Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiết lập hệ thống giám sát từ xa

Diệu Huyền| 17/10/2014 06:17

(HNM) - Mặc dù thiết bị chứa nguồn phóng xạ bị thất lạc tại TP Hồ Chí Minh gần đây đã nhanh chóng được tìm ra, song nỗi lo về công tác quản lý các thiết bị này thì vẫn còn đó.

Cơ quan chức năng thu hồi thiết bị có chứa chất phóng xạ bị mất cắp tại TP Hồ Chí Minh.


Số lượng chứa nguồn phóng xạ ngày càng tăng

Những năm gần đây, các thiết bị chứa nguồn phóng xạ được sử dụng ngày càng nhiều trong các ứng dụng công nghiệp, các ngành xây dựng, hải quan... như các thiết bị đo, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, thăm dò và khai thác dầu khí, sản xuất xi măng... Bên cạnh lợi ích mà các thiết bị trên mang lại, điều cần tính tới là xây dựng hệ giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho con người và môi trường. Trách nhiệm đó, trước hết thuộc về các cá nhân, tổ chức tiến hành công việc liên quan tới bức xạ; bên cạnh đó là vai trò của các cơ quan quản lý về an toàn bức xạ và hạt nhân, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan.

Theo thống kê về thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân qua hệ thống RAISVN (phần mềm quản lý khai báo, cấp phép cơ sở bức xạ, thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ của Việt Nam), hiện có khoảng gần 1.000 cơ sở đang sử dụng thiết bị bức xạ, với khoảng gần 6.000 nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm khác nhau. Các nguồn phóng xạ sử dụng trong các thiết bị chụp ảnh phóng xạ, kiểm tra đánh giá không phá hủy tại các công trình xây dựng, kiểm tra chất lượng các mối hàn… chính là nhóm nguồn tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an ninh, an toàn. Hiện tại, trong cả nước có khoảng 60 cơ sở được cấp giấy phép chụp ảnh phóng xạ với khoảng gần 1.000 nguồn phóng xạ (bao gồm cả nguồn đang sử dụng di động hoặc lưu giữ tại các kho nguồn tại cơ sở). Việc bảo đảm an ninh, an toàn đối với nhóm nguồn này cần phải được quan tâm đúng mức.

Phát triển hệ thống quản lý và giám sát từ xa

Trước yêu cầu cấp bách về bảo vệ các nguồn phóng xạ, mới đây, Vụ Công nghệ cao - Bộ KH&CN đã ký hợp đồng triển khai thực hiện đề tài "Nghiên cứu và phát triển hệ thống quản lý và giám sát từ xa các nguồn phóng xạ theo thời gian thực". Đây là đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp quốc gia, được giao trực tiếp cho Viện Điện tử - Viễn thông Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phối hợp với Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thực hiện. Đề tài này được triển khai trên cơ sở đề xuất của Cục An toàn và bức xạ hạt nhân, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế trong công tác quản lý, giám sát các nguồn phóng xạ trên toàn quốc. Mục tiêu của đề tài là thiết kế và chế tạo thiết bị phục vụ định vị, giám sát vị trí và trạng thái của các thiết bị di động có nguồn phóng xạ theo thời gian thực nhằm bảo đảm an toàn đối với nguồn phóng xạ.

Theo TS Trần Quang Vinh, Chủ nhiệm đề tài, đây là mục tiêu có nhiều thách thức bởi các thiết bị chứa nguồn phóng xạ thường hoạt động trong điều kiện và môi trường khó khăn, đòi hỏi hệ thống phải có khả năng định vị, định danh nguồn phóng xạ, giám sát mức độ phóng xạ của nguồn trong điều kiện không có tín hiệu định vị vệ tinh cũng như khi phải định vị dưới độ sâu lớn, trong các công trình ngầm... Ngoài ra, các thiết bị di động chứa nguồn phóng xạ, như thiết bị kiểm tra không phá hủy (NDT), khi hoạt động sẽ phát ra cường độ bức xạ cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết bị điện, điện tử xung quanh nó. Trong phạm vi của đề tài này, nhóm nghiên cứu sẽ ứng dụng những tiến bộ về điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử hạt nhân, cơ khí, công nghệ vật liệu để tạo ra một hệ thống tích hợp quản lý và giám sát các nguồn phóng xạ di động hoàn chỉnh.

Kết quả của đề tài sẽ giúp các cơ quan chức năng quản lý và giám sát các nguồn phóng xạ tốt hơn, có thể phát hiện, phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hành vi tiếp cận trái phép nguồn phóng xạ trong quá trình sử dụng, vận chuyển và lưu giữ, góp phần bảo đảm an toàn và an ninh nguồn phóng xạ. Các nhà khoa học cho biết, hệ thống này đang được khẩn trương nghiên cứu, thực hiện, có thể chuyển giao sớm cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân để ứng dụng vào thực tế. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiết lập hệ thống giám sát từ xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.