành nhiều khu dân cư bám sát mép đường. Cùng với đó, các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp cũng mở ra nhiều để thuận tiện vận chuyển hàng hóa.
Về nguyên tắc, khi quy hoạch, xây dựng một khu dân cư mới, các cấp chính quyền địa phương phải quy hoạch, làm đường gom để bảo đảm an toàn, nhưng điều này đã không được thực hiện nghiêm. Sự buông lỏng quản lý này còn dẫn tới nhiều trường hợp người dân xây dựng, chiếm dụng cả hành lang an toàn giao thông. Không chỉ quốc lộ 5, từ Bắc đến Nam, từ Đông sang Tây, các tuyến quốc lộ đều xảy ra tình trạng này.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý đường cũng chưa làm tốt nhiệm vụ. Với các khu dân cư đã có từ trước khi mở rộng đường thì đã cắm biển hạn chế tốc độ, nhưng các khu dân cư mới lại đang tồn tại nhiều bất cập. Nhu cầu đi lại tăng lên dẫn tới phải có nhiều điểm mở để qua đường, nhưng lại thiếu biển cảnh báo khu đông dân cư, biển hạn chế tốc độ, thiếu gờ giảm tốc... Đây là những vấn đề cấp bách cần phải giải quyết.
- Theo ông, trước mắt cũng như lâu dài cần có những giải pháp nào để khắc phục vấn đề này?
- Đối với quốc lộ 5, Bộ Giao thông - Vận tải và nhà đầu tư là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam đã thống nhất lập dự án trung tu gồm thảm lại mặt đường, làm lại vạch sơn, biển báo giao thông... Ngay chiều 23-7, trong công điện, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu, những chỗ nào có khu dân cư phải cắm biển ngay.
Chỗ nào có điểm mở dải phân cách thì làm gờ giảm tốc để cảnh báo. Chỗ nào lưu lượng đủ lớn thì bố trí cầu vượt nhẹ cho phương tiện qua đường. Chỗ nào cần thiết thì phải làm đường gom để thu bớt từ 3 đến 4 điểm mở xuống còn 1 điểm mở...
Cùng với đó rà soát lại toàn bộ các quốc lộ trọng điểm trên địa bàn cả nước, từ quốc lộ 1, quốc lộ 5, quốc lộ 51..., nơi nào có tình trạng này phải xử lý ngay. Thậm chí, có những nơi cần thiết phải lập dự án nâng cấp, mở rộng. Bên cạnh đó là tăng cường tuyên truyền vận động, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.