Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiệt thòi khi rút bảo hiểm xã hội một lần

Kim Vũ| 21/04/2022 06:18

(HNM) - Mặc dù đã có những cảnh báo về sự thiệt thòi nhưng vẫn có không ít người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Thực tế này cho thấy, bên cạnh hoàn thiện các quy định pháp luật, cần thiết phải đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động hiểu rõ lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với cuộc sống của họ.

Tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Minh Vũ

Được và mất...

Dù đã đóng bảo hiểm xã hội được 18 năm, chỉ thêm 2 năm nữa là có thể được hưởng lương hưu với 55% tiền lương bình quân cũng như các quyền lợi khác, nhưng chị Nguyễn Thị Hằng (sinh năm 1976, huyện Hoài Đức) đã quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần để có vốn kinh doanh. "Tôi không đủ kiên nhẫn do công việc bấp bênh, trình độ mới học hết cấp trung học phổ thông có thể sẽ không được giữ chân tại công ty nên quyết định nghỉ việc và rút bảo hiểm", chị Hằng bày tỏ.

Một trường hợp rất đáng tiếc khác khi đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 14 năm nhưng cũng rút bảo hiểm một lần là ông Nguyễn Văn Quyết, 55 tuổi ở quận Cầu Giấy. Năm 40 tuổi, khi sức khỏe còn tốt, ông Quyết đã chủ quan, dừng đóng và rút bảo hiểm xã hội một lần để mở cửa hàng kinh doanh. Tuy nhiên, đến đầu năm nay, ông lại bị tai nạn trong khi công việc bấp bênh, tiền tích lũy và lương hưu đều không có. Đến bây giờ, ông Quyết rất hối tiếc vì rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng đã muộn màng.

Bên cạnh những trường hợp đáng tiếc nói trên, vẫn còn nhiều người kiên trì tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để có “giá đỡ” khi về già.

Đã từng nghỉ việc, hưởng bảo hiểm xã hội một lần với mức 6 triệu đồng từ năm 1991, bà Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1958, ngách 651/26 Minh Khai, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) nhận ra số tiền đó không giúp được bà trong tương lai. Do vậy, năm 2003, bà tiếp tục đi làm việc và được đóng bảo hiểm xã hội lại từ đầu. Đến năm 2014, sau 11 năm đóng bảo hiểm xã hội thì bà Hạnh nghỉ việc nhưng bà vẫn quyết định tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức hơn 400.000 đồng/tháng. Năm 2022, bà Hạnh đóng đủ 20 năm và được hưởng lương hưu. “Nhờ sự tư vấn nhiệt tình của cán bộ bảo hiểm xã hội quận nên tôi có thêm quyết tâm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và đến nay được hưởng lương hưu cũng như nhiều phúc lợi khác”, bà Hạnh chia sẻ. 

Giải quyết thủ tục cho người lao động tại bộ phận “một cửa” của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.

Cần thay đổi tư duy

Nói về thực tế người tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Chương Mỹ Trần Văn Hoan cho biết, có trường hợp được cơ quan bảo hiểm xã hội tư vấn rất tận tình nhưng vì thiếu kiên trì nên họ vẫn quyết định rút một lần. Ngược lại, có nhiều người dù khó khăn nhưng vẫn quyết tâm theo đến cùng để đạt thành quả an sinh xã hội là hưởng lương hưu, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh; hưởng trợ cấp tử tuất.

Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội Hà Nội) Dương Thị Minh Châu cho hay, lao động chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần vì chưa hiểu hết được lợi ích của việc hưởng lương hưu, tính nhân văn, ưu việt của việc tham gia bảo hiểm xã hội. Họ đang đánh mất cơ hội hưởng an sinh xã hội khi đến tuổi già, tuổi dễ bị tổn thương nhất, tuổi mà hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc bệnh, sức khỏe suy yếu không thể lao động. 

Theo bà Châu, người lao động khi không lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, có quyền bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu trang trải cuộc sống và được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong suốt thời gian hưởng lương hưu. 

Về vấn đề này, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho rằng, các cơ quan, đơn vị cần tăng quyền lợi nếu người lao động bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí và giảm điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu hưởng chế độ hưu trí…

Nhằm thu hút và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, dự kiến Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Việc sửa đổi theo tinh thần này sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội (trong đó có bảo hiểm xã hội tự nguyện), người lao động có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu.

Bên cạnh những thay đổi về chính sách, người lao động cũng cần thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức, kiên trì tham gia bảo hiểm xã hội để tạo cho mình một “giá đỡ” an sinh xã hội bền vững trong tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiệt thòi khi rút bảo hiểm xã hội một lần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.