1. Trong khi những hình ảnh tang thương tại đất nước Philippines do siêu bão Haiyan (bão số 14) gây ra còn nguyên tính thời sự, thì dư luận và người dân cả nước đã lại sững sờ, lo lắng trước thông tin mưa to và lũ lớn đột ngột xuất hiện, gây thiệt hại nghiêm trọng tại miền Trung - Tây Nguyên.
Thống kê sơ bộ cho thấy, tính đến ngày 17-11, sau hơn 3 ngày nhấn chìm miền Trung trong biển nước, mưa lũ đã làm 34 người chết và mất tích, 16 người bị thương; nhiều địa phương ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… ngập sâu trong nước, bị cô lập; giao thông nhiều khu vực bị chia cắt… Đặc biệt, tại Quảng Nam và Quảng Ngãi, lũ lớn tiếp tục dâng cao, dự báo nhiều nơi có khả năng xấp xỉ hoặc vượt đỉnh lũ lịch sử…
Vậy là miền Trung lại trắng trời mưa lũ. Thêm một lần "khúc ruột" Việt Nam quặn đau vì hứng chịu cơn thịnh nộ của thiên tai!
Theo cơ quan khí tượng thủy văn, mưa to, lũ lớn trong những ngày vừa qua là do ảnh hưởng từ sự "biến tướng" của bão số 15. Hình thành ngoài khơi Thái Bình Dương ngay trong lúc bão Haiyan còn đang hoành hành dọc bờ vào khu vực Nam Trung bộ ngày 15-11 rồi tan dần. Đáng nói là đợt mưa lũ này ập đến trong lúc người dân miền Trung nói riêng và cả nước nói chung đang trở lại nhịp sống thường nhật sau khi cơn bão số 14 vừa tan trước đó chỉ mấy ngày.
2. Nhắc đến bão số 14, có lẽ nhân loại sẽ nhớ mãi đến cái tên Haiyan bởi sự tàn phá, hủy diệt của nó gây ra ở Philippines. Chắc chắn, tại nơi "đầu sóng ngọn gió" bên bờ Thái Bình Dương này đã có hàng nghìn người chết, và đến thời điểm này, khi bão quét qua đã 10 ngày mà thành phố Tacloban nơi tâm bão đi qua vẫn ở trong tình trạng hỗn loạn, giao thông gần như tê liệt, công tác cứu trợ còn ngổn ngang… Nhân loại hẳn cũng sẽ khó quên những giọt nước mắt của ông Trưởng phái đoàn Philippines tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP19) diễn ra tại Ba Lan trung tuần tháng 11-2013, chỉ sau khi bão Haiyan càn quét qua Philippines ít ngày. Đó là những giọt nước mắt đau xót trước sự mất mát to lớn của đất nước, của người dân, cũng có thể đó là những giọt nước mắt cay đắng bởi sự mất mát đó lẽ ra không đáng có, hoặc không tới mức độ nghiêm trọng...
Những giọt nước mắt ở Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu ấy, cùng với hình ảnh đau thương của người dân và đất nước Philippines gợi lại cảnh tượng tương tự cách đây vừa tròn 16 năm. Cơn bão Linda (bão số 5) xuất hiện trong 3 ngày đầu tháng 11 năm 1997 đã trở thành cơn bão gây thiệt hại lớn nhất về người và của trong vòng 100 năm qua ở vùng biển phía Nam nước ta, với 4.500 người chết (phần lớn là ngư dân); khoảng 200.000 căn nhà, hơn 325.000ha ruộng và diện tích nuôi trồng thủy sản bị phá hủy… Và ngày 1-11 hằng năm đã trở thành ngày giỗ chung của hàng nghìn gia đình ngư dân huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau). Còn cơn bão Linda sẽ đọng mãi trong tâm trí người dân vùng sông nước cực Nam Tổ quốc qua bản đờn ca tài tử với những ca từ xót xa, bi thương do một nghệ sĩ dân gian sáng tác ngay sau khi thảm họa xảy ra…
Nhắc lại những chuyện này để thấy rõ chúng ta may mắn như thế nào khi đã hạn chế được thiệt hại do siêu bão Haiyan gây ra. Bên cạnh yếu tố bão đổi hướng di chuyển sượt qua các tỉnh ven biển lên phía Bắc, thay vì đổ bộ trực diện vào miền Trung, còn có một nguyên nhân quan trọng giúp giảm được đáng kể thiệt hại do bão gây ra. Đó là sự vào cuộc chủ động, kịp thời và đồng bộ, công tác triển khai ứng phó khẩn trương, quyết liệt của các cấp, ngành từ trung ương cho tới địa phương, cùng với đó là ý thức tự giác chấp hành, đoàn kết của cộng đồng người dân. Rõ ràng là chúng ta đã ứng phó khá thành công và hiệu quả với bão Haiyan. Và có người đã ví công tác triển khai chống bão Haiyan như một "chiến dịch phòng vệ quốc gia" đối phó với thiên tai có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng hàng triệu người dân. Tuy nhiên, với diễn biến bất thường của thiên tai thì không thể thiếu cảnh giác.
