Giao thông

Thiết kế đường phố an toàn cho Thủ đô

Lương Ninh Giang 04/04/2024 - 07:29

Hà Nội cần hướng tới thiết kế những tuyến đường đa phương thức, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng.

Đó là khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế đang tham gia hỗ trợ thành phố Hà Nội nghiên cứu thiết kế lại các tuyến đường trên địa bàn hướng tới bảo đảm trật tự an toàn và giảm tai nạn giao thông.

he-pho.jpg
Vỉa hè đường Võ Chí Công nhiều điểm mấp mô, ô tô đỗ sai quy định gây khó khăn cho người đi bộ. Ảnh: Tuấn Khải

Người đi bộ... đang bị bỏ quên

Trong khuôn khổ Dự án sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu giai đoạn 2021-2025, mới đây, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế đến từ Tổ chức Sáng kiến thiết kế đường phố toàn cầu (GDCI), một nhóm phóng viên và cán bộ của Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội đã trải nghiệm là những người yếu thế (người già, trẻ em, người khiếm thị, người phải di chuyển bằng xe lăn…) tham gia giao thông trên một số đoạn vỉa hè đường Võ Chí Công và cầu vượt cho người đi bộ trên đường Võ Chí Công; đi qua nút giao Võ Chí Công - Nguyễn Hoàng Tôn (quận Tây Hồ).

Trực tiếp đóng vai người khiếm thị bằng cách đeo khăn đen bịt kín mắt di chuyển trên cầu vượt cho người đi bộ và qua nút giao Võ Chí Công - Nguyễn Hoàng Tôn (có người dẫn đường), phóng viên Báo Hànộimới cùng các đồng nghiệp đều cảm thấy rất nguy hiểm bởi tiếng động cơ của ô tô, xe máy, tiếng còi xe… liên tục dội vào tai. Có những lúc, đoàn đang di chuyển qua nút giao dù trong điều kiện đèn tín hiệu dành cho người đi bộ nhưng vẫn phải dừng lại để tránh xe máy chạy ẩu, lạng lách qua ngã tư…

Trên vỉa hè đường Võ Chí Công, người đi bộ rất dễ bị vấp tại những điểm mấp mô, nắp hố ga cong vênh. Một số đoạn bị người dân chiếm dụng làm điểm kinh doanh, buôn bán hoặc để ô tô, xe máy khiến người đi bộ phải di chuyển xuống phía dưới lòng đường…

Đánh giá chung của cả đoàn sau khi tham gia trải nghiệm là hệ thống hạ tầng giao thông hiện ưu tiên quá nhiều cho phương tiện cơ giới và dường như… đang bỏ quên người đi bộ và người khuyết tật.

Hiện trạng trên đường Võ Chí Công, nút giao Võ Chí Công - Nguyễn Hoàng Tôn cũng chính là thực trạng tại rất nhiều tuyến đường, nút giao thông trên địa bàn thành phố, thực sự đang là thách thức rất lớn đối với mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, an toàn, từng bước kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông.

Tuyến đường đa phương thức - tại sao không?

Các chuyên gia đến từ GDCI cho rằng, vấn đề chính hiện nay của giao thông Hà Nội là sự gia tăng của phương tiện cá nhân và tăng dân số cơ học trong khi hạ tầng giao thông vẫn còn hạn chế. Làm thêm nhiều tuyến đường cũng đồng nghĩa với việc tạo thuận lợi cho phương tiện cá nhân đi lại. Điều này dẫn đến việc có nhiều ô tô hơn và nguy cơ tắc nghẽn nhiều hơn.

Để giải quyết vấn đề này cần hướng tới thiết kế những tuyến đường đa phương thức để bảo đảm cùng không gian đường phố như vậy nhưng đáp ứng nhu cầu của nhiều người; trong đó, cần đặc biệt ưu tiên cho người đi bộ.

Bà Uditi Argawal, cán bộ quản lý dự án của GDCI cho rằng, những chuyển đổi trong thiết kế các tuyến đường, tuyến phố cần tập trung vào con người như: Tăng thêm vỉa hè, sơn phản quang, tạo ra những nơi cho người đi bộ, người khuyết tật… có thể đi qua tuyến phố một cách an toàn; đặt gờ giảm tốc để giảm tốc độ phương tiện, cùng với đó thực hiện các biện pháp tăng tầm nhìn cho người điều khiển phương tiện giao thông…

Theo bà Vivi Tiezzi, chuyên gia của GDCI, việc thay đổi thiết kế tuyến đường có thể phòng ngừa được số vụ tai nạn, cũng như số người chết vì tai nạn giao thông. Cùng với đó, nếu được thiết kế phù hợp, đường phố không chỉ phục vụ giao thông mà còn là không gian có thể tổ chức sự kiện, là nơi để người dân vui chơi, ngắm nhìn thiên nhiên, thư giãn và đồng thời cũng là nơi mưu sinh của nhiều người.

Gợi ý giải pháp, bà Vivi Tiezzi đề cập tới 4 trụ cột gồm: Thiết kế đường phố đổi mới giúp giảm tốc độ; thực thi luật pháp thật nghiêm đối với hành vi vi phạm quy tắc giao thông; các quy định pháp lý giúp giảm tốc độ tối đa; các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng.

“Khi xe lưu thông tốc độ cao sẽ có nguy cơ cao gây ra tai nạn và tử vong. Ví dụ, nếu ô tô đi tốc độ 30km/giờ và đâm vào một người đi bộ, thì người đó có 90% khả năng sống sót, nhưng nếu đâm với tốc độ 60km/giờ khả năng tử vong rất cao. Hiện một số thành phố như Paris (Pháp), Valencia (Tây Ban Nha) đã giới hạn tốc độ xuống dưới 30km/giờ. Tuy nhiên, không phải tất cả các thành phố có đủ nguồn lực làm việc đó. Vì vậy có thể cân nhắc biện pháp khác như áp dụng hạn chế tốc độ tùy theo bối cảnh cụ thể của từng thành phố, từng vùng”, bà Vivi Tiezzi cho biết.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Đào Duy Phong: Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội, Sở Giao thông vận tải Hà Nội xác định, việc thiết kế đường phố là một trong những nội dung quan trọng nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Do đó, Sở đang phối hợp với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu thiết kế lại các tuyến đường trên địa bàn hướng tới bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết kế đường phố an toàn cho Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.