Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiết kế thời trang Việt: Trăn trở giải mã chất liệu truyền thống

An Định| 25/09/2022 05:31

(HNMCT) - Thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của yếu tố bản sắc văn hóa trong các lĩnh vực sáng tạo, đặc biệt là thiết kế. Và các nhà thiết kế thời trang Việt cũng đang trong hành trình tìm về bản sắc rất riêng, trăn trở giải mã chất liệu truyền thống đã thất truyền, tạo nên những câu chuyện truyền cảm hứng...

Một thiết kế mới từ chất liệu tơ chuối. Ảnh: Kilomet 109

Bí mật của Tiêu Cát

Mấy năm trở lại đây, thương hiệu thời trang bền vững Kilomet 109 thu hút được sự chú ý đặc biệt ở các diễn đàn sáng tạo bởi lối đi riêng. Các thiết kế của Kilomet 109 dựa trên nguồn nguyên liệu địa phương và kỹ thuật truyền thống Việt Nam, lấy cảm hứng từ kỹ thuật dệt sợi tơ, bông, gai hay kỹ thuật nhuộm chàm, vẽ sáp ong truyền thống của phụ nữ Nùng, Dao, Thái, Tày, Mường, Mông... ở Mai Châu (Hòa Bình), Cao Bằng... Hành trình phục hồi những chất liệu cũ theo cách truyền thống của Kilomet 109 đã mang đến cho cộng đồng nhiều câu chuyện truyền cảm hứng.

Trong Hội thảo khoa học đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (2016 - 2021) vừa tổ chức tại Hà Nội trong tuần qua, chị Vũ Thảo, nhà thiết kế, Giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang bền vững Kilomet 109 đã chia sẻ về hành trình tìm lại chất liệu vải tơ chuối - còn có tên là Tiêu Cát. Chị kể: “Tôi đọc trong sách Quảng Chí của Trung Quốc, thấy có chép: Ở Giao Chỉ, thân cây chuối xé ra như tơ, dệt thành vải gọi là Tiêu Cát, dễ rách nhưng đẹp, màu vàng nhạt, cũng gọi là vải Giao Chỉ. Tháng 11-2019, tôi dự một cuộc hội thảo về thiết kế và chất liệu quốc tế được tổ chức tại Indonesia. Tôi đã lắng nghe 3 bài thuyết trình về vải chuối từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu và nghệ nhân đến từ Nhật Bản và Philippines.

Tất cả diễn giả đều đưa ra thông tin quý giá về loại tơ thực vật kỳ diệu như là lịch sử địa phương của nó, giống cây, cách canh tác, cách sơ chế, cách dệt và cách chế tác trang phục từ tơ chuối. Người Nhật gọi vải tơ chuối là Bashofu, người Philippines thì gọi là T’nalak. Nhưng nguồn gốc tơ chuối xuất phát từ đâu? Vẫn không một tài liệu nào nói rõ và cũng chẳng có diễn giả nào trong buổi tọa đàm đó hóa giải được. Tôi càng trầm ngâm hơn với câu hỏi đã đeo đuổi suốt mấy năm qua về nguồn gốc của loại vải cổ đại từng được gọi với cái tên vải Giao Chỉ. Liệu nguồn gốc của nó có phải từ Đại Việt - Việt Nam không? Cùng năm 2019, tôi bắt đầu một hành trình 5 ngày đi tìm giống cây chuối rừng abacá (tên khoa học là Musa) cùng với một nhóm nghệ nhân tơ chuối và nghệ sĩ chất liệu, nhà làm phim đến từ Nhật Bản tại vùng núi đông bắc Việt Nam - Cao Bằng, trong một dự án trao đổi văn hóa. Bốn ngày liên tục hỏi han người dân địa phương với 2 bản đồ vẽ tay nguệch ngoạc, ký hiệu toàn bằng tiếng Nhật và một ít tư liệu cộng hình ảnh rời rạc mà chúng tôi thu lượm được qua sách báo, internet. Cuối cùng thì chúng tôi đã tìm thấy lãnh địa của loài chuối hoang Musa. Cùng với các nghệ nhân chất liệu Nùng An, chúng tôi đã lựa chọn những cây đủ tuổi và mang về sơ chế dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân tơ chuối Fukushima đến từ Okinawa”. Và thế là sản phẩm thời trang được làm bằng tơ chuối ra đời.

Tìm và phục hồi chất liệu cổ truyền

Trước câu chuyện “giải mã” chất liệu tơ chuối của chị Vũ Thảo, những người quan tâm đến lĩnh vực thời trang đã được chứng kiến nhiều hành trình rất kỳ công. Và, chính hành trình tìm và phục hồi những chất liệu truyền thống đang mai một đã góp phần tạo nên những tên tuổi lớn của thời trang nước nhà.