Những năm gần đây, các cụm từ như "siêu bão", "bão chồng bão", "lũ chồng lũ" dường như đã quá quen thuộc đối với nước ta. Từ đầu năm đến nay, đã có 15 cơn bão hình thành, đổ bộ vào Biển Đông, trong đó có 11 cơn bão tác động trực tiếp đến Việt Nam. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, tính từ đầu năm đến tháng 9 vừa qua, bão lũ ở nước ta đã làm hơn 200 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 22 nghìn tỷ đồng, tức là hơn 1 tỷ đôla. Còn trong 10 năm trở lại đây, thiên tai ở nước ta đã làm gần 10 nghìn người chết và mất tích, thiệt hại vật chất chiếm khoảng 1,5% GDP mỗi năm (xấp xỉ 1,9 - 2 tỷ đôla). Đáng lo ngại là năm nay, bão lũ, áp thấp nhiệt đới có diễn biến phức tạp và bất thường, xuất hiện sớm hơn, tần suất dày hơn và sức tàn phá cùng với mức độ thiệt hại cũng khủng khiếp hơn so với trước. Đặc biệt, theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, nước ta nằm ở một trong 5 khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đứng trong top 10 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi thiên tai trên thế giới!
Những dẫn chứng trên cho thấy, hơn lúc nào hết, vấn đề chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai luôn phải được đặt lên hàng đầu.
3. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng đối phó với mưa lũ còn phức tạp, khó khăn hơn nhiều so với chống bão, nhất là trong điều kiện địa hình hẹp, có độ dốc cao, nhiều sông suối, khả năng che phủ thấp như ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên hay các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, những nơi cơ sở hạ tầng vẫn thiếu tính bền vững, dễ bị tổn thương bởi thiên tai; công tác quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chưa có định hướng hài hòa, phù hợp với những tác động từ thiên nhiên. Đáng nói hơn cả là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai mưa lũ gây ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề cũng có nguyên nhân đáng kể từ "nhân tai". Đó là hậu quả của nạn phá rừng, khai thác tài nguyên kiểu tận diệt; đặc biệt là "phong trào" làm thủy điện tràn lan, thiếu kiểm soát.
Tình trạng khắp nơi đua nhau xây dựng nhà máy thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ - gây tác hại lớn đến môi trường, đặc biệt là đe dọa đến sự an toàn của đời sống người dân cũng như sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương - đã được dư luận, báo chí cảnh báo từ nhiều năm nay. Tại những kỳ họp Quốc hội gần đây và cả kỳ họp đang diễn ra, vấn đề dự án thủy điện mất an toàn đã "làm nóng" không khí nghị trường. Sau cơn bão số 10, 11 và 12, tình trạng các hồ thủy điện xả lũ làm ngập lụt vùng hạ du, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đã lên đến mức báo động, càng khiến dư luận và người dân thêm bức xúc. Đáng nói là, trong đợt mưa lũ do áp thấp nhiệt đới hình thành từ cơn bão số 15 gây ra trong những ngày vừa qua, cơn "đại hồng thủy" nhấn chìm nhiều khu vực miền Trung - Tây Nguyên có sự tiếp tay đáng kể từ công tác xả lũ của các hồ, đập thủy điện. Theo Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đến sáng 16-11, đã có 15 hồ thủy điện trong khu vực đồng loạt xả lũ, gây ra hiện tượng lũ chồng lũ. Lãnh đạo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão TP Đà Nẵng nhận định: Trong đợt mưa lũ này, các hồ thủy điện đều không có tác dụng cắt lũ do có dung tích nhỏ.
Thực tế triền miên ngập lụt, lũ chồng lũ cho thấy chúng ta đã, đang và sẽ còn tiếp tục phải trả giá đắt cho sự phát triển quá "nóng" của các dự án thủy điện. Để xảy ra tình trạng này có lỗi lớn từ cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã buông lỏng quản lý, kiểm soát. Do tư duy nhiệm kỳ, tầm nhìn hạn chế, làm lấy được nên lãnh đạo nhiều địa phương đã ký duyệt các dự án thủy điện không mang lại hiệu quả kinh tế xã hội lâu dài cho địa phương mà trái lại, đã trở thành mối hiểm họa cho đời sống của người dân, lợi thì ít mà hại nhiều. Chính vì lý do trên nên đã dẫn đến tình trạng, như thống kê của Bộ Công thương đã chỉ ra là gần 30% số đập thủy điện nhỏ chưa được đánh giá, kiểm định; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ sử dụng, vận hành hồ, đập chưa có phương án phòng chống lụt bão... Bên cạnh đó, phần lớn các thủy điện nhỏ do tư nhân đầu tư, do vậy yếu tố đầu tiên và căn cốt mà người ta tính đến lợi nhuận, lợi ích cá nhân chứ không phải là sự an toàn cho cộng đồng... Phát biểu thảo luận về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm về quản lý nhà nước, việc tham mưu cho Chính phủ ký quy hoạch thủy điện là thiếu thận trọng và quá đơn giản từ địa phương tới trung ương, và "phải kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước thế nào về việc cấp phép tràn lan để sau còn tránh".
Để chủ động, ứng phó hiệu quả với thiên tai, rõ ràng bài học chủ động và đồng bộ từ "chiến dịch" chống bão Haiyan cần phải được phát huy, nhân rộng. Đó chính là sự triển khai, hiện thực hóa chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, cụ thể là Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường" và Chiến lược quốc gia về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tới năm 2020 cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát trong các lĩnh vực môi trường, tài nguyên; đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mang tính bền vững, hài hòa với môi trường tự nhiên ở các địa phương có nguy cơ thường xuyên xảy ra bão lũ, ngập lụt. Đặc biệt, các cơ quan chức năng phải khẩn trương, kiên quyết loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội những dự án thủy điện không phù hợp với quy hoạch, mất an toàn, tác động xấu tới môi trường - xã hội, đồng thời làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể đã tiếp tay cho "nhân tai" gây thiệt hại cho đời sống kinh tế xã hội và người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.