Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu diễn đàn chuyên biệt cho những cây bút trẻ

Hoàng Lan| 26/02/2014 06:47

(HNM) - Thạc sĩ, nhà phê bình Đinh Văn Thuần (sinh năm 1986) hiện làm công tác biên tập tại Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thuộc Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TƯ (LLPB VHNT).


- Hội đồng LLPB VHNT những năm gần đây đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, động viên các nhà lý luận trẻ như: Tặng thưởng, hỗ trợ cho các công trình lý luận và phê bình VHNT. Là người đang trực tiếp công tác tại Tạp chí của Hội đồng, anh nghĩ gì về điều này?

- Tặng thưởng và hỗ trợ cho các công trình LLPB VHNT mặc dù không dành riêng cho các cây bút trẻ, nhưng với tinh thần khách quan, khoa học, Hội đồng đã lựa chọn để hỗ trợ cho một số công trình của các tác giả trẻ như Phạm Duy Nghĩa, Phan Tuấn Anh, Đoàn Minh Tâm, Bùi Thu Hồng... Tỷ lệ các tác phẩm ấy cho thấy một tín hiệu đáng mừng về sự trưởng thành của các cây bút trẻ, sự ghi nhận của văn giới với những đóng góp của họ. Qua đây, những người làm LLPB trẻ như chúng tôi thêm phấn chấn và mong mỏi sẽ được nhìn thấy nhiều hơn những gương mặt đồng nghiệp xuất hiện trong danh sách tặng thưởng, hỗ trợ của Hội đồng cũng như các cơ quan, tổ chức VHNT uy tín khác.

- Là người theo đuổi công tác nghiên cứu về VHNT thuộc thế hệ 8X, cá nhân anh quan tâm đến điều gì nhằm phát triển hơn nữa nền LLPB VHNT ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay?

- Câu hỏi này đã đặt đúng vấn đề về bối cảnh phát triển của VHNT Việt Nam hiện nay, trong đó có LLPB. Tôi nghĩ có hai điểm then chốt. Trước hết là cần nghiên cứu kỹ lưỡng tri thức và kinh nghiệm của cha ông trong lĩnh vực này. Chúng ta có nền văn học hàng nghìn năm và một thế kỷ XX hiện đại hóa với nhiều bài học kinh nghiệm. Việc tổng kết một cách sâu sắc, khách quan, khoa học các thành tựu, giới hạn, kinh nghiệm của cha ông sẽ là cơ sở để chúng ta vững tin trong tiếp nhận các giá trị VHNT của nhân loại. Văn hóa người Việt bao đời đã chứng minh sức mạnh và khả năng dung hợp các giá trị của nhân loại để làm giàu cho mình. Nhưng chưa bao giờ chúng ta lại đứng trước áp lực lớn đến vậy từ bên ngoài. Tôi cảm nhận thấy rất rõ trách nhiệm nặng nề của những nhà nghiên cứu là phải tỉnh táo, chọn lựa để giới thiệu những lý thuyết có giá trị, phù hợp với thực tiễn đất nước trên cơ sở tự nhận biết và trân trọng các giá trị của mình.

- Có nhiều cơ hội tiếp cận với các bài viết, công trình nghiên cứu cũng như lực lượng làm LLPB VHNT nói chung, anh nghĩ gì về đội ngũ LLPB trẻ hiện nay?


- Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc các nhà LLPB VHNT trẻ vẫn nặng lòng với nghề là rất đáng quý và cần được trân trọng. Tuy nhiên đúng là chúng ta chưa có những diễn đàn chuyên biệt cho những cây bút trẻ, đủ để tạo nên những dấu ấn đậm nét. Chúng ta đang thiếu sự "liên kết hàng ngang". Tôi biết, ở các Hội VHNT trung ương cũng như ở các trường đại học vẫn có những diễn đàn cho các bạn trẻ, nhưng vẫn chỉ dừng ở phạm vi nhỏ, chưa tạo ra tiếng vang trong giới. Cũng phải nói thêm, ở một số diễn đàn, hội thảo, việc những chuyên gia đầu ngành bắt đầu lên tiếng về vai trò của lớp trẻ, của đội ngũ kế cận là một tín hiệu tích cực. Và tôi nghĩ, việc những cây bút trẻ được danh chính ngôn thuận về trọng trách của mình sẽ không còn xa. Vì vậy, bản thân nhà LLPB trẻ phải chủ động gắn kết chặt chẽ với nhau hơn, chia sẻ thành quả, thậm chí là cả những dự án, ý tưởng nghiên cứu. Làm được điều đó, chúng ta sẽ tạo được lực lượng đủ niềm tin, cùng nhau vượt qua khó khăn đi trọn vẹn con đường mà mình đã chọn.

- Xin chân thành cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu diễn đàn chuyên biệt cho những cây bút trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.