(HNM) - Kết thúc năm 2019, ngành viễn thông không còn phát triển bùng nổ như trước bởi doanh thu từ di động đã bão hòa, trong khi doanh thu từ dữ liệu (data) chưa được như kỳ vọng.
Theo ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong cơ cấu doanh thu dịch vụ di động tại thị trường Việt Nam, doanh thu từ dịch vụ thoại và tin nhắn chiếm 76,6%, còn doanh thu từ data chỉ đạt 23,4%. Trong khi đó, xu hướng chung trên toàn cầu và sự phát triển của công nghệ cho thấy, các dịch vụ thoại và tin nhắn ngày càng giảm (giảm 10-15%/năm) để nhường chỗ cho nguồn thu từ dịch vụ data. Doanh thu data trung bình của các nhà mạng trên thế giới là hơn 43%, cao hơn nhiều so với nước ta hiện nay. Thoại và tin nhắn sẽ ngày càng giảm, mà nguồn thu từ data chưa thể bù đắp đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chung của các nhà mạng trong nước.
Thêm nữa, các nhà mạng trong nước đang duy trì 3 công nghệ (2G, 3G, 4G), sắp tới 5G và do phải duy trì vận hành, khai thác cùng một lúc các công nghệ kể trên, dẫn đến tài nguyên tần số vô tuyến điện bị chia nhỏ. “Hiệu quả khai thác tài nguyên giảm, doanh nghiệp tốn kém chi phí vận hành, từ đó khó tập trung được nguồn lực để tham gia vào công nghệ di động thế hệ mới” - ông Hoàng Minh Cường cho biết.
Thực tế cũng cho thấy, năm 2019, doanh thu của các nhà mạng không được như kỳ vọng. Lấy ví dụ với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), tổng doanh thu đạt 167.983 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch, tăng 2,7% so với năm 2018; trong khi đó, năm 2018 VNPT tăng trưởng doanh thu 6,5% so với 2017. Tổng công ty Viễn thông MobiFone năm 2019 không công bố chỉ số doanh thu, chỉ công bố lợi nhuận trước thuế đạt 6.078 tỷ đồng, tăng 3,5%; trong khi năm 2018 tăng 7,5% so với 2017. Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) hiện chưa công bố bất kỳ thông tin về kết quả doanh thu, lợi nhuận năm 2019.
Nói rõ thêm về doanh thu tăng trưởng chậm, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho biết, thách thức lớn nhất với VNPT trong năm 2019 là bảo đảm mục tiêu doanh thu đặt ra. Các dịch vụ giá trị gia tăng như thanh toán thẻ cào trực tuyến giảm rất lớn, trong khi các dịch vụ số mới bắt đầu kinh doanh nên doanh số chưa đủ bù lại mức suy giảm của dịch vụ truyền thống.
"Những yếu tố đó đang khiến doanh thu dịch vụ viễn thông cơ bản ở Việt Nam trong năm qua không thể tăng trưởng... Riêng về dịch vụ data, VNPT đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ data đạt 30% nhưng thực tế chỉ đạt 18,6%. Đáng chú ý, lưu lượng data tăng cao, nhưng doanh thu chỉ tăng 18,6%, do các nhà mạng giảm giá để cạnh tranh", ông Huỳnh Quang Liêm thông tin.
Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Viettel cũng cho rằng doanh thu dịch vụ thoại, tin nhắn giảm theo xu hướng chung, doanh thu từ data tăng trưởng thấp hơn nhiều so với tăng trưởng lưu lượng là một trong những khó khăn với nhà mạng. Tuy nhiên, cước dịch vụ data giảm đã góp phần thúc đẩy người dân sử dụng internet băng rộng nhiều hơn.
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành viễn thông, ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, Cục đã xây dựng phương án để Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương dừng công nghệ viễn thông di động mặt đất thế hệ cũ 2G. Việc này sẽ giúp Việt Nam chuyển đổi số nhanh hơn, phù hợp xu thế sử dụng smartphone của người dân... Trong khi đó, doanh nghiệp viễn thông bớt được các chi phí vận hành hệ thống công nghệ cũ tốn kém, chuyển dần từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang các dịch vụ trên nền tảng dữ liệu, xây dựng nền tảng cho kinh tế số.
"Cục đã tham mưu để Bộ Thông tin và Truyền thông quy định tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông nhằm giúp các nhà mạng tiết kiệm chi phí đầu tư. Ngoài ra, Cục đã, đang phối hợp tích cực với các nhà mạng chuẩn bị triển khai các dịch vụ mới nhằm tạo không gian cho doanh nghiệp hoạt động", ông Hoàng Minh Cường thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.