(HNM) - Để đạt hiệu quả bền vững, cơ quan chức năng cần duy trì kiểm soát để ngăn chặn việc tái lấn chiếm vỉa hè...
Một ô tô dừng đỗ trái phép trên đường Sương Nguyệt Ánh (quận 1) bị cẩu đi. |
Kinh nghiệm “giành lại vỉa hè”
Trong suốt quá trình Đoàn kiểm tra của UBND quận 1 do đồng chí Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách, trực tiếp thực thi nhiệm vụ "giành lại vỉa hè", lực lượng chức năng luôn có mặt phối hợp chặt chẽ với Đoàn như cảnh sát giao thông, quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên - Môi trường... Cụ thể, tại khách sạn Rạng Đông (thuộc Công ty CP Du lịch Công đoàn - Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, đường CMT8) khi chiếc Toyota Innova 7 chỗ đậu tràn ra vỉa hè, cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường đã yêu cầu chủ khách sạn cho xem bản đồ hiện trạng sử dụng đất để xác định vị trí chiếc ô tô đậu có nằm trong khuôn viên đất sở hữu của khách sạn này. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT kịp thời xuống đường phân luồng không làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Khi chủ khách sạn không chứng minh được xe nằm trong khuôn viên thuộc quyền sở hữu, tức lấn chiếm vỉa hè, Phòng Quản lý đô thị và các lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt hành chính đối với chủ xe; nhanh chóng đưa xe về trụ sở... Các chủ xe vi phạm lấn chiếm vỉa hè ngoài việc phải nộp phạt theo quy định còn phải đóng tiền phí cho khâu cẩu xe.
Điều dễ nhận thấy là không có "vùng cấm" trong quá trình chính quyền quận 1 thực thi nhiệm vụ. Lần lượt các cơ quan, nhà hàng, khách sạn lớn, xe đắt tiền… nếu vi phạm đều bị xử lý theo quy định. Đơn cử, trụ sở khu phố 1 (phường Bến Thành) dù đang hoạt động, nhưng đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận 1 yêu cầu lãnh đạo UBND phường Bến Thành kiểm tra và báo cáo ngay về tính pháp lý của khu đất trụ sở đang sử dụng. Nếu không có giấy tờ đầy đủ chứng minh khu đất này đang được cho thuê, quận sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng tháo dỡ.
Tại quận 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh… lực lượng chức năng cũng đồng loạt kiểm tra, xử lý vi phạm. Quận Bình Tân tạm thời kẻ vạch sơn trắng ở một số tuyến đường như Kinh Dương Vương, Vành Đai Trong, Tên Lửa, đại lộ Võ Văn Kiệt… nhằm nâng cao ý thức người dân. Từ khi có vạch sơn một số hộ dân đã dời bàn ghế, đồ kinh doanh vào khu vực cho phép...
Điều đáng ghi nhận, trong quá trình ra quân của cơ quan chức năng, đa số trường hợp vi phạm đều tự giác hợp tác với chính quyền trong việc tháo dỡ công trình lấn chiếm. Nhiều hộ dân còn giúp lực lượng chức năng tháo các bảng hiệu, đập bỏ các cầu dẫn xây lấn vỉa hè... Kết quả, đến nay, các tuyến đường lớn của trung tâm thành phố đều có sự chuyển biến rõ rệt, vỉa hè được trả lại thông thoáng cho người đi bộ. như: Đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Nguyễn Du, Nguyễn Trung Trực, Lê Duẩn…
Duy trì kết quả đạt được
Dẫu vậy, theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, điều mà mọi người băn khoăn là việc làm trên của cơ quan chức năng có bảo đảm bền vững? Luật sư Thái Văn Chung, Trưởng Văn phòng Luật Nguyên Giáp (thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, những quy định pháp luật về xử lý hành vi lấn chiếm lòng lề đường rất đầy đủ, nhưng sở dĩ vi phạm nhiều là do quản lý lỏng lẻo, đặc biệt là chính quyền địa phương. Để chấm dứt cảnh tái lấn chiếm sau khi lực lượng chức năng rút đi thì trước hết, từng phường, từng khu phố phải quản lý tốt địa bàn. Bên cạnh đó, cần giao thời hạn cụ thể trong xử lý vi phạm, cũng như giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ cho chính chính quyền địa phương.
Tại cuộc họp bàn về công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường với các quận, huyện, sở, ban, ngành thành phố chiều 1-3, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã đánh giá cao nỗ lực của quận 1 và bước triển khai của các quận khác và nhấn mạnh: Các địa phương và sở, ban, ngành thành phố cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, kiên trì để công tác thiết lập lại trật tự, kỷ cương và văn minh đô thị mang lại hiệu quả cao. Các cơ quan chức năng cần chú ý tính bền vững, không chạy theo phong trào. Việc thiết lập lại trật tự văn minh đô thị không chỉ tạo được sự đồng thuận của người dân mà cả hệ thống chính trị, đoàn thể cùng vào cuộc.
Tại cuộc họp chiều 1-3, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu chủ tịch UBND 24 quận, huyện ký cam kết với nội dung: Trong năm 2017 phải thiết lập lại được trật tự đô thị. Nếu quận huyện nào không thực hiện được thì coi như không hoàn thành nhiệm vụ. Lãnh đạo thành phố cũng kêu gọi người dân cùng tham gia với chính quyền để tạo sự chuyển biến tích cực, cùng xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, đáng sống. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.