Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi tuyển công chức - việc cấp thiết

Hiền Thu| 23/03/2019 07:18

(HNM) - Thiếu biên chế, buộc phải sử dụng nhiều lao động hợp đồng đảm nhiệm công việc chuyên môn là thực tế đang tồn tại ở nhiều cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội.

Để giải quyết thực trạng này, năm 2019, thành phố sẽ tổ chức thi tuyển công chức, đồng thời tuyển dụng viên chức giáo dục. Đây được xem là việc cấp thiết, hữu hiệu để giải quyết thực trạng về biên chế, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo quy định, người tiếp nhận và trả hồ sơ tại bộ phận “một cửa” phải là công chức. Ảnh: Thái Hiền


Việc nhiều, người ít

Là địa bàn có tới 4 vạn dân nên lượng hồ sơ chứng thực tại bộ phận “một cửa” hằng ngày rất lớn, tuy nhiên, UBND phường Mai Động (quận Hoàng Mai) nhiều năm qua vẫn phải sử dụng lao động hợp đồng tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận này. Trong khi đó, quy định hiện hành là không được sử dụng lao động hợp đồng làm nhiệm vụ chuyên môn. Tại UBND phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), UBND phường Trung Phụng (quận Đống Đa), hiện mỗi nơi cũng còn thiếu tới 5 người so với chỉ tiêu biên chế được giao. Việc này khiến cán bộ, công chức phải rất vất vả mới hoàn thành được khối lượng công việc.

Theo bà Hứa Thị Xuân Liên, Chủ tịch UBND phường Trung Phụng, nhiều cán bộ, công chức của phường phải kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác nhau, ngay cả cán bộ tiếp dân cũng phải kiêm nhiều việc chứ không có cán bộ chuyên trách... Đối với cấp quận, huyện, tình trạng thiếu biên chế cũng không khả quan hơn. Tại UBND quận Nam Từ Liêm thiếu 14 chỉ tiêu biên chế, UBND huyện Ứng Hòa thiếu 13 chỉ tiêu, UBND huyện Thanh Oai thiếu 11 chỉ tiêu, UBND quận Hoàng Mai cũng đang thiếu 11 chỉ tiêu...

Ông Lê Hồng Kỳ, Trưởng phòng Nội vụ quận Hoàng Mai cho biết: “Phòng Nội vụ quận chỉ tiêu biên chế giao là 8 nhưng vẫn đang thiếu 3 người, trong khi đó phải “gánh” tới 21 đầu việc. Anh em phải làm cả ngoài giờ hành chính để hoàn tất được công việc”. Cũng theo ông Kỳ, do phòng còn thiếu một phó trưởng phòng nên bản thân ông phải “suốt ngày đi họp” thành ra càng bí thời gian giải quyết công việc chuyên môn.

Ở khối viên chức giáo viên, việc thiếu biên chế lại càng phổ biến và là vấn đề nan giải nhiều năm chưa giải quyết được. Tiêu biểu như trên địa bàn quận Hoàng Mai, với quy mô dân số tăng đột biến trong những năm gần đây (hiện có khoảng 9 vạn dân sinh sống) dẫn tới tăng lớp, tăng trường và thiếu giáo viên trầm trọng. Hiện tại, toàn quận Hoàng Mai thiếu 566 chỉ tiêu giáo viên làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trực thuộc UBND quận. Một số trường thiếu nhiều giáo viên như: Tiểu học Chu Văn An thiếu 38 giáo viên; Tiểu học Đại Từ thiếu 29 giáo viên; Tiểu học Vĩnh Hưng thiếu 24 giáo viên… Để khắc phục tình trạng trên, các đơn vị vẫn thực hiện giải pháp sử dụng giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, việc này cũng có bất cập là khó ràng buộc trách nhiệm khi có vấn đề gì xảy ra.

Gần 13.000 chỉ tiêu tuyển mới

Việc thiếu biên chế tại các cơ quan, đơn vị một phần do việc giao và thực hiện biên chế chưa đúng chỉ tiêu, một phần do số biên chế có nhiều biến động bởi nghỉ chế độ, nghỉ hưu, chuyển công tác... Do đó, sớm bổ sung biên chế thực sự là vấn đề cấp thiết, nhất là trước yêu cầu của việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị đòi hỏi ngày càng cao.

Nêu thực trạng trên địa bàn quận, bà Hoàng Thị Phương Ngọc, Trưởng phòng Nội vụ quận Đống Đa cho rằng, nếu không tuyển dụng mới công chức, viên chức thì rất căng. Trong khi đó, ông Lê Hồng Kỳ, Trưởng phòng Nội vụ quận Hoàng Mai cũng khẳng định, thi tuyển biên chế là việc cấp thiết để theo kịp sự phát triển của các cơ quan, đơn vị và thành phố, cũng như đòi hỏi của nhân dân.

Sau 3 năm gián đoạn (kể từ lần thi tuyển công chức năm 2015), đến nay, thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết định phê duyệt chỉ tiêu và kế hoạch thi tuyển công chức, viên chức năm 2019. Theo đó, chỉ tiêu công chức là 345 người; chỉ tiêu viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã của thành phố là 11.182 người; chỉ tiêu công chức xã, phường, thị trấn là 1.029 người (bao gồm cả lớp công chức nguồn khóa 4 là 264 người).

Về vấn đề này, ngày 13-3-2019, Sở Nội vụ Hà Nội đã ban hành Công văn số 476/SNV-CCVC về việc Hướng dẫn thông báo chỉ tiêu tiếp nhận hồ sơ thi tuyển công chức cấp xã và phiếu đăng ký dự tuyển công chức, viên chức giáo dục năm 2019. Đến thời điểm này, các địa phương đã thông báo về chỉ tiêu, việc tiếp nhận hồ sơ thi tuyển công chức cấp xã và phiếu đăng ký dự tuyển công chức hành chính, viên chức giáo dục năm 2019. Trong đó nêu rõ chỉ tiêu tuyển dụng, tiêu chuẩn, điều kiện, hồ sơ thi tuyển, phiếu đăng ký dự tuyển, thời gian, địa điểm tiếp nhận cũng như thời gian thông báo công khai danh sách thí sinh đủ điều kiện dự thi. Tại nhiều quận, huyện đã bắt đầu có thí sinh nộp hồ sơ.

Ông Lê Hồng Kỳ, Trưởng phòng Nội vụ quận Hoàng Mai chia sẻ: "Tôi mong muốn kỳ thi diễn ra càng sớm càng tốt và cần bảo đảm sự công khai, minh bạch. Để bảo đảm chất lượng tốt nhất thì cần đặc biệt coi trọng phần thi chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành và lấy kết quả ưu tiên từ cao xuống thấp...".

Theo chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, kỳ thi tuyển công chức, viên chức năm 2019 sẽ được tổ chức xong trong quý II-2019.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thi tuyển công chức - việc cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.