Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu chế tài ràng buộc trách nhiệm

Võ Lâm| 02/06/2011 07:13

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, tình trạng vi phạm Luật Đê điều vẫn tiếp tục tái diễn trên địa bàn thành phố. Điều đáng nói, nguyên nhân chính của tình trạng này là do chính quyền cơ sở chưa thực sự vào cuộc, nếu không muốn nói là thiếu trách nhiệm, yếu kém về năng lực quản lý.

Khu vực đê thuộc xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) bị trưng dụng làm nơi tập kết vật liệu. Ảnh: Thái Hiền


Vai trò của chính quyền cơ sở ở đâu?

Luật Đê điều có hiệu lực từ ngày 1-7-2007. Tháng 8-2010, nghĩa là sau ba năm thực hiện luật này, TP Hà Nội tổng kết có 1.064 vụ vi phạm, trung bình mỗi tháng có 30 vụ. Ở thời điểm đó, các cán bộ ngành nông nghiệp nhận xét "diễn biến vi phạm ngày càng phức tạp". Đáng chú ý, cuối tháng 10-2008, hơn một năm sau khi thực hiện Luật Đê điều, Hà Nội chịu một trận mưa kỷ lục gây ngập lụt trên diện rộng. Trên các tuyến đê sông Hồng ở địa bàn huyện Từ Liêm, Đan Phượng, TP đã phải cho đổ hàng chục ngàn tấn đá hộc để gia cố đê, kè. Chỉ riêng đoạn kè Liên Trì, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng đã tiêu tốn đến 13.000 tấn đá hộc, chi phí lên tới hàng tỷ đồng. Trận ngập úng này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ đê kè.

Lẽ ra sau đó, công tác quản lý nhà nước về đê điều, xử lý vi phạm phải được chính quyền các địa phương tăng cường. Thế nhưng, ba năm thực hiện Luật Đê điều, tỷ lệ xử lý vi phạm lại rất thấp: 254/1.064 vụ.

Bước sang năm 2011, ngay trước mùa mưa bão được dự báo là nhiều bất thường, khó lường trước, Sở NN&PTNT tiếp tục cảnh báo về tình trạng yếu kém trong xử lý vi phạm Luật Đê điều tại các địa phương. 5 tháng đầu năm, Hà Nội có 165 vụ vi phạm Luật Đê điều, chủ yếu trên các tuyến đê tả Đáy, tả - hữu Hồng ở địa bàn Từ Liêm, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Thường Tín, Hoàng Mai, Ba Vì, Sơn Tây. Nhưng các địa phương mới xử lý được 6 vụ - xấp xỉ 5%. Các hình thức vi phạm chủ yếu là lấn chiếm hành lang bảo vệ đê, làm nhà ở, lều quán bán hàng, sản xuất, kinh doanh vật liệu, xẻ đê làm dốc, đổ đất, đổ chất thải lấn chiếm lòng sông, xây dựng công trình trong chỉ giới thoát lũ… Hình thức vi phạm rất đa dạng nhưng kết quả xử lý vi phạm thấp, không phải riêng một dạng vi phạm nào. Điều này chứng tỏ, không phải vì tính chất vi phạm đòi hỏi người xử lý có trình độ cao, cần nhiều tiền của, mà do tinh thần trách nhiệm còn thiếu, sự quyết đoán "chưa tới" của chính quyền địa phương, nhất là vai trò của chính quyền cơ sở.

Tăng cường ràng buộc trách nhiệm


Nhiều trường hợp xây nhà trái phép vi phạm hành lang bảo vệ đê vẫn chưa bị xử lý.


Trả lời về vấn đề trách nhiệm xử lý các vi phạm Luật Đê điều, ông Hà Đức Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: "Theo các quy định hiện hành, trách nhiệm chính là của địa phương, đặc biệt là cấp phường, xã. Cũng có trường hợp thuộc trách nhiệm của các cơ quan chuyên ngành như chi cục đê điều, hạt quản lý đê nhưng không nhiều". Ông Hà Đức Trung khẳng định, có phường, xã còn nhận tiền của tư nhân cho thuê mặt bằng làm kho bãi, nên việc xử lý gặp khó khăn vì "há miệng mắc quai". Tính yếu kém của chính quyền cơ sở trong trường hợp này không chỉ ở chỗ xử lý thiếu triệt để mà còn không nắm rõ quy định pháp luật, vi phạm pháp luật đê điều. Vì yếu kém này, có địa phương thậm chí còn "vô tư" giúp tổ chức, cá nhân xin cấp phép - một kiểu "hợp pháp hóa" vi phạm.

Tình trạng trên đòi hỏi chính quyền TP phải cùng lúc kiểm tra, xem xét những địa phương "vi phạm nhiều, xử lý ít" hoặc xử lý không "đến nơi, đến chốn", đồng thời có chế tài ràng buộc trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là cá nhân người đứng đầu chính quyền cơ sở đối với tình hình vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn. Sở dĩ lâu nay chính quyền cơ sở còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong xử lý các vi phạm, thậm chí tiếp tay cho các vi phạm Luật Đê điều vì trách nhiệm cá nhân chưa được làm rõ. Vi phạm thì trông thấy nhưng chưa có ai bị thôi việc, cách chức, nên rất khó ngăn chặn. Rõ ràng chỉ có ràng buộc trách nhiệm cá nhân thì tình trạng vi phạm Luật Đê điều mới có cơ hội bị kiềm chế.

Trong mùa mưa năm nay, trên 469,9km đê các loại của TP được đánh giá là "chống được mức lũ thiết kế", nhưng đáng lo ngại là có tới 7 trọng điểm và 11 điểm xung yếu cần lập phương án bảo vệ. UBND TP Hà Nội đã thành lập một ban chỉ đạo chung để tập trung xử lý quyết liệt các vi phạm về đê điều và phòng, chống lụt bão trong vòng hai tháng (từ ngày 25-5 đến ngày 25-7). Hai tháng tập trung là rất cần thiết, nhưng cần thiết hơn là phải làm cho chính quyền cơ sở thật sự có trách nhiệm trong bảo vệ đê điều.

Còn tình trạng đẩy đưa, né tránh
"Một số quận, huyện thiếu tập trung chỉ đạo như Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Từ Liêm, Hoàng Mai. Các quận, huyện, thị xã và các ngành chức năng chưa thực sự vào cuộc, thiếu sâu sát, quyết liệt trong xử lý; còn tình trạng đẩy đưa, né tránh trách nhiệm trong kiểm tra xử lý. Chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và chính quyền các cấp dẫn đến tình trạng xử lý còn nhiều hạn chế, kết quả thấp, tính răn đe giáo dục không cao".

(Trích nhận định của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão TP Hà Nội)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu chế tài ràng buộc trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.