(HNM) - Trong khi bệnh viện (BV) công luôn trong tình trạng quá tải thì BV tư nhân lại chưa sử dụng hết công suất dù cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân cần phải có sự hợp tác giữa hai loại hình BV công - tư.
Bên thiếu, bên thừa
Tại hội nghị "Tăng cường phối hợp giữa BV nhà nước và BV tư nhân, thực hiện đề án giảm tải bệnh viện của Thủ tướng Chính phủ" vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, PGS,TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, trong khi các BV công luôn quá tải thì công suất sử dụng BV tư luôn dư thừa. Các BV tư nhân chỉ sử dụng 40% - 60% cơ sở vật chất; công suất giường bệnh thấp. Tỷ lệ khám chữa bệnh của BV tư nhân cũng rất thấp, với khoảng 7% điều trị ngoại trú và 6% điều trị nội trú. Các BV tư nhân cũng chỉ phục vụ khoảng dưới 4% lượt khám bảo hiểm y tế.
Chính vì sự quá tải ở BV công và dư thừa ở BV tư nên dù chưa có cơ chế quy định rõ ràng về hợp tác công - tư giữa các BV nhưng nhiều đơn vị, nhất là tại TP Hồ Chí Minh đã hợp tác trong công tác khám chữa bệnh. Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy Phạm Thị Ngọc Thảo, cho biết, BV này đã hợp tác với các BV tư nhân qua 3 hình thức: Hợp tác chuyên môn với 14 BV; hợp tác giảm tải bệnh nhân nội trú (6 BV, trong đó có 2 BV tư nhân); hỗ trợ chuyên môn gửi mẫu xét nghiệm lâm sàng (với 3 BV trong đó có 2 BV tư nhân). Theo BS Phạm Thị Ngọc Thảo, năm 2013 công suất giường bệnh của BV này là 135% (khoa có công suất cao nhất là 170%) nên việc liên kết giảm tải giải quyết được rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên, việc này hiệu quả còn thấp khi BV Chợ Rẫy mới hợp tác với 2/6 BV nhằm giải quyết tình trạng quá tải và năm 2013 chỉ chuyển được 965 bệnh nhân đến BV tư trong tổng số gần 11.000 trường hợp đơn vị thực hiện chuyển đến các BV liên kết giảm tải. Rõ ràng nhu cầu chuyển bệnh nhân ra các BV tư là có thật nhưng cần một hành lang pháp lý rõ ràng hơn.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra 3 khó khăn lớn trong hợp tác giữa các BV công - tư, trong đó xác nhận vướng mắc ở Luật Khám chữa bệnh và Luật Viên chức khiến bác sĩ BV công không thể đi làm nơi khác trong giờ làm việc, trong khi nhu cầu của các BV tư cũng tập trung trong giờ chứ không phải ngoài giờ. |
Từng bước tháo gỡ vướng mắc
Theo Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh, vướng mắc lớn hiện nay là giờ làm việc của bác sĩ. Các bác sĩ trong giờ hành chính không thể đi làm việc ở BV tư mà chỉ có thể thực hiện ngoài ca trực. Tài chính cũng là vấn đề lớn trong hợp tác công - tư do phí của BV tư cao hơn BV công nên nếu kết hợp hai bên phải tính toán giá thỏa mãn được ở cả hai phía cũng như khả năng chi trả của bệnh nhân.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc BV công đầu tư chung với BV tư nhân 1 - 2 khoa trong BV tư sẽ "gỡ" được tâm lý bệnh nhân là chọn cơ sở y tế có thương hiệu mới yên tâm khám, chữa bệnh, từ đó giảm tải được BV công. Bộ trưởng gợi ý các BV công - tư cần chọn ra những chuyên khoa đang chịu áp lực quá tải để hợp tác như ung bướu, tim mạch, sản, nhi, chấn thương chỉnh hình; các trường hợp hậu phẫu… Ngoài ra, cơ chế tự chủ tài chính của các BV cũng là khó khăn trong việc hợp tác khi một số BV cũng cần nhiều bệnh nhân để tăng thu nhập nên không muốn chuyển bệnh nhân đến BV khác. Do đó, Bộ Y tế đã có Thông tư chuyển tuyến nên các BV có thể chuyển bệnh nhân từ BV công sang BV tư nhân.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thời gian tới Bộ sẽ ban hành văn bản thí điểm mô hình kết hợp BV công và tư ở một số lĩnh vực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.