(HNM) - Những ai đã đi du lịch nước ngoài hẳn đều nhận thấy, sản phẩm hàng lưu niệm phục vụ du lịch ở các nước vừa phong phú, đa dạng, vừa đặc trưng (Trung Quốc có Vạn Lý Trường Thành, Campuchia có Angkor Wat, Pháp có tháp Eiffel, Nga có lật đật Petrushka, Thái Lan có voi…).
Hà Nội nổi tiếng với hơn 1.000 làng nghề thủ công truyền thống nhưng tại các điểm đến của Hà Nội đâu đâu cũng thấy bày bán bưu ảnh, đồ gốm sứ, mây tre đan, vải lụa, áo phông, thậm chí là đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc, rất hiếm thấy sản phẩm chế tác, mô phỏng những điểm đến. Tại khu du lịch Đồ Sơn, Cát Bà (Hải Phòng), hàng lưu niệm bằng vỏ ốc, vỏ sò được bày bán đa dạng nhưng theo khảo sát của Hội Nghệ nhân Hải Phòng, 90% hàng lưu niệm phục vụ du khách đến thành phố Cảng hiện nay được nhập từ các địa phương bạn và Trung Quốc.
Tương tự, đến Nha Trang (Khánh Hòa) du khách đi mỏi chân, tìm mỏi mắt cũng không thấy sản phẩm lưu niệm có xuất xứ từ trầm hương, trong khi Khánh Hòa được biết đến là xứ xở trầm hương. Các shop chuyên bán hàng lưu niệm như Làng tôi, Forever (đường Hùng Vương), Hương Phố (Trần Quang Khải)… bày bán tới 50 mặt hàng nhưng không hề có một hàng lưu niệm nào "made in Khánh Hòa". Còn tại thành phố di sản Hội An (Quảng Nam), sản phẩm lưu niệm vang tiếng năm châu là đèn lồng với thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ độc quyền, hàng may mặc thời trang đáp ứng mọi yêu cầu của khách đều rất đắt đỏ nên khách nội địa với mức thu nhập trung bình khó có thể mua được sản phẩm nào đậm chất Hội An làm quà sau chuyến thăm đô thị cổ. Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An cho hay: "Ngoài đèn lồng và sản phẩm may mặc, 80% sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách đến Hội An được nhập từ các địa phương khác về".
Cần sự đột phá
Trên thực tế, từ năm 2009, Tổng cục Du lịch đã khuyến khích các địa phương trọng điểm về du lịch chọn biểu tượng về quà, đồ lưu niệm. Sản phẩm này phản ánh nét đặc trưng hoặc mang dấu ấn địa phương, như Hà Nội với Hoàng thành Thăng Long, Hồ Gươm, Văn Miếu, chùa Một Cột; Huế với kinh thành Huế, đền đài lăng tẩm, sông Hương, cầu Trường Tiền; Quảng Nam với phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn hay TP Hồ Chí Minh với chợ Bến Thành, bến Nhà Rồng, nhà thờ quận I, dinh Độc Lập... Trên tinh thần đó, tỉnh Quảng Nam đã khởi động dự án "Hỗ trợ phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn tại điểm di sản thế giới" ở làng nghề mộc Kim Bồng, Thanh Hà, đất nung Lê Đức Hạ, lồng đèn Duy Quá… Tỉnh Thừa Thiên Huế đã hình thành các điểm chuyên kinh doanh và tổ chức thao diễn nghề phục vụ du khách như "khu phố tây" Phạm Ngũ Lão - Lê Lợi - Chu Văn An; làng tranh - nón - hương trên đường Lê Ngô Cát - Huyền Trân Công Chúa; phố kim hoàn dọc đường Mai Thúc Loan - Đinh Tiên Hoàng hay các dịch vụ may áo dài lấy ngay trên đường Bến Nghé. Ngành du lịch Thủ đô cũng đã chọn được biểu tượng "Khuê văn các" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám làm biểu tượng. Đáng tiếc là nguồn kinh phí để tuyên truyền và sản xuất ra các sản phẩm lưu niệm này sao cho vừa đẹp, vừa gọn nhẹ, vừa đặc trưng để du khách thuận tiện mang theo thì hiện nay chưa có địa phương nào làm được.
Nhìn sang các nước bạn sẽ thấy, việc xây dựng biểu tượng về quà, đồ lưu niệm phục vụ du lịch tưởng như đơn giản nhưng đó chính là miếng "mồi" để "câu" khách. Trong chuyến khảo sát du lịch Việt Nam, Tập đoàn Interface Tourism (Pháp) đưa ra kết luận, 85% khách Pháp đến Việt Nam một lần sẽ không trở lại, trong khi đó 70% trong tổng số khách Pháp đến Thái Lan là lần hai, lần ba, lần bốn. Điều này cho thấy, việc xây dựng, củng cố sản phẩm du lịch để tạo dựng hình ảnh du lịch là yêu cầu cấp thiết đối với ngành du lịch và các điểm du lịch của Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.