(HNM) - Người khuyết tật (NKT) gặp không ít khó khăn trong việc đi lại và sử dụng các phương tiện giao thông... Nhằm tìm ra những giải pháp khắc phục thực trạng này, được sự hỗ trợ của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Tạp chí Tình thương và cuộc sống đã tổ chức hội thảo
Vẫn còn nhiều trở ngại với người khuyết tật khi họ tham gia giao thông. |
Có quá nhiều trở ngại
Một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay của NKT khi tham gia giao thông là gặp phải quá nhiều trở ngại, từ các công trình xây dựng, đường giao thông không phù hợp với đặc điểm NKT, ý thức của các tài xế đến việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe để thi lấy giấy phép lái xe... Ông Nguyễn Trung, Phó Chủ tịch Hội NKT quận Đống Đa, Hà Nội chỉ rõ, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên vấn đề đi lại, tham gia giao thông cho NKT như: Điều 26, Pháp lệnh về Người tàn tật quy định: "Việc đầu tư xây dựng mới... chế tạo các dụng cụ sinh hoạt, phương tiện giao thông... phải tính đến nhu cầu sử dụng của NKT". Điều 44, khoản 1, Luật Giao thông cũng chỉ rõ: "Công trình đường bộ xây mới, nâng cấp phải bảo đảm để NKT đi lại an toàn, thuận tiện". Điều 21, khoản 1, Luật Đường sắt nêu rõ: "Ga hành khách phải có công trình riêng phục vụ khách là NKT"... Thế nhưng mới chỉ có ngành hàng không trang bị xe lăn, xe nâng đưa hành khách lên, xuống và có nhiều ghế ngồi chăm sóc đặc biệt cho NKT và người già. Còn lại, hầu hết các phương tiện giao thông khác vẫn chưa có trang thiết bị cho NKT tiếp cận... Khảo sát của Tổ chức NKT quốc tế Pháp thực hiện tại 137 tòa nhà công ở Hà Nội, trong đó có 19 tòa nhà hành chính, 7 cơ sở giáo dục, 9 bệnh viện, trạm xá, 16 khách sạn, 29 trung tâm giải trí, 51 cửa hàng, cửa hiệu, 7 văn phòng của các công ty quốc tế... cho thấy chỉ có 11% số tòa nhà này có đủ tiêu chuẩn để NKT có thể tiếp cận.
Chung quan điểm với ông Nguyễn Trung, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội thừa nhận, môi trường giao thông đô thị vẫn còn rất nhiều bất cập với NKT. Hiện toàn bộ các xe buýt Hà Nội đều có sàn xe cao hơn 70cm, thậm chí tới 1m, không phù hợp với NKT. Một số xe chiều rộng của cửa khá hẹp, dưới 80cm, chưa thích hợp cho xe lăn lên xuống. Mặt khác, hầu hết các điểm dừng, nhà chờ trên các tuyến chưa được thiết kế đồng bộ theo tiêu chuẩn và yêu cầu giao thông tiếp cận... "Hà Nội đang cố gắng khắc phục, bảo đảm tất cả NKT đều có thể tiếp cận, sử dụng xe buýt", ông Hải khẳng định.
Anh Bạch Quang Thái, Chủ nhiệm CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội cho biết, đến nay, sau hơn 2 năm, không biết vì lý do gì, dự thảo "Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển mô tô, xe gắn máy 3 bánh dùng cho NKT" do Bộ Y tế xây dựng vẫn chưa ban hành, trong khi đó NKT cũng có nhu cầu như những người bình thường. Không có giấy phép lái xe, họ gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng: "Tôi là một NKT vận động, hằng ngày vẫn đi làm bằng xe máy mà không có giấy phép. Tôi biết như thế là trái pháp luật nhưng đi lại là nhu cầu cần thiết của bất cứ ai", anh Thái chia sẻ.
Đâu là giải pháp?
Theo các đại biểu dự hội thảo, nguyên nhân của tình trạng trên là do luật có quy định về tham gia giao thông của NKT nhưng lại thiếu một "hành lang" bảo vệ an toàn cho NKT khi tham gia giao thông. Chẳng hạn cho đến nay chưa có một văn bản pháp luật nào quy định các đơn vị vận tải phải tạo điều kiện cho NKT tiếp cận, sử dụng. Đây là lý do khiến cho doanh nghiệp khối vận tải chưa quan tâm và có trách nhiệm đối với bộ phận hành khách là NKT. Mặt khác, luật chưa đưa ra chế tài xử phạt đối với những đơn vị thi công các công trình giao thông, xây dựng các tòa nhà, bến xe... không tiếp cận với NKT nên các công trình này cứ "vô tư" ra đời, khiến NKT khi tham gia giao thông đã gặp phải không ít ''rào cản''. "Cần phải có những chế tài xử phạt cụ thể đối với những đơn vị không thực hiện nghiêm túc Luật về NKT. Chỉ có như vậy, NKT mới được bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông", ông Nguyễn Anh Hùng, Chủ tịch Hội Người mù huyện Mê Linh, Hà Nội khẳng định. Anh Trịnh Công Thanh, Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội mong mỏi: "Hy vọng Bộ Y tế sớm ban hành quy định về việc khám sức khỏe và cấp giấy chứng nhận sức khỏe để NKT được thi sát hạch lấy giấy phép lái xe".
Giờ đây, NKT đã ngày càng tự tin hơn, tham gia sâu rộng hơn vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, nhưng họ vẫn phải đối diện với sự bất an, bất tiện. Trong khi đó, không phải ở đâu, lúc nào và cũng chẳng có gì bảo đảm rằng họ sẽ nhận được sự giúp đỡ khi cần, vì vậy những trở ngại mà họ gặp phải khi tham gia giao thông cần phải được giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ. Các ngành chức năng cần phải nhìn nhận lại một cách nghiêm túc và có hướng giải quyết kịp thời, triệt để nhằm bảo đảm quyền của NKT "tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội" như Luật NKT đã quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.