Nhà thiết kế Võ Việt Chung từng chia sẻ về câu chuyện phục hồi chất liệu lãnh Mỹ A, và khẳng định: “Lãnh Mỹ A được dệt từ chất tơ hảo hạng và được nhuộm bằng mủ trái mặc nưa. Chính chất liệu lãnh Mỹ A đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Bởi với việc khôi phục được chất liệu này, năm 2007, tôi đã trở thành nhà thiết kế đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh là “Người có công khôi phục và phát triển chất liệu truyền thống lãnh Mỹ A”. Lúc trước, lãnh Mỹ A chỉ có giá 70.000 đồng/mét nhưng bây giờ đã là 200 - 300 USD/mét”.

Quá trình phục hồi chất liệu tơ chuối. Ảnh: Kilomet 109

Chất liệu thổ cẩm cũng đã đưa nhà thiết kế Minh Hạnh đến với những sàn diễn thời trang lớn trên thế giới. Bà được coi là người có công “đỡ đầu”, chắp cánh cho thổ cẩm Tà Ôi (Thừa Thiên Huế) cũng như các loại thổ cẩm của vùng cao phía Bắc khoe sắc trên các sàn diễn tại các sự kiện quan trọng ở trong nước và quốc tế...

“Vải vóc là một trong những dạng văn bản sớm nhất, sinh động nhất ghi nhận sự tồn tại của loài người. Nó góp phần hình thành sắc thái xã hội loài người. Nó phản ánh chân thực đời sống văn hóa, sự đa dạng sinh thái, trình độ thẩm mỹ và kỹ nghệ chế tác của mỗi một nền văn minh. Hành trình tìm lại vải vóc của tiền bối vẫn đang tiếp diễn. Có thể nguồn gốc của Tiêu Cát mãi mãi là một bí ẩn, nhưng được nhìn thấy Tiêu Cát từ từ hồi sinh ngay trên mảnh đất mà nó từng tồn tại sau nhiều thế kỷ vắng bóng đã khiến tôi ngẫm ngợi nhiều hơn về sáng tạo” - nhà thiết kế Vũ Thảo chia sẻ.

Gắn kết các giá trị cũ - mới

Thời gian qua, những thiết kế mang đậm bản sắc văn hóa địa phương từ chất liệu đến hoa văn... trở thành xu hướng nổi bật của thời trang toàn cầu. Nếu như nhà thiết kế Minh Hạnh luôn nhấn mạnh yếu tố bản sắc chính là “gươm báu” để chinh phục thế giới thì với nhà thiết kế Vũ Thảo, “thiết kế có gốc” có khả năng gắn kết những giá trị cũ vừa tham gia giải quyết những vấn đề mới của xã hội vốn luôn biến động. Chị cho biết: “Sự hợp nhất toàn cầu của các ngành công nghiệp sáng tạo (thiết kế) mang lại lợi ích về nhiều mặt nhưng cũng đồng thời làm mất đi tiếng nói độc lập và độc đáo. Do đó, mọi người đang tìm kiếm các thương hiệu nguyên bản, đại diện cho một đối tượng văn hóa cụ thể, một thời kỳ, địa điểm và hoạt động sáng tạo nhất định.

Thiết kế có khả năng khơi gợi về một nơi chốn cụ thể, một cộng đồng cụ thể, một văn hóa cụ thể nào đó sẽ mang lại giá trị xác thực cho thiết kế. Thử nghiệm trong sáng tạo nói chung là chất xúc tác hỗ trợ hữu hiệu cho phản ứng liên kết giữa truyền thống và hiện đại. Trong lĩnh vực thiết kế thời trang, nó nhiều khi quyết định số phận của cả một phương pháp truyền thống hay rộng hơn là cả một làng nghề. Cải tiến thông qua thử nghiệm giúp chúng tôi đi tiếp với tâm trạng háo hức thay vì chỉ duy trì nguyên trạng giá trị vốn có. Nó kích hoạt dòng chảy sáng tạo ở cả nhà thiết kế và đội ngũ nghệ nhân. Thiết kế có gốc vừa mang khả năng gắn kết những giá trị cũ, vừa tham gia giải quyết những vấn đề mới. Theo tôi, thiết kế thực sự có giá trị là thiết kế có khả năng liên kết các mối quan hệ của con người và các giá trị vô hình”.

Rõ ràng, khi thế giới càng phẳng thì yếu tố bản sắc càng được đề cao. Việc tìm về với truyền thống còn là câu trả lời hiệu quả cho phát triển kinh tế bền vững nói chung và thiết kế bền vững nói riêng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiết kế thời trang Việt: Trăn trở giải mã chất liệu truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.