(HNM) - Việc nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS) thời gian qua luôn được các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội quan tâm thực hiện. Qua đó, nhiều nội dung, mô hình thiết thực được áp dụng, tạo nền tảng để thành phố đạt mục tiêu đề ra đối với chỉ số này trong giai đoạn tới.
Quyết tâm cải thiện
Chỉ số SIPAS năm 2020 của thành phố Hà Nội đạt 85,15%, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 19 bậc so với năm 2019. Tuy nhiên, một số tiêu chí, tiêu chí thành phần còn thấp hơn mức trung bình cả nước, như: Tiêu chí tiếp cận dịch vụ, tiêu chí công chức, tiêu chí kết quả giải quyết thủ tục hành chính...
Nguyên nhân là do trong quá trình thực hiện Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS của thành phố năm 2020, một số cơ quan, đơn vị được giao chủ trì chưa chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng đến chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”…
Nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế đó, từ đầu năm 2021, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 22-1-2021 về nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị; cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS năm 2021 của thành phố Hà Nội. Thành phố cũng ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 11-6-2021 về cải thiện, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công (SIPAS) giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội. Tiếp đó, ngày 5-8-2021, UBND thành phố ban hành Công văn số 2542/UBND-SNV về việc tăng cường các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS năm 2021. Đặc biệt, trong tháng 8-2021, thành phố đã lập Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh và Chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ công thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025...
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu Chỉ số SIPAS của thành phố năm 2023 đạt trên 85%, năm 2025 đạt từ 90% đến 95% và đã có nhiều biện pháp quyết liệt trong chỉ đạo điều hành. Tiêu biểu như trong năm 2021, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị đăng ký sáng kiến, giải pháp, cách làm hay, mô hình mới, từ đó nhân rộng ra toàn thành phố nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), SIPAS cấp tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho hay, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đơn vị đã khảo sát đo lường sự hài lòng (SIPAS) qua hệ thống trực tuyến quét mã QR trên trang thông tin điện tử của Sở.
Trong khi đó, Sở Tư pháp Hà Nội thí điểm giao doanh nghiệp bưu chính công ích đảm nhận một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực lý lịch tư pháp… Sở Xây dựng thực hiện cấp phép xây dựng hạng mục hạ tầng kỹ thuật song song với việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển nhà ở đối với các công trình nhà ở, giúp chủ đầu tư rút ngắn thời gian triển khai dự án.
Nâng trách nhiệm người đứng đầu
Đối với các địa phương, việc cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS cũng được triển khai bằng những việc cụ thể, thiết thực. Các mô hình bộ phận “một cửa” hiện đại được nhiều nơi áp dụng như: Mô hình “một cửa” xanh, sạch, đẹp với việc bố trí khuôn viên, cây xanh, tiểu cảnh tại bộ phận “một cửa” của UBND quận Long Biên và UBND quận Bắc Từ Liêm.
Theo Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Thanh Trì Chử Mạnh Thăng, để bảo đảm chất lượng phục vụ người dân, 100% cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” đều có kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Đội ngũ này cũng thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng và nghiệp vụ chuyên môn như về tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, kỹ năng giao tiếp, ứng xử…
Trong khi đó, tại bộ phận “một cửa” của UBND quận Hai Bà Trưng đã khảo sát lấy ý kiến của cá nhân, người đại diện tổ chức đến làm thủ tục hành chính. Bà Nguyễn Thu Hương (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Việc thăm dò ý kiến người dân để nâng cao chất lượng phục vụ là rất văn minh, cầu thị nên tôi sẵn lòng điền vào phiếu khảo sát”.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh cải thiện, nâng cao Chỉ số SIPAS trong thời gian tới, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền trực tuyến về ý nghĩa Chỉ số SIPAS tới cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận xã hội. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị tăng cường các hình thức thông tin, tương tác với người dân về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính, lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4…
Cũng theo bà Vũ Thu Hà, Đoàn kiểm tra công vụ của thành phố và Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh và Chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ công thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại được chỉ ra từ đợt kiểm tra trước đây. Quan điểm là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật công vụ nếu có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.