(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện kế hoạch xây dựng khu dân cư không rác. Kế hoạch này hiện đã được triển khai ở nhiều nơi trên địa bàn, đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, giải pháp chưa thật sự căn cơ, mới chỉ dừng ở việc
"Rình" người xả rác
Ông Nguyễn Văn Sơn, Câu lạc bộ (CLB) Tự quản bảo vệ môi trường Phường 15, quận Tân Bình cho biết: Những thành viên trong CLB nhiều đêm phải "rình mò" để canh những hộ gia đình đổ rác không đúng nơi quy định, sau đó bắt tại trận rồi "áp tải" về nhà, yêu cầu họ đổ đúng nơi quy định. Theo ông Sơn, do những quy định bất cập hiện nay, đặc biệt là từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2014 có hiệu lực, rất khó xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm môi trường. "Từ đầu năm đến nay, Chủ tịch Phường 15 chưa xử phạt được trường hợp nào", ông Nguyễn Văn Sơn nói. Trong khi đó, ông Đồng Văn Khiêm, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh nêu: Nhiều anh em đi thu gom rác than phiền rằng, bỏ công sức thu gom thì dễ, nhưng đến khi thu tiền rác lại rất khó khăn, phải năn nỉ, xin xỏ chẳng khác nào đi... ăn xin.
Dù được cải tạo sạch sẽ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thỉnh thoảng vẫn bị người dân xả rác "trộm". |
Theo TS Phạm Gia Trân (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), một cuộc điều tra gần đây cho biết, tỷ lệ người dân có ý thức bảo vệ môi trường ở khu trung tâm TP Hồ Chí Minh đạt 78,2%, trong khi tỷ lệ này chỉ đạt 25,9% ở khu vực vùng ven và đang có xu hướng kém hơn. Lượng người nhập cư cao, nhiều khu nhà trọ, khu dân cư tự phát... là một trong những nguyên nhân khiến công tác quản lý, bảo vệ môi trường càng trở nên khó khăn hơn.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, do thói quen của đại bộ phận người dân là bạ đâu vứt đó, như trước cửa nhà, vỉa hè, trong hẻm, bãi đất trống... bất kể giờ giấc nào, trong khi thời gian của lực lượng thu gom rác không thống nhất khiến cho công tác thu gom, vận chuyển rác còn nhiều trở ngại. Do đó, không thể bảo đảm thu gom rác tại 100% hộ gia đình.
Theo Phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh), mỗi ngày, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố cần phải thu gom, vận chuyển đến khu xử lý tập trung từ 7.000 đến 7.500 tấn. Tuy nhiên, với khối lượng rác thải lớn như vậy, công tác xử lý hiện đang bị ách tắc ở hai khâu đó là khâu thu gom tại nguồn và khâu trung chuyển - vận chuyển. |
Phải có chế tài mạnh
Ông Đồng Văn Khiêm cho rằng, công tác quản lý, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường nếu chỉ dừng ở việc tuyên truyền là chưa đủ mà phải có hình thức xử phạt, răn đe mạnh với những trường hợp tái phạm nhiều lần. Về hình thức thu phí thu gom rác mà TP Hồ Chí Minh đang áp dụng cũng chưa thật sự công bằng, có hộ đóng, có hộ không. "Đối với những hộ không đóng phí thì họ dùng đủ mọi cách để xả rác lén lút, thậm chí quăng xuống kênh. Còn những hộ có đóng phí thì họ không có lý do gì để xả rác bừa bãi. Do đó, tôi đề nghị phải đưa phí môi trường này vào luật, buộc các hộ phải đóng. Bởi vì rác thì nhà nào cũng có", ông Đồng Văn Khiêm kiến nghị.
Cũng theo ông Đồng Văn Khiêm, đối với các khu dân cư mới xây dựng, cần phải đưa tiêu chuẩn quản lý rác thải ngay ở khâu thiết kế nhà ở. Mỗi hộ gia đình phải có khu vực để rác riêng, bảo đảm không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Đồng thời, phải quy định thời gian cụ thể để thuận tiện cho lực lượng thu gom rác đến chuyển đi.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Lê Ninh - chuyên gia có hơn 25 năm nghiên cứu về thu gom rác - cho rằng, TP Hồ Chí Minh là một đô thị có nhiều thành phần cư dân khác nhau nên công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường mặc dù cần thiết nhưng không phải là giải pháp căn cơ. Đối với một bộ phận thị dân, tuyên truyền gần như không hiệu quả mà cần phải "áp luật" để răn đe. "Tôi chứng kiến nhiều chỗ ghi bảng cấm xả rác to đùng nhưng họ vẫn đổ rác như chẳng có gì. Họ biết là cấm mà vẫn đổ thì tuyên truyền có nghĩa lý gì. Trường hợp này phải phạt thật nặng", TS Nguyễn Lê Ninh nhấn mạnh. Theo đó, TS Ninh cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là phải xử phạt, đánh vào kinh tế mới hy vọng có sự chuyển biến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.