(HNM) - Uma Phaúc Ápđulamutaláp (thường được gọi là Ápđula), kẻ âm mưu đánh bom chiếc máy bay số hiệu 253 từ Amxtécđam (Hà Lan) đến Đitơroi, bang Michigân (Mỹ) chở 279 hành khách và 11 thành viên phi hành đoàn đúng lễ Giáng sinh vừa qua đã bị Tòa án bang Michigân, Mỹ cáo buộc 6 tội danh khủng bố.
Chiếc máy bay Airbus 330 mang số hiệu 253 mà Ápđula định đánh bom nhưng không thành. |
Ápđula sinh ngày 22-12-1986 tại Lagốt, Nigiêria. Là con trai của một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất quốc gia châu Phi, kẻ đánh bom sớm được ra nước ngoài để học tập và được một giáo viên cũ người Anh xem là một học sinh giàu mơ ước.
Tuy nhiên, những người thân cho biết trong vài năm gần đây hắn ngày càng tỏ ra có tư tưởng cực đoan. Gia đình đã không có tin tức gì về Ápđulamutaláp từ tháng 10 vừa qua. Anhagi Umaru Mutaláp, cha của y cho hay, đã báo với nhà chức trách Mỹ và Nigiêria về những thay đổi của con trai ông vào tháng 11, vài tuần trước khi hắn thực hiện vụ đánh bom bất thành. Chủ ngân hàng rất có ảnh hưởng tại Nigiêria này còn cho biết, Ápđula đã có ý nghĩ cực đoan từ khi còn học tại trường Anh ở Lôme, thủ đô Tôgô, nơi tầng lớp thượng lưu của Nigiêria thường gửi con theo học. Tại đây, Ápđula có quan điểm trái ngược với các bạn cùng trang lứa khi bảo vệ Taliban trong một cuộc thảo luận tại lớp năm 2001.
Năm 2005, trong một thông điệp trên internet, Ápđula bày tỏ sự cô đơn và ước muốn tham gia thánh chiến. Tháng 9 cùng năm, y theo học chuyên ngành kỹ sư máy tại Đại học Luân đôn với hình ảnh một sinh viên cần cù, ít nói, lịch thiệp, có năng lực và không bao giờ gây rối. Ápđula sống tại một căn hộ ở ngoại ô phía tây Luân đôn và sau khi tốt nghiệp năm 2008, Ápđula muốn cha mẹ tiếp tục cho đi học tại một quốc gia Ảrập và đã được được gửi tới Đubai, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất vào tháng 1-2009 để học chuyên ngành quản lý kinh tế sau đại học. Tháng 5-2009, hắn muốn trở lại Anh để theo một khóa học 6 tháng. Tuy nhiên, nhà chức trách Anh xác định khóa học này không có thực và từ chối không cấp thị thực nhập cảnh. Kể từ đó, Ápđula nằm trong danh sách cần theo dõi của cơ quan an ninh Anh. Điều này đồng nghĩa với việc hắn không bao giờ được phép nhập cảnh vào Anh.
Không được trở lại Anh, Ápđula bỏ học giữa chừng vào tháng 7-2009 và tìm một trường học tại Yêmen. Cha của Ápđula đã chấp nhận yêu cầu của con trai và cho cậu quý tử này theo học tại Học viện tiếng Ảrập ở Yêmen từ tháng 8-2009. Một học sinh cùng trường cho biết, một ngày của Ápđula bắt đầu bằng việc tới đền thờ để cầu nguyện, sau đó là hàng giờ ngồi đọc kinh Koran trong phòng. Thời gian học tại học viện này chỉ kéo dài khoảng 1 tháng và Ápđula đã ở lại Yêmen sau khi rời trường.
Liên lạc với mẹ, Ápđula bất chấp lời khuyên trở về nhà của người mẹ, hắn cho biết đã tìm được cuộc sống mới và tuyên bố cắt đứt quan hệ với gia đình. Thương con, người cha đã bay tới Yêmen để đưa con trai về. Ông đã tìm kiếm sự giúp đỡ của nhà chức trách Mỹ, Nigiêria và Ảrập Xêút và thông báo về mối lo ngại trước hành vi của con trai. Nhưng, từ tháng 10-2009, gia đình không nhận được tin từ Ápđula và trong thời gian này, Ápđula đã rời Yêmen tới Êtiôpia, Ghana và cuối cùng là Nigiêria để theo đuổi âm mưu đánh bom. Cho dù có tên trong danh sách khủng bố của Mỹ, Ápđula đã không bị cấm bay tới nước này. Đây là lỗ hổng lớn trong cuộc chiến chống khủng bố mà người Mỹ đã nhận ra sau vụ này. Từ Lagốt, Ápđula đến Amxtécđam và sau đó lên máy bay tới Đitơroi cùng thuốc nổ giấu trong quần lót. Nghi phạm đã bị bỏng nặng khi cố gắng kích nổ quả bom. Theo các điều tra viên, hắn khai nhận có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al Qaeda và nhận thuốc nổ tại Yêmen.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.